| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai đi đầu trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất

Thứ Ba 10/10/2023 , 08:45 (GMT+7)

Với hơn 400 chuỗi liên kết sản xuất trong nông, lâm, thủy sản và chăn nuôi, Đồng Nai đang là địa phương đi đầu trong việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất.

Vụ thu hoạch sầu riêng vừa qua, trên 1.000ha sầu riêng của HTX Dịch vụ nông nghiệp ấp 7, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, Đồng Nai) đã không còn phải lo giá cả bấp bênh như những năm trước vì đã tổ chức liên kết được với doanh nghiệp. HTX đứng ra hướng dẫn bà con sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp và được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường.

Ông Võ Văn Tùng, Giám đốc HTX cho biết, HTX đã liên kết với Công ty Thuận Hương và được doanh nghiệp này xây dựng mã số vùng trồng cũng như tiêu thụ sản phẩm ổn định bởi sầu riêng của HTX đã được xuất khẩu đi Trung Quốc…

Nhiều mô hình liên kết giữa HTX và doanh nghiệp đã được hình thành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: MS.

Nhiều mô hình liên kết giữa HTX và doanh nghiệp đã được hình thành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: MS.

Theo ông Tùng, bước đầu liên kết với doanh nghiệp, HTX đã xây dựng được 85ha sầu riêng đang ở độ tuổi thu hoạch có mã số vùng trồng (chủ yếu cây từ năm thứ 4 đến năm thứ 8). Hiện còn khoảng 1.000ha sầu riêng trên địa bàn xã Thanh Sơn chưa được cấp mã số vùng trồng, chủ yếu là cây ở độ tuổi từ năm thứ 2 đến năm thứ 3. Do đó, sắp tới HTX sẽ tăng cường liên kết với một số doanh nghiệp để tiếp tục xây dựng mã số vùng trồng cho diện tích này, giúp đầu ra sản phẩm sầu riêng của HTX ổn định bền vững hơn. 

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành) cũng là một trong những mô hình điểm trong chương trình liên kết, tiêu thụ sản phẩm của Đồng Nai khi đi đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát cho biết, HTX hiện đã là đối tác của các doanh nghiệp lớn ở Bỉ, Hà Lan, Úc, Nhật Bản…

"Chỉ liên kết lại mới đi xa và phát triển bền vững được. Nếu cứ làm ăn rời rạc thì không doanh nghiệp nào đủ điều kiện làm việc với từng nông dân riêng lẻ. Lúc mới thành lập, HTX chúng tôi chỉ sản xuất được khoảng 500 ngàn con gà/năm thì nay đã tăng lên hàng triệu con/năm. Sự ra đời của HTX giúp giải quyết những bài toán khó về sản lượng, chất lượng, huy động được nguồn tài chính và nhất là tập hợp được nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực", ông Quyết chia sẻ.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành) là một trong những mô hình điểm trong chương trình liên kết, tiêu thụ sản phẩm của Đồng Nai. Ảnh: MS.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành) là một trong những mô hình điểm trong chương trình liên kết, tiêu thụ sản phẩm của Đồng Nai. Ảnh: MS.

Xuân Lộc là địa phương có nhiều dự án liên kết, chiếm hơn 50% số chuỗi liên kết được phê duyệt của tỉnh Đồng Nai. HTX Suối Cát (huyện Xuân Lộc) có gần 100 hộ dân đang thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ ca cao. HTX đã ký kết, bao tiêu sản phẩm với Công ty Marou và Công ty Bamboo. Nếu như trước đây nhiều vườn ca cao cho thu nhập thấp thì bây giờ đạt 200 - 300 triệu đồng/ha. Đồng thời, vườn ca cao được nông dân đầu tư trở thành điểm tham quan du lịch và là nơi học tập, trải nghiệm bổ ích cho các sinh viên, học sinh trong vùng.

Đồng Nai hiện ưu tiên hàng đầu cho việc tạo các chuỗi liên kết trong sản xuất, sơ chế và chế biến sâu. Đây là giải pháp bền vững nhằm thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và thị trường quốc tế. Với hơn 400 chuỗi liên kết sản xuất trong nông, lâm, thủy sản và chăn nuôi, gồm 106 doanh nghiệp, 63 HTX và trên 14.400 trang trại, hộ gia đình tham gia liên kết, Đồng Nai đang là địa phương đi đầu trong việc hình thành chuỗi liên kết vùng.

Đồng Nai hiện ưu tiên hàng đầu cho việc tạo các chuỗi liên kết trong sản xuất, sơ chế và chế biến sâu. Ảnh: MS.

Đồng Nai hiện ưu tiên hàng đầu cho việc tạo các chuỗi liên kết trong sản xuất, sơ chế và chế biến sâu. Ảnh: MS.

Thực tế chuỗi liên kết khép kín đã giúp các HTX và doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất, từ đó sản phẩm có giá thành cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại. Chuỗi liên kết cũng giúp doanh nghiệp đa dạng sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “Chuỗi liên kết khép kín sẽ có nhiều thuận lợi vì mỗi một bộ phận sẽ có thế mạnh khác nhau, khi liên kết lại cùng nhau phát triển sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh cho thị trường, cho sản phẩm”.

Theo bà Hương, khi ổn định về sản lượng, đồng đều về chất lượng, sẽ là "điểm cộng" để đối tác ký kết các đơn hàng dài hạn. Đồng thời, việc hình thành các chuỗi liên kết giúp các địa phương canh tác theo một quy trình, sản xuất chuyên nghiệp và đảm bảo yêu cầu chất lượng, sản lượng ổn định cho đối tác.

Từ việc thay đổi phương thức sản xuất, Đồng Nai cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước đã xuất khẩu được gà sang thị trường Nhật Bản, đánh dấu sự thành công của chuỗi liên kết giá trị. Sau thị trường Nhật Bản, thịt gà thương hiệu Việt Nam đã tiếp tục có mặt ở Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Myanmar, Hàn Quốc..., điều này cho thấy sự hoàn chỉnh của chuỗi liên kết.

Việc hình thành các chuỗi liên kết giúp các địa phương canh tác theo một quy trình, đảm bảo yêu cầu chất lượng và sản lượng ổn định cho đối tác. Ảnh: MS.

Việc hình thành các chuỗi liên kết giúp các địa phương canh tác theo một quy trình, đảm bảo yêu cầu chất lượng và sản lượng ổn định cho đối tác. Ảnh: MS.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, việc xây dựng chuỗi sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đã chứng minh được hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Thiếu tính bền bững của chuỗi đang là thách thức khiến vai trò chuỗi liên kết bị hạn chế. Chính vì vậy, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ các chuỗi liên kết đi xa.

“Đồng Nai có lợi thế trong việc phát triển chuỗi liên kết vùng, tiêu thụ sản phẩm nên cần phải tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả. Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với các sở ngành, các địa phương kiểm tra, rà soát và phát huy các chuỗi liên kết hiệu quả, không để đứt gãy chuỗi liên kết. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm sản xuất trái cây, chăn nuôi, thủy sản có kế hoạch sản xuất phù hợp với xu thế tiêu dùng, gắn với nhu cầu của thị trường”, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.