| Hotline: 0983.970.780

Bắc Kạn - 'lá phổi xanh' của Việt Bắc

Thứ Năm 29/06/2023 , 09:19 (GMT+7)

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình đã có những chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về việc bảo tồn và phát huy giá trị của những cánh rừng Bắc Kạn.

Chủ tịch UBND Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình (bên phải) chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam những câu chuyện xoay quanh về rừng Bắc Kạn - 'lá phổi xanh' của đất nước. Ảnh: Ngọc Tú.

Chủ tịch UBND Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình (bên phải) chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam những câu chuyện xoay quanh về rừng Bắc Kạn - "lá phổi xanh" của đất nước. Ảnh: Ngọc Tú.

Máy lọc không khí tự nhiên cho cả miền Bắc

Bắc Kạn là một tỉnh miền núi có độ che phù rừng lớn, ngoài ra có những hồ nước tự nhiên lớn và là đầu nguồn của nhiều sông, suối... Vì vậy Bắc Kạn thường được ví như là “lá phổi xanh”, “máy lọc không khí tự nhiên” của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Điều này được thể hiện bằng những con số, Bắc Kạn có tổng diện tích tự nhiên là gần 486.000ha, nhưng đất lâm nghiệp lên tới 417.539 ha, tương đương với chiếm 86% tổng diện tích đất tự nhiên. Tỷ lệ che phủ rừng của Bắc Kạn năm 2022 là 73,35%, là tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước.

Rừng của tỉnh Bắc Kạn có tính đa dạng sinh học cao, giàu tài nguyên, góp phần quan trọng trong việc điều hòa không khí. Đặc biệt 3 khu rừng đặc dụng là Vườn quốc gia Ba Bể, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc có hệ thống động, thực vật rất phong phú với nhiều loài quý hiếm. Không chỉ có giá trị sinh thái, cảnh quan cho phát triển du lịch, mà còn được coi là một trung tâm bảo tồn nguồn gen động, thực vật của vùng Đông Bắc.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình tự hào nói về câu chuyện rừng Bắc Kạn được ví như 'máy lọc không khí tự nhiên cho cả miền Bắc'. Ảnh: Ngọc Tú.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình tự hào nói về câu chuyện rừng Bắc Kạn được ví như "máy lọc không khí tự nhiên cho cả miền Bắc". Ảnh: Ngọc Tú.

Bắc Kạn có hồ Ba Bể, là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thất thế giới. Đây là Danh thắng Quốc gia nằm gọn trong vùng núi rừng của Vườn quốc gia Ba Bể. Ngoài ra, Bắc Kạn còn là đầu nguồn của 3 con sông (là Sông Cầu, sông Năng và sông Phó Đáy), cung cấp nguồn nước ngọt khổng lồ giúp duy trì hoạt động môi trường sống, hoạt động sản xuất công nghiệp cho các tỉnh lân cận và các tỉnh miền xuôi như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương …

Những cánh rừng đầu nguồn, rừng trồng bạt ngàn của tỉnh Bắc Kạn được duy trì độ che phủ cao đã có tác dụng giữ nước đã góp phần hữu ích cho công tác phòng, chống thiên tai, hạn chế sạt lở đất, lũ lụt đối với vùng hạ du.

Phát triển rừng là trọng tâm của kinh tế Bắc Kạn

Như đã nói ở trên, Bắc Kạn là tỉnh miền núi với 86% tổng diện tích tự nhiên là đất lâm nghiệp và độ che phủ rừng 73,35%, do đó Lâm nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn các nhiệm kỳ từ năm 2010 đến nay, luôn đề ra các mục tiêu phát triển rừng và kinh tế rừng đưa vào nghị quyết. Nhiệm vụ trong giai đoạn 2020 - 2025 là “diện tích trồng rừng bình quân mỗi năm đạt 3.500 ha (trồng lại rừng sau khai thác và cây phân tán); duy trì tỷ lệ che phủ rừng 72,9%”.

Nhiều thôn, bản tại Bắc Kạn thay đổi nhờ phát triển kinh tế rừng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nhiều thôn, bản tại Bắc Kạn thay đổi nhờ phát triển kinh tế rừng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Tỉnh Bắc Kạn cũng thực hiện tốt những chính sách quản lý, bảo vệ rừng và chế độ đối với người quản lý rừng. Đối với rừng tự nhiên, người dân tham gia hoạt động bảo vệ rừng có được thu nhập từ nguồn kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tự nhiên của Trung ương. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận là mức hỗ trợ còn thấp, chỉ là 300.000 đồng/ha đối với khu vực I và 400.000 đồng/ha đối với khu vực II và III).

