| Hotline: 0983.970.780

Đột phá nghề sản xuất nấm vụ đông

Thứ Ba 17/09/2013 , 10:43 (GMT+7)

Với khí hậu lạnh vào mùa đông, đồng thời có nguồn rơm rạ hàng chục triệu tấn sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nông dân các tỉnh phía Bắc có lợi thế lớn để triển khai SX đại trà các chủng loại nấm vụ đông.

Với khí hậu lạnh vào mùa đông, đồng thời có nguồn rơm rạ hàng chục triệu tấn sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nông dân các tỉnh phía Bắc có lợi thế lớn để triển khai SX đại trà các chủng loại nấm vụ đông.

Tiềm năng phát triển lớn

Để đạt được mục tiêu đến năm 2015, nước ta SX, tiêu thụ được khoảng 400.000 tấn nấm các loại, trong đó nội tiêu đạt 300.000 tấn (đạt 75%), XK 100.000 (25%), giải quyết việc làm cho 1 triệu lao động, tại Diễn đàn “Phát triển SX nấm vụ đông 2013 - 2014” vừa diễn ra tại Hà Nội do Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) tổ chức, hơn 300 đại biểu đến từ 22 tỉnh, thành về tham dự đã thảo luận và đưa ra những giải pháp từng bước đưa sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu chính thức trở thành sản phẩm quốc gia.

PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết: Nấm sắp được xếp vào 1 trong 4 sản phẩm quốc gia của ngành NN-PTNT. Đây là một tin mừng, có lẽ sẽ làm thay đổi bộ mặt ngành SX nấm nước ta trong thời gian tới. VN là một nước nông nghiệp, mỗi năm SX khoảng 48 triệu tấn lương thực có hạt, trong đó 43 triệu tấn thóc, 4 - 5 triệu tấn ngô…

Ông Hàm nhấn mạnh: "Chúng ta phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng về mọi khâu để triển khai SX nấm hiệu quả trong vụ đông này. Phải coi nó như một bước quan trọng để tiến tới xây dựng ngành nấm của quốc gia phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho bà con nông dân, mang lại ngoại tệ cho đất nước".

Tất cả lĩnh vực SXNN đó đều tạo ra phụ phẩm với khối lượng khoảng 70 - 80 triệu tấn. Nếu làm tốt, chúng ta có thể thu được lợi nhuận kếch xù. Trong thời gian vừa qua, công nghệ SX nấm rất phát triển. Sản lượng nấm hiện nay ước đạt khoảng 250.000 tấn với tốc độ tăng trưởng 7 - 10%/năm. Đây là tốc độ tương đối khả quan.

Tuy nhiên, SX nấm của nước ta vẫn chưa đáp ứng được so với mong đợi, kém xa so với tiềm năng của quốc gia. Trên thị trường, chúng ta vẫn nhìn thấy hàng ngoại lấn át. Nhiều người rất muốn mua nấm, nhưng lại ngại đây là hàng ngoại, nguồn gốc không rõ ràng, không biết SX bằng cách nào, bảo quản, chế biến ra sao? Họ muốn tìm đến nguồn nấm nội địa, nhưng năng lực SX của chúng ta còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.


Nhiều chủng loại nấm ăn, nấm dược liệu SX tại Trung tâm nấm Văn Giang, Trung tâm CNSHTV

“Hàn Quốc là quốc gia có ngành SX nấm rất phát triển. Hằng năm, họ vẫn phải nhập nguyên liệu mùn cưa, bã mía từ VN và thuê nhân công VN làm. Sau khi làm ra sản phẩm, chúng ta lại phải nhập khẩu nấm của Hàn Quốc về dùng với giá cao. Đáng tiếc, nghịch lý đó ở nước ta vẫn chưa được giải quyết triệt để”, ông Hàm nói.

Trồng nấm rơm trái vụ

Ông Đinh Xuân Linh, GĐ Trung tâm CNSHTV nói: Nước ta có nhiều chủng loại nấm có thể triển khai đại trà vào mùa đông như nấm sò, mộc nhĩ, nấm mỡ và các loại nấm cao cấp (nấm đùi gà, kim châm, ngân nhĩ, nấm hương, trân châu, đầu khỉ…). Bên cạnh đó, nhờ tiến bộ kỹ thuật về giống và công nghệ nuôi trồng nên nấm rơm (trước đây không được trồng rộng rãi vào mùa đông) có thể trồng quanh năm và trồng ngay trên cánh đồng vừa thu hoạch vụ mùa không bị ngập nước.

