Cổng Trấn Hải Thành, nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Thuận An |
Trấn Hải Thành được xây dựng theo kiểu Vauban của Pháp. Vauban là tên của một vị lãnh chúa xứ Vauban, thống chế người Pháp, cố vấn cho vua Louis XIV. Kiểu Vauban có thể hình dung giống như một ngôi sao nhiều cánh, đồ hình khá phức tạp. Những thành lũy kiên cố được xây dựng bố trí nhiều lớp hào hình dích dắc để tránh đạn trực tiếp, mỗi hào có thể tiện lợi việc đưa bộ hinh đến hết chiều ngang của phần thành nhô ra. Hào ngoài cùng nằm ngoài tầm bắn của quân trong thành và chịu được một cuộc tấn công bọc hậu; hào trong cùng nằm ngay dưới chân dốc chân thành; bố trí các đồn bảo vệ nằm ở hai bên đầu hào…
Buổi sáng sớm, những tia nắng đầu tiên rải trên bức tường thành Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An. Ánh nắng trộn lẫn mờ sương càng làm nổi bật vẻ cổ kính, trăm năm từ những viên gạch đỏ rêu phong xếp tầng tầng lớp lớp trên bức tường thành ôm đồn lũy có chu vi 5000 mét vuông. Gần 206 năm trước, đứng gác trước cổng và trên tường thành thành là 99 ụ súng với hàng trăm ánh mắt như thiên la địa võng. Trên tường thành là những người lính triều đình với áo vải, cờ xí bây phần phật. Còn giờ đây chỉ có 1 người lính biên phòng đứng nghiêm trước cổng hình vòm.
Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An từ sau năm 1975 đến nay vẫn đang nằm trong khuôn viên của Trấn Hải Thành của triều đình nhà Nguyễn. Những người lính biên phòng đứng gác đúng vị trí mà lính gác của triều đình nhà Nguyễn từng cầm giáo, mang gươm trấn thủ (Trấn Hải Thành được công nhận là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 871-QĐ/BVHTT, ngày 12/5/1997). Nếu nhìn lại xuyên suốt quá trình từ lúc ra đời của thành lũy này cho đến nay thì thấy có khá nhiều điều độc đáo.
Năm 1813 là năm triều đình nhà Nguyễn nối tiếp mở kỳ thi Hương và thi Hội. Trong năm đó, vua Gia Long, một vị vua rất giỏi về hàng hải và thủy chiến trên biển, bên cạnh việc tổ chức đóng thuyền tuần tra, luyện tập thủy binh, vị vua này đã ra lệnh xây dựng tại vị trí cửa Eo (nay là cửa Thuận An) một thành lũy để trấn thủ ở phía đông kinh thành Huế; quan trấn thú thực hiện chức năng quản lý hành chính của triều đình là kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền trong và ngoài nước qua lại, thả neo buôn bán giao thương, dâng thư, chống cướp biển vào nội địa. Tên thành lúc đó là Trấn Hải Đài (đến năm 1934 được đổi tên là trấn Hải Thành cho đến nay).
Trấn Hải Thành được xây dựng có kết cấu không quá phức tạp như thành được xây dựng ở Pháp - các đài, vọng gác, mặt tường có thể đi lại như một con đường nhỏ để lính gác di chuyển, thành xây bằng chất liệu gạch, cao 4,40m. Thành có hai cửa hình vòm: cửa chính mặt trước, nhìn về hướng Nam, cao 2,60m, rộng 2,16m và cửa phụ ở mặt sau thành như một lối thoát hiểm. Trên thành bố trí 99 ụ súng. Quanh chân thành là hệ thống hào rộng 9,04m, sâu 2,40m.
Cổng sau của Trấn Hải Thành mở về phía biển |
Dưới thời vua Gia Long, lực lượng quân sự, trong đó lính thủy binh khá hùng hậu, triều đình cho tuyển mộ các cư dân sống ở các địa phương ven biển về doanh Quảng Đức và doanh Quảng Nam để thành lập 6 vệ thủy quân đóng tại kinh thành; tất cả các cửa biển đều có một cơ lính thủy và đặt súng để phòng thủ và trông giữ việc đi lại của tàu nước ngoài, chống cướp biển, đóng các loại thuyền bọc đồng để tuần tra trên biển.
Báo chí thường đề cập, hải đăng cổ nhất ở Việt Nam là Hải Đăng Kê Gà ở tỉnh Bình Thuận, được Pháp xây dựng từ năm 1897. Nhưng hải đăng ở Trấn Hải Thành ra đời trước đó. Theo tư liệu của Trung tâm di sản Huế, từ năm 1840, vua Minh Mạng đã ra lệnh treo đèn lồng làm hải đăng ở lầu Quan Hải để định hướng cho tàu thuyền qua lại. Chiếc đèn lồng có chu vi trên dưới 7-8 thước, trong bồi giấy trắng, ngoài bồi bằng lụa mỏng, đèn treo trên chòi cao cột cờ và được thắp sáng hàng đêm.
Trong nhiều năm tồn tại, triều đình nhà Nguyễn đã liên tục tu bổ để chống thành xuống cấp như tổ chức trồng hàng ngàn cây dừa, đắp đất chống sạt lở, đặt ống kính thiên lý để quan sát mặt biển…Năm 1904, một trận bão lớn đã dời cát lấp cửa biển Thuận An gần trấn Hải Thành và nơi đây được đổi tên là cửa Lấp. Nhưng vị trí quan trọng của Trấn Hải Thành thì vẫn không thay đổi nhiều.
