TS. Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã đánh giá như vậy về tiềm năng phát triển của rong, tảo biển ở nước ta hiện nay. Đây cũng là một trong số những giải pháp mà TS. Phạm Anh Tuấn chia sẻ với mong muốn đưa nuôi biển Việt Nam “vượt sóng rẽ gió”, tăng tốc bứt phá trong thời gian tới.
Theo TS. Phạm Anh Tuấn, có một số giải pháp mà chúng ta phải gấp rút giải quyết để thúc đẩy phát triển nuôi biển. Thứ nhất, phải đầu tư khoa học công nghệ để giải quyết vấn đề con giống đối với một số đối tượng nuôi có thị trường tốt, có tiềm năng phát triển nuôi.
Thứ hai, một số đối tượng nuôi còn phụ thuộc vào thức ăn là cá tạp, vì vậy phải tập trung nghiên cứu sản xuất thức ăn giảm phụ thuộc vào bột cá, sử dụng cá tạp.
Thứ ba, trong nuôi biển có hai vùng nuôi là gần bờ và xa bờ. Đối với vùng nuôi gần bờ, hiện cơ bản đã định hình các đối tượng và sức quá tải lớn. Vì vậy phải tổ chức lại sản xuất, phải quy hoạch lại để quy mô, cách quản lý ở các vùng nuôi này phù hợp với sức tải môi trường. Có như vậy mới giảm được dịch bệnh, bền vững và đáp ứng những yêu cầu bảo vệ môi trường, sinh thái từ các thị trường.
Còn đối với nuôi biển xa bờ, phải có những chính sách thuận lợi để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, đồng thời phát triển khoa học công nghệ phù hợp, đặc biệt là đào tạo nhân lực.
TS. Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Một điều nữa là cần quan tâm đến tiềm năng từ rong, tảo biển, hiện tại hầu như đang bị lãng quên, ít được quan tâm hơn so với các đối tượng như cá hoặc giáp xác. Rong, tảo biển có lợi thế về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, không những đáp ứng nhu cầu thực phẩm mà còn có thể sử dụng trong các lĩnh vực khác như dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón…”.
“Nếu giải quyết được tất cả những vấn đề đó, tôi nghĩ nuôi biển Việt Nam sẽ có thể phát triển bền vững”, TS. Phạm Anh Tuấn nói.
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam cũng cho rằng, phải đa dạng hóa các đối tượng nuôi, ngoài những đối tượng nuôi truyền thống như tôm, cá, phải đẩy mạnh thêm những đối tượng mới như rong, tảo biển, đặc biệt là các loài có thể làm dược liệu để có thể phát triển thành một ngành kinh tế biển mới - ngành dược liệu biển. Chú ý duy trì thảm rong biển, cỏ biển, thực vật ngập mặn, rạn san hô để bảo đảm chức năng thu giữ carbon, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu.
“Chúng ta có ngành dược liệu chung nhưng dược liệu biển thì chưa. Việt Nam là quốc gia ba phần là biển, tiềm năng dược liệu biển lớn. Trong một miền khí hậu nhiệt đới, thuận lợi cho phát triển những đối tượng này để sản xuất ra thực phẩm dinh dưỡng, giảm thiểu xuất khẩu thô, đẩy mạnh chế biến, tạo giá trị gia tăng. Làm được như vậy cũng là một cách để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên”, ông Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 200 loài rong biển có giá trị thương mại, trong đó 27 loài được nuôi trồng chính. Tổng sản lượng rong biển hơn 36 triệu tấn (35 triệu tấn rong trồng), giá trị ước đạt hơn 8,3 tỷ USD.
Theo thống kê của Cục Thủy sản, hiện Việt Nam có hơn 827 loài rong tự nhiên, trong đó 88 loài có giá trị kinh tế. Rong chia làm 3 nhóm loài chính gôm rong sụn, rong câu, rong nho.
Diện tích có tiềm năng cho trồng rong biển ở nước ta khoảng 900.000 ha. Năm 2023, tổng diện tích trồng rong biển khoảng 16.500 ha, sản lượng 150.000 tấn. Trong đó, lợi nhuận trồng rong nho đạt khoảng 150 - 200 triệu/ha; trồng rong sụn đạt lợi nhuận khoảng 60 - 80 triệu đồng/ha. Nuôi trồng rong, tảo biển đang giúp tạo sinh kế cho người dân ven biển
Ngành hàng rong biển của nước ta hiện tại đang có nhiều cơ hội để phát triển như thị trường toàn cầu tăng trưởng trên 10%/năm. Hơn nữa, rong có khả năng hấp thụ CO2 nhanh gấp 5 lần thực vật cạn, là cơ hội để có thể bán các tín chỉ carbon; xu thế sử dụng thực phẩm, năng lượng xanh đang ngày càng phổ biến; hoạt chất của rong, tảo có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực như dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón sinh học...
Trong Chiến lược phát triển ngành thủy sản, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sản lượng rong, tảo biển các loại đạt khoảng 180.000 tấn; năm 2030 là 500.000 tấn. Trong đó, định hướng phát triển gần bờ từ Thanh Hóa đến Quảng Bình phát biển sản xuất rong nho, rong sụn, rong câu chỉ vàng; vùng xa bờ có nhiều phương thức phát triển hơn, rong biển có thể nuôi đơn hoặc nuôi kết hợp với tôm, cá, nhuyễn thể có giá trị cao.