| Hotline: 0983.970.780

Đột nhập đường dây buôn gà chết

Thứ Tư 28/09/2011 , 08:53 (GMT+7)

Phóng viên NNVN đã đột nhập vào đường dây chuyên buôn gia cầm bệnh, gia cầm chết quy mô cực lớn ở ngay trong lòng Hà Nội với những ngóc ngách tận cùng của cái nghề phi nhân tính này…

Phóng viên NNVN đã đột nhập vào đường dây chuyên buôn gia cầm bệnh, gia cầm chết quy mô cực lớn ở ngay trong lòng Hà Nội với những ngóc ngách tận cùng của cái nghề phi nhân tính này…

"Quạ" đi ăn xác chết

Dịch bệnh nổ ra liên miên khiến cho phận người chăn nuôi chênh vênh bên bờ phá sản. Tuy nhiên có một đội quân ăn theo lại sống khỏe nhờ dịch bệnh của gia cầm, đó là nhóm “quạ” chuyên thu mua gà bệnh, gà chết.

Ở đâu có gà chết ở đó có "quạ"

Chiều hôm nay trại gà nhà ông Trần Cao Liệu ở khu Thanh Nê (Thanh Bình, Chương Mỹ, Hà Nội) nhộn nhịp lạ thường. Mấy chiếc xe tải với những sọt nhựa san sát xếp chật thùng. Đám người làm kìn kìn khuân những sọt gà lớn lên bàn cân. Chiếc kim liên tục nhảy múa. Người thì chú mục vào chuyển động của nó rồi hô lớn số lượng, kẻ máy tính, sổ sách kè kè tẩn mẩn thống kê. Ngoài sân, một đám người khác đang vặn cổ vịt hãm tiết canh, băm chặt thịt thà xào xào nấu nấu. Quá bảy giờ tối, khi bốn chiếc xe tải chở gà lặc lè xịt khói đi khỏi thôn, mấy mâm cỗ cũng được ngả ngay trên nền sân.

Ở Thanh Bình các chủ trại thường hỗ trợ nhau bắt gà rồi liên hoan kiểu vậy. Người ta hò nhau uống rượu nhưng mặt ai nấy đều như dưa cải một nắng, rầu rĩ, héo hon. Với giá xuất gà hiện tại 28.000đ/kg, tính ra ông Liệu lỗ cỡ 150 triệu đồng còn những người khác cũng đã lỗ hoặc sắp lỗ khoảng chừng ấy. Từ hồi phế phẩm gia cầm như: cổ cánh, đùi, chân ào ạt vượt biên về đã ép giá gà công nghiệp trong nước xuống đến mức thảm hại.

Lượm xác gà chết

Giá gà hạ thê thảm cộng con giống kém chất lượng, dịch bệnh nổ ra liên miên khiến cho phận người chăn nuôi chênh vênh bên bờ phá sản. Tuy nhiên có một đội quân ăn theo lại sống khỏe nhờ dịch bệnh của gia cầm, đó là nhóm “quạ” chuyên thu mua gà bệnh, gà chết. Gà công nghiệp vốn là giống vật nuôi cực kỳ yếu đuối. Chăn gà sai kỹ thuật một tí là bị bệnh. Trại này bệnh lây sang trại khác như một dây chuyền domino vì mật độ chuồng ở Thanh Nê dầy đặc tựa như một khu liên hiệp sản xuất, gia công gà. Ống hút gió của trại này thổi thẳng vào mặt trại nọ.

Thôn có chừng 60 trại, cả xã có cỡ 80 trại, tổng số lượng nuôi tới nửa triệu con. Trại của ông Lê B (xin giấu tên) đợt này vào 6.000 con gà, bị bệnh Gum chết đến quá nửa, nhất là độ tuổi từ 15-20 ngày, mỗi ngày trung bình 100-200 con chết. Chúng chết nhiều đến nỗi ông B ví von chua xót là “dập dìu chết” vì trước khi chết đều mắc triệu chứng xõa lông, xõa cánh. Như kiến bò đến chỗ mật mỡ, đội ngũ buôn gà dẹo (gà bệnh) và gà chết lượn lờ từng đám ở Thanh Nê. Sáu, bảy giờ sáng họ đập cửa từng trại hỏi: "Có gà chết không bác?”.

Nhận được cái gật đầu của chủ trại, họ vào còn cái vẫy tay lại đi. “Đó là nghề buôn ăn mày lãi quan viên chú ạ, một đồng vốn bốn đồng lời. Gà thường chết vào buổi tối vì ban ngày chủ trại 7-8 vòng lên chuồng kiểm tra, con nào yếu đã bắt riêng để bán. Đêm đến những con ốm, con yếu sẽ chết, thậm chí con khỏe nằm xô nhau cũng chết. Dịch bệnh, giá bán hạ dưới giá thành, chăn gà giờ như người phạm tội đã nhìn thấy án! Chỉ có đội ngũ buôn gà chết là kiếm bẫm thôi”, ông B thở than.

Anh P - người tiên phong trong nghề nuôi gà công nghiệp ở Thanh Bình tổng kết: “Có chuồng gà mọc lên là có đội ngũ buôn gà chết, gà dẹo. Từ hồi tôi làm trại đầu năm 2000 đã thấy chúng rồi. Quy định khi có gà chết, gà bệnh phải đào hố, vứt gà, ném vôi bột, phun khử trùng rồi lấp đất nhưng chẳng ai thực hiện. Suy cho cùng, quan hệ chủ trại và người mua gà chết là cộng sinh. Đấy, biết tin chú về, tôi có dạm hỏi mấy chủ trại về chuyện bán gà chết, họ bảo đừng động vào, rách việc, có nói kiểu gì chúng tôi cũng không nghe... Không có bọn mua gà chết mình cũng chết vì suốt ngày đào hố chôn gà hơn nữa bán gà loại lại còn gỡ gạc thêm được đồng ra, đồng vào bởi mỗi lứa nuôi 6.000 gà trung bình thu 8-10 triệu”.

