Ngành chuyên môn tỉnh Đồng Tháp chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch tả heo Châu Phi. |
Mới đây, tại ĐBSCL như Hậu Giang, Vĩnh Long và An Giang đã xuất hiện dịch bệnh này, nguy cơ lây lan sang các địa phương lân cận là rất cao.
Trước tình hình đó UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương kiên quyết không chủ quan, lơ là với dịch tả heo Châu Phi và phải chấn chỉnh ngay việc chậm trễ trong cung cấp thông tin, báo cáo công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là công tác tiêm phòng các loại dịch bệnh heo tai xanh, lở mồm long móng thời gian qua còn hạn chế. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành chuyên môn của tỉnh chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch tả heo Châu Phi.
Hiện Đồng Tháp có tổng đàn heo khoảng 200.000 con, trong đó nhiều nhất là ở thành phố Sa Đéc và các huyện: Châu Thành, Lai Vung, Tân Hồng.
Tỉnh hiện có 09 chốt chống dịch cố định, gồm 05 chốt nội địa và 04 chốt biên giới. Tính đến nay tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi thời gian qua được giám sát chặt chẽ, chưa ghi nhận trường hợp gia súc nghi mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Đồng Táp kiên quyết không chủ quan, lơ là với dịch tả heo Châu Phi. |
Tuy nhiên theo ngành chức năng, trước diễn biến phức tạp và mức độ lây lan nhanh của dịch bệnh, nhất là khi dịch bệnh đã xuất hiện trong vùng ĐBSCL thì nguy cơ nhiễm bệnh trên đàn heo tại Đồng Tháp là rất cao.
Ông Nguyễn Thanh Hùng chỉ đạo ngành nông nghiệp khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể, hướng dẫn chi tiết các biện pháp phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, kiểm soát tốt việc nhập, xuất heo tại các cửa ngõ; chú ý vệ sinh tiêu độc khử trùng; tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát, không để xảy ra trường hợp thiếu hụt về cơ sở vật chất cũng như các điều kiện phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt cần chú ý khâu kiểm dịch, không để sản phẩm thịt heo ra đưa thị trường mà không được kiểm dịch. Đơn vị nào để xảy ra tình trạng này thì phải chịu trách nhiệm.