Còn về rừng trồng, đây cũng là một thế mạnh của tỉnh, trở thành phong trào phát triển kinh tế của người dân Bắc Kạn, do vậy việc trồng rừng sản xuất của trên toàn tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thu nhập từ gỗ rừng trồng ngày càng tăng, với các loại cây trồng phổ thông như gỗ keo trung bình đạt từ 80 - 120 triệu đồng/ha, gỗ mỡ là 120 - 150 triệu đồng/ha cho 1 chu kỳ khai thác.

Với diện tích rừng trồng hơn 100.000ha, sản lượng gỗ khai thác bình quân của tỉnh những năm qua luôn đạt trên 300.000 mét khối/năm; Tạo nguyên liệu gỗ cho khoảng 200 cơ sở chế biến lâm sản, với công suất chế biến đạt tới 148.000m3/năm; Sản lượng gỗ xuất khẩu trung bình trên 83.000 mét khối/năm, góp phần nâng giá trị gia tăng trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp.

Với hơn 100.000ha rừng trồng, Bắc Kạn đảm bảo nguồn nguyên liệu cho những nhà máy quy mô lớn hoạt động sản xuất chế biến gỗ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Với hơn 100.000ha rừng trồng, Bắc Kạn đảm bảo nguồn nguyên liệu cho những nhà máy quy mô lớn hoạt động sản xuất chế biến gỗ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bên cạnh đó, diện tích rừng lớn cũng là cơ hội cho tỉnh Bắc Kạn phát triển cung ứng các loại dịch vụ môi trường rừng, trồng cây dược liệu quý dưới tán rừng. Cũng đã hình thành và tạo nên các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong tương lai, phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hiện nay.

Hiện nay có trên 70% người dân Bắc Kạn sinh sống có thu nhập từ việc trồng rừng và kinh tế khác từ rừng; Ngành chế biến gỗ rừng trồng xuất khẩu cũng đóng vai trò chính của lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn những năm qua và chắc chắn là cả trong tương lai. Vì vậy có thể nói rằng, đối với tỉnh Bắc Kạn không chỉ là mảnh đất vùng cao, mà  còn có những cánh “rừng vàng”.

Bảo vệ và phát triển những cánh “rừng vàng”

Những cánh rừng Bắc Kạn có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống, kinh tế không chỉ của riêng tỉnh, mà còn là của cả đất nước. Vì vậy tỉnh Bắc Kạn tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo vệ rừng tự nhiên; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng; coi trọng phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững ở các vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số.

Chủ động thu hút các nguồn lực để hỗ trợ sinh kế cho người dân ở những khu vực có rừng, như du lịch sinh thái, trồng dược liệu dưới tán rừng… nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tác động tiêu cực vào rừng là giải pháp trọng tâm, lâu dài của tỉnh.

Khu du lịch sinh thái rừng Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú.

Khu du lịch sinh thái rừng Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú.

Với hơn 100.000 ha diện tích rừng trồng hiện có, tỉnh Bắc Kạn đang triển khai nhiều giải pháp nhằm quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu gỗ tập trung; chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang rừng kinh doanh gỗ lớn; trồng cây bản địa, cây đa mục đích giá trị cao và từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng (trồng dược liệu dưới tán rừng).

Song song với đó là khuyến khích thu hút đầu tư hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ gỗ rừng trồng; tăng cường phát triển công nghiệp chế biến gỗ tại các khu, cụm công nghiệp, thu hút được các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến có công nghệ, thiết bị đồng bộ để sản xuất ra sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Bắc Kạn cũng sẽ phát triển các loại hình du lịch sinh thái dựa trên sự tập trung đầu tư các dự án bảo vệ phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Trọng tâm là Vườn quốc gia Ba Bể, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ gắn với xu hướng tìm về thiên nhiên, tăng tính trải nghiệm, trách nhiệm cho du khách; Chú trọng việc thu hút các nhà đầu tư có nhu cầu thuê rừng, thuê dịch vụ môi trường rừng để thực hiện các dự án phát triển du lịch bền vững…

Đồng thời tỉnh đang chủ động nghiên cứu lộ trình, kế hoạch thu hút đầu tư, đánh giá và thực hiện chứng chỉ cac-bon rừng tỉnh Bắc Kạn. Đây cũng là một loại dịch vụ môi trường rừng trọng tâm trong thời gian tới nhằm sử dụng, khai thác giá trị của rừng một cách bền vững, phù hợp với sự phát triển, định hướng chung của nước ta và tiêu chuẩn quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình kiến nghị các cơ quan Trung ương, Bộ ngành liên quan có cơ chế, chính sách đặc thù và nâng mức hỗ trợ cho các tỉnh miền núi có độ che phủ rừng cao... Qua đó tạo động lực cho phát triển kinh tế rừng và bảo vệ rừng bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.