Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) có diện tích gần 4.000ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt hơn 2.500ha còn lại là phân khu phục hồi sinh thái và vùng đệm. Khu bảo tồn này trải dài trên địa phận 3 xã Xuân Lạc, Đồng Lạc và Bản Thi thuộc huyện Chợ Đồn.
Khu bảo tồn có có 670 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó 63 loài có giá trị bảo tồn, 54 loài quý hiếm, 50 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 9 loài được ghi trong Danh lục đỏ IUCN. Một số loài thực vật quý hiếm như nghiến, trai, đinh, các loài lan và một số loài dược liệu quý khác.
Nhiều năm qua, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương đã kiên trì tuyên truyền vận động người dân cùng tham gia bảo vệ rừng đặc dụng ở khu bảo tồn này.
Xã Xuân Lạc có 6 thôn nằm trong khu bảo tồn, thời gian qua các thôn, bản đã thành lập các tổ tuần tra, bảo vệ rừng cộng đồng. Các tổ này thường xuyên cùng kiểm lâm đi tuần, kiểm tra diện tích rừng được giao khoán bảo vệ. Do địa bàn rộng, những tổ bảo vệ rừng cộng đồng phân công thành viên đi tuần định kỳ hàng tuần, hàng tháng.
Ông Trần Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn) cho biết, khi người dân đồng lòng tham gia, rừng được bảo vệ tốt hơn. Họ là những người bản địa, thông thuộc địa bàn, nếu người lạ vào rừng có dấu hiệu xâm hại rừng, người dân dễ dàng phát hiện, thông tin tới lực lượng kiểm lâm để ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Hiện nay, Ban quản lý Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc đã ký cam kết với 90% hộ dân ở các thôn thuộc đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng. 100% tổ chức, cá nhân buôn bán, kinh doanh lâm sản trên địa bàn ký cam kết không vi phạm các quy định về kinh doanh, chế biến lâm sản.
Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc có 5 trạm kiểm lâm trực thuộc, mỗi trạm có từ 2 đến 3 cán bộ kiểm lâm để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. Nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, khu bảo tồn đã phân công lực lượng, đảm bảo quân số trực tất cả các ngày trong tuần. Đơn vị cũng chỉ đạo các trạm kiểm lâm tăng cường phối hợp với các tổ bảo vệ rừng ở thôn bản để kiểm tra, mật phục, truy quét tại các khu vực trọng điểm, khu vực có nguy cơ cao xảy ra phá rừng.
Trong 9 tháng năm 2024, cán bộ kiểm lâm và các tổ bảo vệ rừng tuần tra được 441 lượt với 1.626 lượt người tham gia. Qua kiểm tra phát hiện 2 vụ khai thác gỗ trái pháp luật, đơn vị đã bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, khu bảo tồn cũng yêu cầu những hộ có cưa máy ký cam kết không vi phạm, khi sử dụng phải thông báo lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương để kiểm soát chặt chẽ. Hàng tháng các tổ bảo vệ rừng thống kê, theo dõi, rà soát số lượng máy cưa xăng tại các thôn vùng đệm của khu bảo tồn. Tổng số máy cưa xăng trên địa bàn quản lý 148 chiếc, đã cấp toàn bộ giấy chứng nhận (xã Bản Thi 63 chiếc; xã Xuân Lạc 38 chiếc; xã Quảng Bạch 25 chiếc; xã Đồng Lạc 22 chiếc).
Ông Lường Quốc Hải, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc cho biết: Rừng Nam Xuân Lạc những năm qua được bảo vệ tốt là nhờ có sự vào cuộc của nhân dân. Việc giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn bản trên địa bàn xã Xuân Lạc, Bản Thi, Đồng Lạc phát huy tốt hiệu quả. Ngoài ra, khu bảo tồn cũng thường xuyên đánh giá trữ lượng thực vật rừng thân gỗ quý, hiếm. Trong 9 tháng năm 2024 đã đóng biển, điều tra đo đếm được 507 cây gỗ quý hiếm (trong đó 471 cây gỗ nghiến, 36 cây gỗ trai).
“Thực hiện gói hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm, đến nay đã có 13/13 thôn lựa chọn được hạng mục thực hiện, đang chờ cấp kinh phí để tổ chức thực hiện đồng loạt tại các thôn, bản vùng đệm. Nhờ được hỗ trợ, các thôn bản có thêm điều kiện đầu tư hạ tầng, phát triển sinh kế nên người dân tích cực phối hợp với lực lượng kiểm lâm tham gia bảo về rừng”, ông Hải cho biết thêm.