| Hotline: 0983.970.780

Đổi thay ở xóm người Mông Lân Quan

Thứ Bảy 30/07/2022 , 11:16 (GMT+7)

Xưa giờ tôi mới chỉ biết đến Lân Quan là một xóm bản vùng sâu vùng xa đầy gian khó của đồng bào dân tộc Mông xã Tân Long huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Chuyển mình

Khi đặt chân đến Lân Quan, tôi đã xiết bao ngỡ ngàng bởi cảnh sắc, con người cùng nhịp sống của vùng đất này. Hóa ra, đường lên Tân Long đã rất thuận lợi chứ không còn gian nan như ngày nào.

Con đường đến trung tâm xóm được hoàn thành từ mấy năm trước, theo đề án "Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020", khiến Lân Quan gần hẳn lại.

Mục sư  Đào Văn Trang luôn khích lệ, động viên đồng bào sống tốt đời đẹp đạo. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Mục sư  Đào Văn Trang luôn khích lệ, động viên đồng bào sống tốt đời đẹp đạo. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Lân Quan là một xóm núi yên bình xanh tươi, đất đai khá bằng phẳng màu mỡ với những bãi ngô ngút ngàn, những mái nhà thấp thoáng trong cây cối. Xóm nhỏ nằm trong lòng thung, bao quanh là những dãy núi đá vôi cao chất ngất. Đây vốn dĩ là một vùng rừng núi hoang vu, vào năm 1979 có khoảng chục hộ người Mông di cư từ huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng về sinh sống. Qua hơn bốn thập kỷ, bao mồ hôi và sức lực đổ xuống để biến nơi dừng chân trú ngụ ban đầu trở thành một xóm bản đông vui với trên 130 nóc nhà hôm nay.

Được sự giới thiệu của Ban Dân tộc tỉnh, tôi đã đến Lân Quan để gặp một người dân tộc thiểu số tiêu biểu - mục sư Tin lành Đào Văn Trang, người có nhiều thành tích trong việc tuyên truyền đồng bào thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nằm ngay bên cạnh nhà văn hóa xóm, ngôi nhà khang trang của gia đình mục sư Đào Văn Trang cũng là "bách hóa tổng hợp" cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho bà con quanh vùng. Tuổi trong lý lịch là 47 và tuổi thực ngoài đời năm nay là 44, mục sư còn  kiêm luôn chức danh y tế thôn bản và cộng tác viên dân số.

Bước vào nhà, tôi sửng sốt nhìn những tấm bằng khen và huy chương treo kín cả bức tường. Lần đầu tiên đến Lân Quan, cũng là lần đầu tiên tôi được biết đây cũng chính là quê hương của nữ đô vật dân tộc Mông Đào Thị Hương từng giành huy chương Đồng - tấm huy chương duy nhất, vô cùng quý giá của đội tuyển vật Việt Nam tại Giải vô địch Vật Châu Á 2017 diễn ra tại Ấn Độ. Trong màu cờ sắc áo của đội tuyển quốc gia, đội tuyển Hà Nội, Hương đã nhiều lần giành ngôi vô địch tại các giải thể thao quốc gia và khu vực.

Hương sinh năm 1995, là con gái thứ hai của mục sư Đào Văn Trang. Vợ chồng ông Trang có bốn cô con gái và còn nhận nuôi một bé trai năm nay lên 6 tuổi. Thái độ vui vẻ, thân thiện, ấm áp và cách nói chuyện cởi mở, chân thành của mục sư Trang khiến bất cứ ai dù mới gặp lần đầu cũng liền lập tức yêu quý và tin tưởng ông.

Trưởng xóm Trần Văn Hồ nói rằng bản thân ông Trang là một tấm gương về nghị lực. Văn hóa chỉ ở bậc tiểu học, nhà nghèo, lấy vợ sớm, đông con, nhưng ông Trang luôn tự học hỏi, vươn lên trong cuộc sống, thực sự xứng đáng để cho mọi người học tập. Bằng những việc làm cụ thể hàng ngày, ông Trang đã góp phần đáng kể trong việc xóa dần những phong tục tập quán lạc hậu, những thói quen xấu của cộng đồng để xây dựng cuộc sống mới, văn minh, hiện đại, trở thành xóm văn hóa nhiều năm liền như ngày hôm nay.

