| Hotline: 0983.970.780

Lồng nuôi HDPE: Giải pháp phát triển nghề nuôi biển xa bờ bền vững

Thứ Tư 28/12/2022 , 15:03 (GMT+7)

Kiên Giang Lồng nuôi HDPE khắc phục được những hạn chế của lồng nuôi truyền thống, giúp phát triển nghề nuôi biển xa bờ bền vững, bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả kinh tế.

Giải pháp nuôi biển bền vững

Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang vừa tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình nuôi cá mú trân châu thương phẩm bằng công nghệ lồng nuôi HDPE thích ứng vùng biển đảo.

Lồng HDPE là công nghệ lồng nuôi mới, có độ bền cao, thân thiện môi trường, khắc phục được những hạn chế của lồng nuôi truyền thống, giúp phát triển nghề nuôi biển xa bờ bền vững. Ảnh: Trung Chánh.

Lồng HDPE là công nghệ lồng nuôi mới, có độ bền cao, thân thiện môi trường, khắc phục được những hạn chế của lồng nuôi truyền thống, giúp phát triển nghề nuôi biển xa bờ bền vững. Ảnh: Trung Chánh.

Thực hiện chương trình Khuyến nông Quốc gia năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai 2 điểm thực hiện mô hình nuôi cá mú trân châu thương phẩm bằng lồng nuôi HDPE, sử dụng thức ăn công nghiệp, tại xã đảo Hòn Nghệ và xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương. Thời gian triển khai thực hiện dự án từ tháng 4 - 12/2022.

Cá mú trân châu là đối tượng nuôi tiềm năng, ít mắc bệnh, sức chống chịu với các yếu tố môi trường bất lợi cao, ít tốn công chăm sóc. Cá mú thương phẩm có giá trị dinh dưỡng, giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt cá ngon, trọng lượng và giá trị mỗi con vừa phải nên dễ tiêu thụ.

Các hộ nuôi tham gia mô hình được dự án hỗ trợ hệ thống lồng nuôi hiện đại bằng chất liệu HDPE, mỗi lồng có thể tích 192 m3, gồm 4 ô lồng/cụm, mỗi ô có kích thước mỗi ô 4 x 4 x 4 m. Lưới được làm bằng chất liệu Polyetylen, mắt lưới 5cm, loại lưới dệt không gút, chì lưới bằng bêtông. Ngoài hỗ trợ lồng nuôi, ngư dân tham gia dự án còn được 30% chi phí mua cá giống thả nuôi, phần còn lại người dân đối ứng đầu tư cho tới khi thu hoạch.

Ông Danh Nhiệt, cán bộ Phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, lồng HDPE là công nghệ lồng nuôi mới, có độ bền cao, thân thiện môi trường. Đặt biệt lồng nuôi HDPE là có khả năng nuôi ở xa bờ, chống chịu tốt với sóng to, giông bão, môi trường ổn định. Trong quá trình nuôi cá phát triển tốt, dịch bệnh ít xảy ra, việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh cho cá cũng ít hơn, hạn chế đưa thuốc hóa chất xuống môi trường biển, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển.

Ngư dân tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong nuôi cá biển lồng bè, am hiểu kỹ thuật về lồng HDPE tập huấn kỹ thuật nuôi cá mú trân châu bằng lồng trên biển. Đồng thời, trong quá trình nuôi được cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, giám sát, tập trung vào các thời điểm yêu cầu kỹ thuật làm tăng hiệu quả sản xuất, phòng trừ dịch bệnh…

Mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ông Trịnh Văn Bình (ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải), hộ tham gia thực hiện mô hình cho biết, nhờ được tập huấn nên đã giúp các hộ nuôi hiểu rõ hơn các quy trình kỹ thuật nuôi cá mú trân châu bằng lồng nuôi HDPE để áp dụng vào sản xuất thực tiễn, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Kết quả tập huấn đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của nông dân. Đặc biệt là sự chuyển đổi từ sản xuất theo tập quán sang nuôi có áp dụng khoa học kỹ thuật, hạn chế sử dụng cá tạp làm thức ăn cho cá, giảm rác thải nhựa bảo vệ môi trường.