Ông Linh đặc biệt nhấn mạnh đến tính hiệu quả kinh tế trong quá trình SX nấm rơm trái vụ. Cụ thể, với lượng nguyên liệu đưa vào SX khoảng 1.000 kg rơm rạ khô, diện tích sử dụng cần 100 m2 nhà xưởng hoặc khu đất trống, tổng chi phí đầu tư từ giống đến vật tư nông nghiệp khoảng 730.000 đồng.

Với năng suất 120 kg nấm tươi/tấn rơm rạ, bán với giá thấp nhất 50.000 đ/kg thì đạt 6 triệu đồng. Trừ chi phí đầu vào còn lãi hơn 5 triệu đồng. Giá nấm rơm trái vụ có thể lên tới 80.000 - 100.000 đ/kg tại thị trường Hà Nội khi thời tiết càng lạnh.

“Chúng tôi từng sang Phúc Kiến, Trung Quốc để nghiên cứu mô hình trồng nấm rơm của nước bạn và nhận thấy rằng: Với cơ cấu cấu 3 vụ, một vụ lúa, 1 vụ nấm và 1 vụ rau, khi hạch toán thu chi, 1 vụ nấm cho giá trị kinh tế cao gấp 3 lần vụ lúa. Đây là bài học rất có ý nghĩa trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân”, ông Linh chia sẻ.

Mở rộng quy mô SX

Theo PGS.TS Phạm Thành Hổ, giảng viên ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, người luôn trăn trở với vấn đề phát triển ngành nấm của VN: Chúng ta nên đưa vào SX tất cả các loại nấm có thể trồng được trong vụ đông. Bởi các quốc gia khác trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc do điều kiện khí hậu lạnh giá nên rất khó SX nấm trong vụ này.

Nếu có thì họ phải bỏ ra một lượng chi phí không nhỏ để điều chỉnh nhiệt độ, do đó đẩy giá thành lên cao. Hiện nay, nhiều địa phương khu vực phía Nam đã coi SX nấm trong thời gian từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau là vụ chính và thu được lợi nhuận ngoài sự mong đợi.

Cũng trong diễn đàn, nhiều đại biểu tham dự đã chia sẻ kinh nghiệm SX nấm vụ đông của đơn vị, địa phương mình. Ông Phạm Văn Xuất, Chủ tịch UBND xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) tâm sự: Sau 5 năm triển khai SX nấm, chúng tôi khẳng định nghề nấm rất được nông dân trong xã đồng tình, lựa chọn làm nghề SX chính. Đến nay, xã đã có 34 hộ SX nấm, số nguyên liệu rơm rạ đưa vào SX hằng năm 500 - 700 tấn. Năm 2011 - 2012, toàn xã thu được 3,7 tỷ đồng từ trồng nấm. Từ 2012 - 2013, mức thu sẽ tăng lên khoảng 4,5 tỷ đồng.

Thực tế, tại xã Quang Phục, rất nhiều hộ dân muốn phát triển trồng nấm rơm vụ đông, nhưng đây là một loại thực vật khó tính, không phải ai có tiền cũng làm được mà cần phải có những tri thức về khoa học - kỹ thuật. Tại địa phương đã có hộ phải đổ đi 15 - 20 tấn nguyên liệu trồng nấm vì làm sai quy trình. Do đó, ông Xuất đề nghị Trung tâm CNSHTV tiếp tục giúp đỡ địa phương nâng cao trình độ trồng nấm cho bà con.

Một trong những trở ngại lớn đối với người trồng nấm ở nước ta là vấn đề thiếu thiết bị, máy móc phục vụ các khâu trong quá trình SX nấm. Ông Nguyễn Xuân Mai, GĐ Cty Mây tre đan xuất khẩu Ngọc Động, Hà Nam chia sẻ: Khâu đảo ủ nguyên liệu SX nấm là khâu nặng nhọc nhất và mất nhiều thời gian nhất. Nếu gia đình nào không có lao động thì chắc chắn sẽ làm ẩu, làm tắt ở khâu này, dẫn đến năng suất không đảm bảo.

Do đó, các nhà khoa học cần phải nghiên cứu để có thêm các thiết bị từ phục vụ từ việc thu gom rơm rạ, nghiền, đảo ủ và các công đoạn khác thì sản phẩm nấm của chúng ta mới có sức cạnh tranh được. Bởi giá nấm XK của nước ta vẫn ở mức cao.

“Rất may là nhu cầu sử dụng nấm của thị trường trong nước hiện nay vẫn còn rất lớn, nên nông dân SX ra bao nhiêu vẫn tiêu thụ được. Nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ không như thế”, ông Mai nói.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.