Năm 1883, Pháp đưa 8 tàu chiến với 800 quân do tướng Pháp là Courbe chỉ huy, tấn công vào kinh thành Huế. Trấn Hải Thành trở thành một trong những thành lũy đối mặt với súng đạn. Lực lượng triều đình kháng cự dũng cảm và thất thủ vào chiều 20-3-1883. Các quan đồn trú Thuận An là Lê Sỹ, Lê Chuẩn đều tử trận, Lâm Hoàng và Nguyễn Trung đã tự vẫn. Trấn Hải Thành từ đó trở thành một đồn gác cửa biển của lính Pháp. Sau khi Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ, lính Pháp tại Trấn Hải Thành bị quân ta đánh úp.
Từ sau năm 1975 đến nay, Trấn Hải Thành của triều đình nhà Nguyễn tạm trở thành nơi đóng quân của Đồn biên phòng. Khuôn viên trong đồn ngoài 2 dãy nhà chính và khu vườn tăng gia, chăn nuôi thì hầu như không xây dựng gì thêm để khỏi phá vỡ cảnh quan và làm ảnh hưởng tới di tích. Tường tại khu vực cổng được xây dựng rất dày, hai bên đều có bậc thang để đi lên nóc cổng và quan sát toàn cảnh.
Một góc tường thành của Trấn Hải Thành rêu phong |
Trong không gian tĩnh lặng ở phía sau thành, các chiến sĩ đưa tôi đến thăm một chiếc am nhỏ hàng ngày khói hương để tưởng nhớ những người lính triều đình nhà Nguyễn đã hy sinh trong cuộc kháng Pháp vào năm 1883. Thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng thời còn là cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An đã lập miếu, khi phát hiện gần đó có một tấm bia vỡ có khắc tên vị tướng triều đình nhà Nguyễn đã hy sinh. Mỗi khi có dịp trở lại, ông đều đến kính cẩn thắp hương cho bậc tiên tổ biên phòng đã để lại tiếng thơm trăm năm.
Trong suốt 4 đời vua đầu triều Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), liên tục có những đợt tu sửa với quy mô lớn nhỏ khác nhau ở Trấn Hải Thành như xây kè, đóng cọc, đổ đá, gia cố móng, trồng thêm dừa chắn sóng và chống xói lở...Với tất cả những cố gắng trên, các vua nhà Nguyễn tin tưởng vững chắc vào thành Trấn Hải - nơi trấn giữ trọng yếu mặt biển, bảo vệ cho Kinh Thành. Họ gọi đó là “Kim thành thang trì “ (Thành bằng đồng, hào chứa nước sôi).
Vào năm 1883, Trấn Hải Thành thất thủ trước sự tấn công của quân Pháp, nhiều tướng lĩnh và quân sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến này, trong đó có Trần Thúc Nhẫn, Nguyễn Trung, Lê Chuẩn, Lâm Hoành...
71 năm sau, ngày 28/7/1954, quân và dân cửa Thuận đã “xuất kỳ bất ý” đánh úp đồn giặc ở thành Trấn Hải, bắn chết 9 sỹ quan cùng nhiều binh lính, bắt sống 70 tên, giải phóng cho hàng trăm cán bộ và nhân dân đang bị Pháp giam giữ tại đây, rửa được mối hận của cha ông hơn nửa thế kỷ trước. Như vậy, Thuận An không những là một thắng cảnh được liệt vào hạng thứ 10 trong số 20 cảnh đẹp đất Thần Kinh, được vua Thiệu Trị làm thơ ca ngợi với bài thơ “Thuận Hải qui phàm” (thuyền về cửa biển), mà còn là nơi chứng kiến những trang sử bi tráng của nhân dân Thừa Thiên Huế. Trấn Hải Thành cho đến nay, bên cạnh những giá trị lịch sử của nó, vẫn còn nguyên vẹn tầm quan trọng về mặt quân sự, giữ vai trò trọng yếu trong hệ thống phòng thủ bờ biển của miền Trung.
Theo Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, thành gồm hai lớp, vòng thành có chu vi 337,8m, đường kính 107,57m, cao 4,40m, dày 12,60m. Thành có hai cửa: cửa chính ở mặt trước có ghi ba chữ Trấn Hải Thành và cửa phụ ở mặt sau. Quanh thân thành đắp 39 ụ để súng được đắp vào năm 1931 dưới thời vua Minh Mạng. Dọc theo ngoài chân thành là hệ thống hào rộng 9,04m và sâu 2,40m, trước đây trồng hàng ngàn cây dừa để chống sụt lở đất. Bên trong thành có đặt Quan Hải Lâu với những ống kính thiên lý phục vụ cho việc quan sát, canh phòng mặt biển từ xa, theo dõi tàu thuyền qua lại ngoài khơi và ra vào cửa khẩu. Năm 1840, theo lệnh vua Minh Mạng, lầu Quan Hải có thêm một chức năng là ngọn hải đăng cho tàu thuyền qua lại vùng biển nơi này, với một chiếc đèn lồng “chu vi trên dưới 7-8 thước, trong bồi giấy trắng, ngoài bồi bằng lụa mỏng”, treo trên chòi cao cột cờ và được thắp sáng hàng đêm. |