Cục khảo sát địa chất Mỹ ghi nhận động đất xảy ra ở Myanmar khoảng 12h50 (13h20 giờ Hà Nội), ngày 28/3, độ lớn của tâm chấn là 7,7.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các Khoa học Trái đất cho biết, trận động đất này rất lớn, nên vùng ảnh hưởng có thể kéo dài hàng nghìn km. Ảnh hưởng phụ thuộc vào cường độ, độ lớn, khoảng cách đối với trận động đất và nền đất ở nơi đó. Tuy nhiên hệ thống quan trắc của Việt Nam ghi nhận "cấp độ rủi ro thiên tai bằng 0, tức là ít có khả năng gây thiệt hại đối với Việt Nam".
Với Hà Nội hay TP.HCM thông thường ở những trận động đất ở xa sẽ tác động đến các công trình nhà cao tầng, cảm nhận được rung lắc.

Trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra ở miền trung Myanmar khiến nhiều địa phương ở Việt Nam cảm nhận rung lắc mạnh. Ảnh: Minh Khang.
Ông Xuân Anh cũng cho biết, trận động đất này không bất thường, bởi trong lịch sử ở Myanmar đã có những trận động đất rất mạnh. Chính vì vậy, sau một thời gian tích lũy năng lượng đủ lớn nó sẽ giải phóng thành những trận động đất như vậy và ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh.
Theo lãnh đạo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, hiện Việt Nam chỉ cảnh báo được động đất có thể xảy ra ở một vùng nào đó và khó dự báo được thời gian xảy ra động đất. Ngay như ở Nhật Bản, có những trận động đất xảy ra gây thiệt hại rất lớn, nhưng thời gian xảy ra động đất gần như không thể dự báo sớm
Theo quy định về phân loại động đất, thì động đất có độ lớn từ 7,0-7,9 là loại động đất lớn, gây hư hại nhiều hoặc tất cả các công trình xây dựng trên nhiều vùng. Một số công trình bị sụp đổ một phần hoặc sụp đổ hoàn toàn hoặc bị hư hại nghiêm trọng. Các công trình được thiết kế tốt cũng chắc chắn bị hư hại. Cảm nhận được động đất trên những vùng rất rộng lớn. Ngưỡng thiệt hại về người thường giữa 0 và 250 người.