Đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi biển
Là tỉnh ven biển Tây, Kiên Giang có vùng biển rộng hơn 63.000km2, bờ biển dài trên 200km, cùng hàng trăm hòn đảo lớn, nhỏ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển. Tỉnh đang tập trung đầu tư hạ tầng, nhất là hệ thống cảng và khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại các đảo lớn nhằm hình thành các vùng nuôi biển tập trung xa bờ.
Ông Nguyễn Văn Tư, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng nhu cầu neo đậu và dịch vụ hậu cần cho tàu cá. Hệ thống hạ tầng từng bước được đầu tư hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm động lực phát triển các khu công nghiệp thủy sản, khu kinh tế ven biển gắn với ngư trường, phát triển ngành thủy sản theo hướng hiệu quả và bền vững.
Theo ông Tư, tại huyện đảo Kiên Hải, tỉnh đang đầu tư 2 dự án cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi biển, với tổng số vốn lên đến 835 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trung ương do Bộ NN-PTNT quản lý và ngân sách địa phương. Cụ thể, gồm đầu tư dự án kè chống sạt lở kết hợp bãi thải nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Nam Du (xã Nam Du, huyện Kiên Hải), có vốn đầu tư 430 tỷ đồng. Dự án đầu tư Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Nam Du (huyện Kiên Hải), vốn đầu tư 405 tỷ đồng.
Về tiến độ, dự án kè chống sạt lở kết hợp bãi thải nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Nam Du, thời gian thực hiện năm 2023-2026. Dự án dự kiến được khởi công vào tháng 10/2024 và hoàn thành tháng 12/2025. Trong đó, sẽ đầu tư tuyến kè bờ chống sạt lở dài 1.465m, cầu tàu kết hợp dài 120m, nhằm chống sạt lở, bảo vệ mặt bằng bãi thải chứa đất nạo vét và tuyến đường bờ phía Tây Nam đảo Hòn Ngang. Tận dụng đất thải nạo vét tạo mặt bằng với diện tích khoảng 22ha, phục vụ phát triển hạ tầng khu dịch vụ hậu cần nghề cá và nuôi biển sau này của địa phương.
Đồng thời, nâng cao năng lực đáp ứng khu neo đậu tránh trú bão cho các loại tàu cá và tàu khách, tàu hàng có trọng tải đến 2.000 tấn, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của người dân, doanh nghiệp hoạt động trên vùng biển tỉnh Kiên Giang và các tỉnh lân cận tại ngư trường Tây Nam bộ trong mùa mưa bão.
Đối với dự án đầu tư Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Nam Du, đã được khởi công xây dựng từ cuối năm 2023, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025. Theo đó, dự án sẽ đầu tư đê chắn sóng hướng Đông Bắc dài 420m và kè chắn sóng hướng Tây Nam dài 585m. Hình thành luồng và vùng nước neo đậu tàu có diện tích 71,6ha, đáp ứng cho khoảng 1.000 tàu có chiều dài đến 35m (hoặc công suất 600CV) vào neo đậu.
Thu hút đầu tư vào nuôi biển
Ông Trần Ngọc Tính, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, cho biết, thực hiện Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, Sở đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu đề xuất UBND tỉnh về chủ trương đầu tư đối với các dự án nuôi trồng thủy sản của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn.
Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu và cấp chủ trương đầu tư cho 4 dự án của doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 695 tỷ đồng, nhu cầu diện tích mặt nước là 2.197ha. Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Mavin với dự án Trung tâm nuôi trồng hải sản xuất khẩu. Dự án nuôi cá lồng bè, nuôi trồng thủy sản trên biển của Công ty TNHH MTV Hiền Công, Công ty CP Phát triển nông nghiệp Bát Ngọc và Công ty CP Đầu tư Phát triển Đức Trường.
Ngoài ra, còn tiếp nhận 155 hồ sơ đề xuất thực hiện dự án nuôi biển, trong đó các doanh nghiệp là 30 dự án và cá nhân là 125 dự án. Địa bàn triển khai gồm: vùng biển huyện Hòn Đất có 94 dự án, An Biên có 25 dự án, Kiên Lương có 21 dự án, Kiên Hải có 6 dự án và thành phố Phú Quốc có 9 dự án. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn hạn chế so với tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển của tỉnh.
Ông Hoàng Ngọc Bình, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thủy sản Autralis Việt Nam, cho biết, sau thời gian khảo sát, Autralis thấy vùng biển Kiên Giang có tiềm năng lớn để đầu tư phát triển nuôi biển. Vì vậy, Công ty đã xin chủ trương đầu tư vào Kiên Giang, cụ thể là đầu tư nuôi biển tại huyện đảo Kiên Hải.
Kết quả, Công ty Autralis đã thử nghiệm tại vùng biển Nam Du về các yếu tố như môi trường nước, dòng chảy, nhiệt độ… đều rất tốt, phù hợp cho đối tượng nuôi là cá chẽm phục vụ chế biến xuất khẩu. Thực tế, với các lồng nhựa HDPE nuôi thử nghiệm, Autralis đã thả nuôi 50.000 con cá chẽm thương phẩm, mang lại hiệu quả khả quan. Công ty Autralis sẽ tiến tới nuôi thử nghiệm bằng loại lồng nuôi lớn, có thể đạt sản lượng từ 200-300 tấn cá thương phẩm/lồng để có kết quả sát với thực tế khi triển khai nuôi biển quy mô lớn.
Theo ông Bình, khó khăn trong đầu tư nuôi biển hiện nay là quá trình xin thuê mặt nước biển vướng nhiều thủ tục, phải xin ý kiến nhiều Bộ, ngành nên phải chờ đợi rất lâu. Hơn nữa, đầu tư nuôi biển xa bờ ở các vùng đảo xa nên cần phải được đầu tư cơ sở hạ tầng về logistics, cầu cảng nhằm vận chuyển thiết bị, vật tư, cá giống, thức ăn… Mặt bằng để đầu tư nhà xưởng phục vụ hậu cần nuôi biển cũng thiếu do hạn hẹp về quỹ đất. Nếu giải quyết được những khó khăn, vướng mắc này thì chi phí sản xuất sẽ giảm xuống, hạ giá thành, cá biển nuôi sẽ có sức cạnh tranh tốt trên thị trường.
Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tư cho biết: “Tỉnh sẽ hình thành khu lấn biển có diện tích mặt bằng rộng hàng chục ha, với cao độ san lấp dương 1,6m. Các đơn vị chức năng sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện giao đất, cho thuê đất cho các nhà đầu tư, để đầu tư hạ tầng phục vụ khu dịch vụ hậu cần nghề cá và phát triển nuôi biển”.