Gà chết cũng có giá

Cũng theo anh P, tất cả các nơi có chăn nuôi đều có đội ngũ “quạ”. “Cứ đi các trại hỏi hố hủy gà. Nếu như không có hố hủy thì có đội ngũ đấy. Một số trại có hố hủy gà hẳn hoi nhưng chỉ hình thức hoặc là hố đổ rác mà thôi. Mỗi ngày ở khu vực Chương Mỹ có khoảng hai chục người đi mua gà dẹo, gà chết. Họ lên tận Hòa Lạc, Cổ Đông gần Sơn Tây hay lượn vòng quanh các khu Thanh Bình, Đông Sơn của huyện. Đàn ông có, đàn bà cũng có, có nhà cả hai vợ chồng đều đi buôn. Phương tiện hành nghề là chiếc xe máy cà tàng đằng sau có buộc sọt sắt (loại chuyên mua gà dẹo) hoặc bao tải (loại chuyên mua gà chết)”.

Gom thành đống để bán

Chết do cầu trùng được giá nhất

+ “Có chuồng gà mọc lên là đội ngũ buôn gà ốm, gà chết đã đánh hơi biết rồi. Có khi đang chăn gà, thấy chó cắn ầm ĩ, vừa ló mặt ra đã bị hỏi có gà chết bán không cũng tức bỏ bố nhưng có lúc gọi điện báo có gà ốm chúng cũng không đến vì hàng nhiều”, anh P cho biết.

+ "Chúng tôi đi họp, thú y nói gà chết, gà bệnh phải tiêu hủy nhưng thực chất tôi nói với chú thế này, nó rất tế nhị. Bảo cấm bán thì không đành lòng. Nông thôn quan hệ dòng họ, hàng xóm toàn giải quyết bằng cái tình chứ không thể cái lý. Phần lớn người nuôi gà có hố tiêu hủy nhưng gà chết ít người ta để nuôi chó, chết nhiều đem bán. Quả thực chúng tôi chỉ nhắc nhở họ khi chở đi phải bảo quản thế nào, khử trùng ra sao còn thực tế người ta có làm hay không mình cũng không biết được.

Theo tôi tình trạng gà chết, gà bệnh tầm 1,5kg vào quán cơm bình dân là có. Tôi đã được chứng kiến khi ăn ở quán cơm gần bệnh viện Hà Đông khi chăm người nhà ốm, thấy có người hay vào đây mua gà chết đến đổ hàng ở đó”, ông Nguyễn Văn Vận, Trưởng thôn Thanh Nê.

Ở Thanh Bình người nuôi gà đạt tỷ lệ thất thoát dưới 10% là liên hoan lu bù bởi phần lớn là trên 10%, thậm chí gấp nhiều lần số đó. Đợt anh P vào 8.000 gà nhưng khi bệnh chết tới 3.000 con đã quyết định phá đàn, bán tất. Gà lúc này mới 7-8 lạng. Vì số lượng gà quá nhiều, một chủ lớn đi ô tô mua hàng theo lô toàn chọn con khá, kéo đến kèm ba chủ nhỏ đi xe máy vợt sạch hàng gà yếu, gà chết.

“Gà cứ bình quân 1,6 kg trở xuống mà bán ngoài thị trường thường là gà bệnh. Đội ngũ buôn gà chết cũng phân chia lãnh thổ. Chúng bảo được nhau. Đáng lẽ con gà của mình bán được 10.000 nó chỉ trả 8000đ/kg. Nếu mình không bán, gọi người khác vào, nó dèm xuống 7.000 đ/kg cũng phải bán vì càng để càng tổ thối. Lúc mua chúng bảo để chăn cá sấu, cá trê, cá chim nhưng chủ yếu là…chăn người, vào hàng cơm, hàng gà tần hết. Có đứa lúc cao hứng còn bảo, gà càng chết đen khi tần càng đỡ tốn thục. Gà bệnh có mấy loại chết. Chết đen, chết trắng, chết xanh, tùy tình trạng mà có lắm giá mua.

Chết trắng do cầu trùng là được giá nhất. Bình thường gà phải cắt tiết thịt mới không thâm đúng không? Mắc bệnh cầu trùng khiến con vật ỉa ra máu tươi, còn bao nhiêu máu xuất huyết vào nội tạng hết nên có để một ngày một đêm thịt cũng không bị thâm. Để sang ngày thứ hai gà bị xanh hai bên bẹn giáp bụng chỗ phần mềm. Để tiếp gà xanh đến bụng, xanh bò lên đầu, lên lưng rồi cuối cùng xanh xuống ngực. Lúc ngực đã xanh tức mùi đã khắm lắm rồi chỉ còn nước chăn cá sấu, chăn lợn”, anh P cho biết.

Vào những lúc mùa dịch bệnh, thời tiết không ổn định, nóng lạnh thất thường, tỷ lệ gà chết không chỉ dừng ở 10% mà 20%, 30% thậm chí phá cả đàn luôn là cơ hội cho đám “quạ” xâu xé.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm