| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai dành nhiều chính sách cho liên kết sản xuất

Thứ Hai 13/11/2023 , 18:10 (GMT+7)

Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025, có khoảng 50% sản lượng nông sản của tỉnh nằm trong các chuỗi liên kết sản xuất.

Thời gian qua, Đồng Nai đã ưu tiên khuyến khích liên kết sản xuất, sơ chế và chế biến sâu nhằm thoát khỏi sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ.

Ông Trương Văn Mỹ, Giám đốc HTX Ca cao Suối Cát (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cho biết, trước đây bà con ở địa phương trồng điều, cho thu nhập rất thấp, nhưng khi tham gia vào HTX, chuyển đổi sang trồng ca cao thì thu nhập tăng lên trông thấy. “Chúng tôi rất yên tâm và phấn khởi khi tham gia dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ ca cao vì được hỗ trợ từ chính sách cánh đồng lớn, được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm được bao tiêu...”, ông Mỹ nói.

Nông dân Đồng Nai rất yên tâm và phấn khởi khi tham gia vào dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ ca cao. Ảnh: Minh Sáng.

Nông dân Đồng Nai rất yên tâm và phấn khởi khi tham gia vào dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ ca cao. Ảnh: Minh Sáng.

HTX Ca cao Suối Cát ban đầu chỉ có 20 thành viên nhưng tới năm 2022 đã tăng lên 67 thành viên, sản lượng đạt hơn 200 tấn và đến năm nay sản lượng tăng lên gấp đôi. Nông dân trồng cây khác thấy kém hiệu quả cũng đã tự động làm đơn tham gia vào HTX. Hiện HTX đang tiếp tục áp dụng chuyển đổi số, phát triển vườn ca cao trở thành điểm tham quan du lịch và là nơi học tập, trải nghiệm bổ ích cho học sinh, sinh viên.

Gia đình ông Lê Mỹ Nô ở xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) trước đây trong vườn trồng đủ các loại cây, từ xoài, bơ, chôm chôm, sầu riêng, điều... nhưng do cho hiệu quả thấp, sản phẩm tiêu thụ bấp bênh nên ông không đủ kiên nhẫn giữ lại và đành phải chặt bỏ để trồng cây ca cao.

5 năm gần đây, dù giá ca cao không tăng đột biến nhưng ông Nô vẫn phấn khởi chăm sóc vườn ca cao, một phần nhờ được hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, hệ thống tưới. Đặc biệt, ông còn được bao tiêu sản phẩm ổn định nhờ tham gia liên kết sản xuất cánh đồng lớn.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai đã mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Minh Sáng.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai đã mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Minh Sáng.

"Tư duy làm vườn mỗi người một hướng, người phát triển cây này, người lại chọn cây kia, nhưng riêng tôi thấy cây ca cao cho thu nhập cũng khá, trang trải kinh tế gia đình thoải mái. Nhất là từ khi vô HTX, có kỹ sư tư vấn kỹ về kỹ thuật canh tác, HTX và khuyến nông năm ngoái lại đầu tư cho hệ thống tưới béc phun nhỏ giọt và phân bón nên cây cao cao phát triển tốt, cho năng suất vượt trội", ông Nô phấn khởi.

Từ cuối năm 2018, Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết 143/2018/NQ-HĐND nhằm đẩy mạnh các chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Kết quả, toàn tỉnh đã có 22 dự án liên kết với sự tham gia của 16 doanh nghiệp, 20 HTX, 921 trang trại và hộ nông dân. Thực tế, nhiều mô hình liên kết về chăn nuôi, trồng trọt đã mang lại hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai cho biết: Trong chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, các đơn vị, địa phương sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại, ăn ở khi tham gia các hội thảo, triển lãm, qua đó kết nối sản phẩm vào siêu thị, nhà phân phối. Tại các hội chợ, triển lãm, nếu doanh nghiệp đủ lớn thì chương trình sẽ hỗ trợ 70% chi phí thuê gian hàng. Với doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực để đăng ký gian hàng riêng, Đồng Nai sẽ tổ chức gian hàng chung để các đơn vị nhỏ có cơ hội đưa hàng hóa miễn phí vào trưng bày...

Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 50% sản lượng nông sản nằm trong các chuỗi liên kết sản xuất. Ảnh: Minh Sáng.

Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 50% sản lượng nông sản nằm trong các chuỗi liên kết sản xuất. Ảnh: Minh Sáng.

Theo Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, khó khăn hiện nay là chuỗi liên kết vẫn thiếu tính bền vững. Cơ chế, chính sách hỗ trợ nhiều nhưng khi triển khai vào thực tế còn vướng về thủ tục, hồ sơ... Vì vậy, cần phải kịp thời tháo gỡ những nút thắt, khó khăn để chính sách đi vào thực tế. Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng được những chuỗi mẫu để nhân rộng vào thực tế.

Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025, có khoảng 50% sản lượng nông sản của tỉnh nằm trong các chuỗi liên kết sản xuất. Để thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết 143/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã đề ra các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như có giải pháp lâu dài cho liên kết sản xuất trong nông nghiệp.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.