Nơi đây, đã xây dựng mạng lưới SX giống lúa nguyên liệu trên tổng diện tích 811,92ha. Trong đó, có 768,67ha SX giống lúa xác nhận và 43,15ha sản xuất giống lúa nguyên chủng. Cty xác định 11 giống lúa chủ lực gồm nhóm giống lúa chất lượng cao OM 4900, OM 7547, OM 6162; nhóm giống lúa thơm VD 20, Jacmine 85, NH9 và nhóm giống lúa trung bình IR 50404, Butyl, OM 576, OM 6976.
Cty trực tiếp SX giống trên 6ha tại Trại Thực nghiệm SX giống cây trồng An Phong, huyện Thanh Bình và mạng lưới SX giống của các HTX, câu lạc bộ, với 50 nông hộ SX từ 250 - 300ha.
Anh Nguyễn Văn Thâm theo dõi trà lúa của mình |
Ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, GĐ Cty CP Giống cây trồng Đồng Tháp cho biết: Từ tháng thứ 6 hàng năm, phòng kỹ thuật và các nhà máy, trại giống tổ chức lấy mẫu các lô giống, kiểm tra tỷ lệ nảy mầm, trung bình mỗi tháng một lần. Từ tháng 10, tháng 12 lấy mẫu kiểm tra tỷ lệ nẩy mầm mỗi tháng 2 lần. Cty thực hiện đầy đủ các quy định về “công bố hợp quy” đối với tất cả các chủng loại giống, cấp độ giống… Từ đó, chất lượng các loại giống lúa của Cty xuất bán đảm bảo an toàn, luôn được khách hàng ưa chuộng và rất an tâm chọn sử dụng. Năm 2017, Cty đã xuất bán gần 6.000 tấn lúa giống nguyên chủng và xác nhận các loại.
Anh Nguyễn Văn Khổng ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông, Đồng Tháp đều chọn loại giống lúa OM6976 cấp xác nhận của Trại giống An Phong để sử dụng. Đây là giống kháng được bệnh vàng lùn, lùn xoán lá, kháng rầy, ít bị sâu bệnh tấn công, cứng cây, chống chịu được mưa to, gió lớn, ít bị đổ ngã, bông to, đều…
Năng suất bình quân vụ ĐX đạt 8,5 tấn/ha, vụ HT đạt mức 4,5 tấn/ha. Lúa sau thu hoạch rất dễ bán và giá bán cao. Năm 2017, với 4ha ruộng SX 2 vụ, anh Khổng thu hoạch được trên 62 tấn lúa thương phẩm, bán giá từ 4.700 - 4.800 đồng/kg, thu nhập trên 300 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, còn lãi gần 100 triệu đồng.
Anh Khổng đang tiếp tục sử dụng giống lúa OM6976 cấp xác nhận của Trại giống An Phong trên 4ha ruộng của mình trong vụ HT năm nay. Trà lúa được 45 ngày tuổi đang làm đòng và phát triển tốt hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Nông dân Nguyễn Văn Thâm ở xã An Phong canh tác 3ha ruộng cũng chọn các loại giống lúa của Trại giống An Phong để sử dụng. Anh Thâm bày tỏ: “Vụ HT 2018, tôi sử dụng giống lúa OM6976 có thời gian sinh trưởng ngắn (chỉ từ 90 - 95 ngày), bộ rễ phát triển mạnh, năng suất có thể đạt tới 8 - 9 tấn/ha, chất lượng gạo cao, chi phí đầu tư thấp và bán được giá, tăng thu nhập cho gia đình. Hiện tại trà lúa đang phát triển tốt, ít bị sâu bệnh phá hại…”.
Ông Hoàng Văn Tấn, GĐ Trại Thực nghiệm SX giống cây trồng An Phong cho biết: "Trại đang hợp tác với HTX và THT để SX hơn 10 loại giống lúa nguyên chủng là OM 7347, OM 9582, OM 576, Jacmine 85, BC 15, TPR 225, Butyl và 2 loại giống đặc sản DTS 9 và DTS 19. Những loại giống lúa này có đặc tính kháng sâu bệnh, dễ canh tác và rất thích hợp với thời tiết, đất đai ở ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ… Ngoài ra, chúng tôi đang trình diễn 23 giống lúa của Viện Lúa ĐBSCL".
“Trong quá trình SX lúa giống, chúng tôi áp dụng việc cấy lúa chứ không sạ lan và áp dụng IPM, thực hiện chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” để giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và nâng cao chất lượng lúa giống…”, ông Hoàng Văn Tấn bày tỏ. |