Cá mú trân châu là đối tượng nuôi tiềm năng, có giá trị dinh dưỡng, giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt cá ngon, trọng lượng và giá trị mỗi con vừa phải nên dễ tiêu thụ. Ảnh: Trung Chánh.

Cá mú trân châu là đối tượng nuôi tiềm năng, có giá trị dinh dưỡng, giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt cá ngon, trọng lượng và giá trị mỗi con vừa phải nên dễ tiêu thụ. Ảnh: Trung Chánh.

Tốc độ tăng trưởng và trọng lượng của mô hình nuôi cá mú cho ăn thức ăn viên so với mô hình nuôi bằng thức ăn tươi sống không có sự khác biệt lớn. Điều này cho thấy việc sử dụng thức ăn viên thay thế dần lượng thức ăn tươi sống ngày càng khan hiếm là hướng đi phù hợp, để phát triển nghề nuôi thủy sản lồng bè trên biển một cách bền vững, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hạn chế sự ô nhiễm môi trường. Cá giống ban đầu có trọng lượng trung bình 36 gram/con, sau hơn 4 tháng nuôi cá đạt trọng lượng bình quân 0,5 kg/con, cá đạt kích cỡ đồng đều, tỷ lệ sống cao, trung bình 95%.

Nhìn chung mô hình đạt hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập cho người nuôi. Qua kết quả của mô hình cho thấy, năng suất cá nuôi dự kiến đến khi thu hoạch đạt 11,4 kg/m3, sản lượng 2.188 kg/hộ nuôi. Sau khi trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận trung bình khoảng 174 triệu đồng/vụ nuôi/hộ.

Nuôi biển bằng lồng nuôi hiện đại chất liệu HDPE còn mở ra hướng phát triển du lịch trải nghiệm giúp tăng thu nhập cho ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.

Nuôi biển bằng lồng nuôi hiện đại chất liệu HDPE còn mở ra hướng phát triển du lịch trải nghiệm giúp tăng thu nhập cho ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, lồng nuôi hiện đại bằng chất liệu HDPE khắc phục được những hạn chế của loại lồng bằng cây gỗ truyền thống, phù hợp với đề án phát phát triển nuôi biển của tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện, nông dân áp dụng đúng theo quy trình của Trung tâm Khuyến nông nên các chỉ tiêu đều đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Đối với lồng nuôi cá bằng vật liệu HDPE có tính ưu điểm rõ ràng, đồ bền cao, chống chịu được với sóng to… nhưng chi phí đầu tư ban đầu cao do đó tính nhân rộng còn hạn chế. Từ khi dự án triển khai đến nay số lượng lồng vật liệu HDPE được bà con nông dân tăng lên 8 lồng, như vậy hiệu quả nhân rộng của dự án đạt 100% kế hoạch đề ra.

Hiệu quả đạt được từ dự án triển khai đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Dự án xây dựng và phát triển mô hình nuôi cá mú trân châu thương phẩm bằng lồng nuôi HDPE trên biển nhằm tạo sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, có chất lượng cung cấp cho thị trường tiêu thụ, thay thề dần sản phẩm khai thác.

"Mô hình đã tác động làm thay đổi phương thức nuôi theo tập quán cũ của người dân chủ yếu sử dụng thức ăn tươi sống và nuôi bằng lồng gỗ có độ bền và sức chống chịu với giông, bão thấp. Việc sử dụng lồng vật nuôi HDPE để nuôi cá biển sẽ một hướng nuôi mới cho nghề nuôi cá lồng bè trên biển phát triển bền vững, hạn chế rủi ro, góp phần nâng cao sản lượng nuôi biển của tỉnh theo đề án nuôi biển mà tỉnh đang triển khai", ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang.

Xem thêm
Quảng Bình giám sát chặt hơn 150 tàu cá của một số tỉnh vào tránh bão

Sau bão số 6, tỉnh Quảng Bình đã quản lý chặt chẽ hơn 150 tàu cá của ngư dân các tỉnh vào tránh trú bão.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.