Trong ký ức của người dân Lân Quan, trước đây người Mông không theo tôn giáo nào, chỉ thờ thần rừng, thần cây nhưng các tục lệ rất nặng nề. Đơn cử như tục ma chay rất lạc hậu, đáng sợ. Đến đầu những năm 1990 vẫn treo người chết cả chục ngày trong nhà, làm đám bảy ngày bảy đêm nếu người mất là đàn ông, chín ngày chín đêm đối với đàn bà, mỗi anh em trong gia đình đều phải dắt bò hoặc lợn đến góp. Nhiều đám ngả cả chục con bò, con lợn, họ hàng con cháu bỏ bê việc làm ăn, rượu chè suốt nhiều ngày. Mỗi khi vào nhà mới, gia chủ cũng tổ chức thết đãi họ hàng, ít nhất cũng phải hết năm mươi lít rượu trắng.

Những kiến thức, kỹ năng nông nghiệp đã được người Mông ở Lân Quan áp dụng trong sản xuất. Ảnh: Đào Thanh

Những kiến thức, kỹ năng nông nghiệp đã được người Mông ở Lân Quan áp dụng trong sản xuất. Ảnh: Đào Thanh

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” đã trở thành một làn gió mới mát lành thổi đến Lân Quan. Cùng với những chính sách hỗ trợ về phát triển kinh tế cho vùng khó, bà con vùng dân tộc thiểu số còn được đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống tinh thần. Đồng bào chọn đạo Tin lành để gửi gắm đức tin.

Nổi bật trong số các tín đồ bởi lòng kính chúa, say mê kinh thánh, năm vững giáo lý và tự rèn mình. Ngay khi mới 30 tuổi, ông Trang đã được bà con ca ngợi là một con người mẫu mực với những đức tính đáng quý như nhân ái, hiền lành, khát khao điều tốt,  khiêm tốn, trong sạch và hất mực chăm chỉ cần cù. Từ năm 2008 đến nay, ông là người truyền đạo, giảng kinh thánh cho các giáo dân và được phong chức mục sư 5 năm nay.

Nói về công việc của mình, mục sư Trang khiêm nhường cho rằng, chỉ vì ông có điều kiện nghiên cứu nên am hiểu kinh thánh hơn, có khả năng nói trước đám đông nên mới được chọn vào vị trí này. Để xây dựng lòng tin, bên cạnh những phẩm chất đạo đức cá nhân, ông luôn theo sát cuộc sống của từng gia đình với sự trân trọng, quan tâm sâu sắc, nắm rõ hoàn cảnh sống của họ, con cái họ ăn học thế nào, công việc mưu sinh của họ có bảo đảm không, sức khỏe của họ có ổn định không và sẵn lòng san sẻ tất cả những gì trong khả năng cho phép. Mỗi cá nhân hay gia đình nào gặp vấn đề trong cuộc sống đều thấy mình được đồng cảm, đồng hành, đều có thể chia sẻ và xin lời khuyên.

Khởi sắc

Hồ hởi trao đổi về tình hình xóm, trưởng xóm Trần Văn Hồ khoe thời gian qua, Lân Quan là mô hình điểm dân vận khéo “sống tốt đời đẹp đạo” của xã. Bí quyết là nhờ “Mình nghe ý kiến của nhân dân xem có đồng tình không. Nếu dân chưa hiểu chúng tôi sẽ đến từng nhà vận động để mọi người ủng hộ”. “Chúng tôi” mà ông Trưởng xóm nói đến ở đây bao gồm các thành phần: Bí thư chi bộ Dương Văn Lầu, trưởng xóm Trần Văn Hồ  và mục sư Đào Văn Trang. Ba con người ưu tú, đầy nhiệt huyết, đúng là ba cái cây chụm lại thành ngọn núi vững chãi cùng chung vai gánh vác công việc của xóm.

