Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi tại buổi đối thoại với nông dân với chủ đề “Phát huy lợi thế, chủ động liên kết, hợp tác, phát triển nông nghiệp sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số nâng cao giá trị nông sản Đồng Nai”, do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức.
Theo ghi nhận, nhiều kiến nghị của nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp xoay quanh vấn đề khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư công nghệ, thiết bị, nhà xưởng trong chế biến sâu để giảm chi phí, tăng cạnh tranh, nâng cao giá trị nông sản. Lĩnh vực này hiện ở một số địa phương chưa có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia dẫn đến tình trạng người có nhu cầu thì không có năng lực, người có năng lực thì không có nhu cầu.
Ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm HTX Xoài Suối Lớn, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc cho rằng, thực tế những thiệt hại đối với nông dân mỗi khi “trúng mùa lại rớt giá” là rất lớn. Chính vì vậy, chính sách hỗ trợ cho nông dân như kho lạnh cấp đông hoặc là chế biến nâng cao sản phẩm kéo dài thời gian tiêu thụ rất cần thiết. Tuy nhiên, nông dân không đủ năng lực để tiếp cận những chính sách đó.
Liên quan đến vấn đề tín dụng, nông dân gặp khó khi làm ngành nghề truyền thống lâu năm, nhà xưởng nằm trong khu dân cư, khi muốn mở rộng sản xuất bà con cần phải thuê đất, vay vốn để đầu tư thiết bị. Ông Nguyễn Thế Nguyên Chương, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất chia sẻ: “Chúng tôi đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính vì là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, khi được chứng nhận OCOP thì một số hệ thống siêu thị đã đặt vấn đề ký hợp đồng với chúng tôi sản xuất hàng khô. Tuy nhiên, cơ sở chúng tôi không đáp ứng được các nhu cầu của hệ thống siêu thị vì đang nằm trong khu dân cư nên không thể đầu tư quy trình lớn. Do đó, chúng tôi rất mong muốn Nhà nước có thể hỗ trợ về đất, vốn để giảm bớt gánh nặng về tài chính thì cơ sở mới đủ điều kiện ký hợp đồng với các hệ thống siêu thị”.
Ngoài ra, nông dân cũng đã kiến nghị nhiều vấn đề khác như vật tư nông nghiệp bán mỗi nơi một giá gây nghi ngờ về chất lượng nông sản làm ra bị phụ thuộc vào thương lái, lo ngại sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường từ các nhà máy lân cận hay đào tạo việc làm cho nông dân sau khi Nhà nước thu hồi đất làm dự án.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, thời gian qua nông dân trong tỉnh rất lo lắng về tình trạng thuốc BVTV, cây giống, phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn tồn tại trên thị trường, ảnh hưởng đến hiệu quả, năng suất, chất lượng nông sản. Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, có các biện pháp xử lý quyết liệt đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng để tránh thiệt hại cho người nông dân.
Các ý kiến đã được lãnh đạo các sở, ngành liên quan ghi nhận, giải đáp, chia sẻ với những khó khăn mà nông dân đang gặp phải. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai khẳng định, 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nông dân trong tỉnh cũng đang đối diện với nhiều vướng mắc, khó khăn cần sớm được tháo gỡ.
Do đó, việc UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức đối thoại với nông dân để các cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt các thắc mắc, đề xuất, kiến nghị của nông dân tập trung chủ yếu vào sản xuất tiêu thụ, quản lý vật tư, kỹ thuật cao trong nông nghiệp…
Đây là những nhu cầu chính đáng của nông dân cần được Sở ngành, địa phương tập trung tháo gỡ trong phạm vi thẩm quyền. Sở NN-PTNT Đồng Nai cùng phối hợp để có giải pháp và duy trì phát triển sản xuất nông nghiệp trong năm 2024, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ngành nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
"Sở NN-PTNT cần chú trọng vào việc xây dựng, quản lý nguồn gốc, chất lượng nông sản phục vụ xuất khẩu. Hội Nông dân các cấp tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết, thực hiện dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Sau hội nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có chỉ đạo các Sở, ngành trả lời, giải thích cho nông dân triển khai thực hiện, hỗ trợ nông dân đáp ứng được yêu cầu trong quá trình sản xuất", ông Võ Văn Phi nhấn mạnh.