| Hotline: 0983.970.780

Xoay đủ cách chống nóng cho tôm nuôi

Thứ Tư 01/05/2024 , 14:22 (GMT+7)

HÀ TĨNH Nắng nóng gay gắt những ngày qua khiến người nuôi tôm tại Hà Tĩnh phải xoay sở đủ cách để chống nóng cho tôm nuôi.

Túc trực chống nóng cho tôm

Vụ tôm xuân hè 2024, trên diện tích vùng nuôi tôm rộng 2ha, anh Nguyễn Trung Trọng ở thôn Phúc Trung, xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thả gần 1,5 triệu con giống tôm thẻ chân trắng, vì vậy việc đảm bảo an toàn cho tôm khi thời tiết nắng nóng là hết sức quan trọng.

Anh Trọng cho biết: Thời gian này vùng nuôi luôn duy trì mực nước hợp lý để hạn chế những bất lợi do nắng nóng gây ra. Ao nuôi được kiểm tra hàng ngày để kịp thời điều chỉnh các thông số môi trường cho phù hợp. Tôm được cho ăn với khẩu phần và chế độ ăn hợp lý theo kích cỡ, mật độ, đảm bảo đủ số lượng, tránh tình trạng thức ăn bị thừa hoặc bị thiếu.

Người nuôi tôm tại Hà Tĩnh tăng cường sục khí và cấp nước cho ao đầy đủ để làm mát nước. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Người nuôi tôm tại Hà Tĩnh tăng cường sục khí và cấp nước cho ao đầy đủ để làm mát nước. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Ngoài ra sử dụng các chế phẩm sinh học định kỳ 5 - 7 ngày/lần để xử lý nước và đáy ao nuôi, anh Trọng còn duy trì ổn định độ pH trong giới hạn cho phép bằng vôi bột, nâng cao mực nước ao nuôi để giảm biến động nhiệt độ nước, sau mưa có thể tháo bớt nước tầng mặt tránh tôm bị sốc do pH thay đổi đột ngột.

Cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Trương Quang Lộc - thành viên HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Vọoc (xã Hộ Độ, Lộc Hà, Hà Tĩnh) thả hơn 50 vạn giống được gần 20 ngày. Mấy ngày qua, thời tiết nắng nóng lên tới hơn 40 độ C, ông buộc phải sử dụng các biện pháp giảm nhiệt trong ao nuôi.

Ông Lộc cho biết: “Tôm còn nhỏ nên nếu gặp nhiệt độ cao sẽ làm sức đề kháng suy giảm, vì vậy việc chăm sóc tôm trong thời điểm nắng nóng lại càng vất vả. Tôi phải túc trực thường xuyên tại hồ, tăng cường sục khí, quạt nước và cấp nước cho ao đầy đủ để làm mát nước. Đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học phân hủy các chất hữu cơ và hạn chế tảo phát triển”.

Nuôi tôm bằng công nghệ tuần hoàn nước giúp môi trường luôn ổn định, ít bị tác động từ bên ngoài, nhất là vào mùa hè, nền nhiệt luôn ở mức cao kỷ lục. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nuôi tôm bằng công nghệ tuần hoàn nước giúp môi trường luôn ổn định, ít bị tác động từ bên ngoài, nhất là vào mùa hè, nền nhiệt luôn ở mức cao kỷ lục. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Còn với chủ cơ sở nuôi tôm công nghệ cao tại khu vực Đồng Ghè, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) của anh Dương Quốc Khánh, để thích ứng với điều kiện nắng nóng kéo dài xen kẽ mưa rào, anh đã đầu tư hàng trăm m­2 lưới và bạt che nắng cho tôm. Bên cạnh đó, chú ý đến mực nước trong bể nuôi luôn duy trì ở mức 1,2 đến 1,5m; thực hiện sục khí, quạt nước thường xuyên để làm mát môi trường nước và cung cấp đủ oxy cho tôm.

Nhằm chủ động hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại do nắng nóng, anh Khánh chỉ thả tôm với mật độ vừa phải để giảm stress cho tôm khi trời nóng và cho tôm ăn đúng khẩu phần phù hợp với quy trình, tránh cho ăn dư thừa. Khi trời nắng nóng, nhiệt độ tăng, tôm sẽ giảm ăn, do vậy chỉ cho tôm ăn lượng thức ăn bằng 70 - 80% so với bình thường và tăng lượng thức ăn, chỉ cho ăn khi trời mát.

Anh Khánh chia sẻ: “Nhờ nuôi tôm bằng công nghệ tuần hoàn nước nên môi trường luôn ổn định, ít bị tác động từ bên ngoài, nhất là vào mùa hè, nền nhiệt luôn ở mức cao kỷ lục. Nhờ đó, tỷ lệ tôm sống cao, có thể nuôi nhiều vụ trong năm (2 - 3 vụ).

Người nuôi cần thường xuyên kiểm tra môi trường và hoạt động của tôm nuôi, nhất là vào sáng sớm, chiều tối. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Người nuôi cần thường xuyên kiểm tra môi trường và hoạt động của tôm nuôi, nhất là vào sáng sớm, chiều tối. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Đề phòng dịch bệnh do nắng nóng

Là người có nhiều kinh nghiệm và đã thành công trong nhiều vụ tôm, anh Nguyễn Xuân Thủy tại thị trấn Thạch Hà (Thạch Hà, Hà Tĩnh) cũng rất chú trọng đến việc chăm sóc tôm trong mùa nắng nóng. Đối với ao nuôi là ao bạt, anh sử dụng lưới đen chống nắng căng phía trên mặt ao để hạn chế bức xạ ánh sáng mặt trời, hạn chế tăng nhiệt nước ao, tránh gây sốc cho tôm. Đối với những ao nuôi là ao đất, anh luôn quan tâm, đảm bảo cung cấp đủ nước, đảm bảo độ sâu nước ao cũng như cung cấp dưỡng khí cho tôm nuôi.

Anh Thủy còn thường xuyên theo dõi các yếu môi trường, sức khỏe đàn tôm để hạn chế những bất lợi khi thời tiết nắng nóng. Kinh nghiệm cho thấy khi nhiệt độ tăng cao và nắng nóng kéo dài, tôm thường hay bị bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính. Vì vậy về mùa này anh thả nuôi với mật độ thưa hơn; giảm lượng thức ăn khi thời điểm nhiệt độ cao; bổ sung men tiêu hóa, các loại vitamin trộn vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi.

Sử dụng lưới che phủ để hạn chế bực xạ ánh sáng mặt trời. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Sử dụng lưới che phủ để hạn chế bực xạ ánh sáng mặt trời. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, nắng nóng năm nay đến sớm, số đợt nắng nóng có thể xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm, mức độ cũng gay gắt hơn, nhiều kỷ lục nhiệt độ có thể được thiết lập. Tại Hà Tĩnh, nắng nóng diện rộng thường xảy ra từ tháng 4 - 8, đặc biệt gay gắt từ tháng 6 - 8. Nắng nóng diện rộng làm nhiệt độ nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của tôm. Nhiệt độ nước cao còn là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus phát triển.

Kỹ sư Lương Sỹ Công, Phó Trưởng phòng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) khuyến cáo: Trong điều kiện nắng nóng, người nuôi tôm cần duy trì mực nước trong ao trên 1,5m, tích cực tạo oxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí, nhất là vào thời điểm 10 - 18h và sáng sớm. Bổ sung vitamin, men tiêu hóa và các khoáng chất cần thiết để tăng sức đề cho tôm, đồng thời sử dụng các chế phẩm vi sinh định kỳ giúp ổn định môi trường và hạn chế các khí độc bùng phát trong ao nuôi, phòng tránh những bệnh nguy hiểm trên tôm, nhất là bệnh hoại tử gan tụy.

Ao nuôi được kiểm tra hàng ngày để kịp thời điều chỉnh các thông số môi trường cho phù hợp. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Ao nuôi được kiểm tra hàng ngày để kịp thời điều chỉnh các thông số môi trường cho phù hợp. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Có thể dùng lưới lan che phủ 2/3 diện tích mặt ao và cao hơn mặt nước trên 2m để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, ổn định nhiệt độ nước trong ao, tránh gây sốc cho tôm; giảm 50% lượng thức ăn khi trời nắng nóng trên 35 độ C. Hàng tuần nên dùng vôi bột hòa tan tạt đều khắp ao vào buổi chiều mát để khử trùng nước và ổn định pH trong ao. Thường xuyên kiểm tra môi trường và hoạt động của tôm nuôi, nhất là vào sáng sớm, chiều tối để sớm phát hiện những biểu hiện bất thường và kịp thời xử lý.

Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chủ lực của Hà Tĩnh, đem lại giá trị kinh tế cao. Vụ tôm xuân hè 2024, toàn tỉnh thả nuôi trên diện tích hơn 2.250ha. Thời điểm này, nhiều diện tích đã được xuống giống từ 15 - 30 ngày. Theo cơ quan chuyên môn, kích thước tôm còn nhỏ, sức đề kháng chưa cao nên người nuôi càng cần phải lưu ý đến các biện pháp chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho tôm trước những đợt nắng nóng gay gắt được dự báo sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.