Mỗi khi trong xóm có người ốm đau, cán bộ xóm cùng với Ban Chấp sự Hội thánh cùng nhau đến thăm hỏi động viên bà con. Trong vai trò y tế thôn bản, Mục sư Trang đã khiến bà con thay đổi căn bản thói quen chăm sóc sức khỏe. Những năm trước đây, đường sá đi lại còn gian nan, cuộc sống khó khăn nên người dân rất ngại đi viện, ốm đau cũng chỉ uống lá lẩu, ngay cả sinh con cũng sinh tại nhà. Nay thì hầu hết đã đến cơ sở y tế, nhiều trường hợp bị đau ruột thừa được nhập viện mổ kịp thời, không còn trường hợp nào liều lĩnh sinh con tại nhà, trẻ em được tiêm phòng đúng thời hạn.

Về đổi thay cách làm ăn để xây dựng nông thôn mới, đầu năm nay ông Trang được Ban Dân tộc tỉnh tổ chức cho đi tham quan các mô hình hiệu quả tại các tỉnh Tây Bắc, trong đó có mô hình chăn nuôi bò sữa và trồng rau, mận, đào hàng hóa tại Mộc Châu (Sơn La).

Người Mông ở Lân Quan phát triển chăn nuôi bò vỗ béo. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Người Mông ở Lân Quan phát triển chăn nuôi bò vỗ béo. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Cây ăn quả thực sự có triển vọng áp dụng ở Lân Quan. Từ năm 2018, theo Đề án 2037 của tỉnh, các hộ dân đã được cấp các giống cây ăn quả như na, đào và  tập huấn kỹ thuật trồng. Na, đào đều đã cho thu quả ngọt. Riêng về đào, có thể khẳng định Lân Quan là một thung lũng hoa đào lớn với hàng ngày cây đào bung hoa đỏ thắm mỗi độ xuân về. Hơn 10 hộ đã bắt tay vào trồng đào hàng hóa, mỗi hộ từ 200 cây trở lên, nhà Hoàng Văn Dần trồng đến 1.000 cây.

Đánh giá thực tế xóm, ông thấy có thể học được một số mô hình, như trồng rau, mận, đào. Nhưng điều quan trọng là phải làm tập trung, chỗ nào trồng rau thì cả xóm trồng rau, mận cũng trồng hết mấy xóm. Phải rủ đông đông bà con cùng làm mới đủ để bán chứ mấy hộ thì không ăn thua.

Lân Quan hiện vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhịp sống của người dân đầy vẻ an vui. Mặc dù vẫn còn nhà tạm, nhưng nhà nhà có nhiều ngô hạt để bán, thóc lúa chất đầy trong nhà, có trâu béo bò khỏe trong chuồng, có rừng để làm kinh tế. Không chỉ trồng ngô lai cao sản và lúa nước, mấy năm nay người dân còn trồng cỏ voi để bán cho người chăn nuôi, mỗi bó cỏ voi giá 20 nghìn đồng, năm thu hơn chục triệu, nhàn và hiệu quả hơn cả nuôi bò.

Mục sư Trang đã đưa chúng tôi đi qua cánh đồng ngô cao sản để lên núi xem những vườn đào vừa bói quả. Từ trên núi nhìn về phía làng, chỉ thấy ngờm ngợp màu của mùa màng, của cây cối tươi tốt. Trên bức tranh phong cảnh làng quê xứ núi, xen giữa màu xanh của ngô và cây ăn quả là màu tím thật lạ mắt của những luống cỏ voi giống mới. Từ trên núi vang vọng xuống làng tiếng chú dê con be be tìm mẹ như để đáp lời tiếng lũ trẻ rộn ràng chơi đùa bên hiên nhà nào đó vọng lên.

Thay đổi lớn nhất trong những năm gần đây là họ đã phát huy ý chí tự lập tự cường, chủ động phát triển sản xuất chứ không còn phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên như thời cha ông. Thay vì đợi đến sau khi chết sẽ được lên thiên đàng thì họ đang ra sức biến chính xóm bản của mình thành nơi đáng sống nhất.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm