| Hotline: 0983.970.780

Dự án VnSAT thúc đẩy sự phát triển ngành hàng cà phê các tỉnh Tây Nguyên

Thứ Tư 22/12/2021 , 10:30 (GMT+7)

Dự án VnSAT đi vào hoạt động đã xây dựng các chuỗi giá trị cà phê, giúp người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết để hướng đến phát triển bền vững.

Phát triển chuỗi giá trị

Tại tỉnh Lâm Đồng, dự án VnSAT triển khai tại 8 huyện/thành phố với quy mô trên 16 nghìn ha cà phê và 15 nghìn hộ nông dân tham gia. Những năm qua, dự án đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp nông dân ổn định sản xuất và thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành hàng cà phê tại địa phương.

Ông Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng) cho hay, thời gian qua, Dự án VnSAT đã hỗ trợ cho hộ nông dân rất nhiều như chuyển đổi khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình, cải tạo cây giống.

Đặc biệt với chương trình nguồn vốn tín dụng, Dự án đã hỗ trợ nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi. "Hiện nay trong HTX đã có 26 thành viên được vay vốn ưu đãi này. Thời gian được kéo dài hơn so với các hợp đồng vay vốn khác, lãi suất thấp hơn. Tôi nghĩ đây là chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện tốt để nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình", ông Nguyễn Minh Ngọc thổ lộ.

Dự án VnSAT đã giúp nông dân Lâm Đồng có điều kiện đầu tư sản xuất cà phê. Ảnh: M.H.

Dự án VnSAT đã giúp nông dân Lâm Đồng có điều kiện đầu tư sản xuất cà phê. Ảnh: M.H.

Cũng theo ông Ngọc, cùng với việc hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, sản xuất, thời gian qua, VnSAT Lâm Đồng cũng đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn. Đến nay, tổng số vốn đầu tư vào đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất ở xã Tân Nghĩa là khoảng 16 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dự án cũng định hướng lâu dài về phát triển cây cà phê cho bà con. Đặc biệt là xây dựng các mô hình cà phê đạt tiêu chuẩn VietGAP để nâng sản lượng, giá trị sản phẩm, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo.

Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng: Nông dân trong vùng Dự án được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng là rất cần thiết, đã góp phần nâng cao hiệu quả tái canh vườn cà phê, giải quyết phần nào tình trạng tái canh nhỏ lẻ.

Nhờ nguồn vốn vay của Dự án, đã góp phần cải thiện chất lượng vườn cà phê tái canh, nâng cao tỷ lệ đồng đều của vườn cây. Đồng thời, giúp người dân chủ động áp dụng đúng các biện pháp khoa học, kỹ thuật nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, mang lại lợi ích thiết thực kéo dài suốt chu kỳ kinh doanh.

Theo Ban quản lý Dự án VnSAT Lâm Đồng, thời gian qua, Dự án đã có tác động lớn trong việc phát triển chuỗi giá trị ngành hàng cà phê. Dự án đã kêu gọi thành lập các HTX và hỗ trợ các tổ chức nông dân về cơ sở hạ tầng như nhà kho, sân phơi, đường giao thông, hỗ trợ về trang thiết bị, máy móc để sản xuất, chế biến cà phê nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.         

Thời gian qua, Dự án VnSAT đã giúp nông dân Đăk Nông ổn định sản xuất. Ảnh: M.H. 

Thời gian qua, Dự án VnSAT đã giúp nông dân Đăk Nông ổn định sản xuất. Ảnh: M.H. 

Tại tỉnh Đăk Nông, trong giai đoạn từ năm 2015 - 2020, Dự án VnSAT được triển khai trên địa bàn 6 huyện/thành phố của tỉnh với diện tích cà phê khoảng 107 nghìn ha. Trong thời gian này, các hoạt động hỗ trợ của Dự án đã giúp người dân có điều kiện đầu tư, ổn định sản xuất.

Ông Lưu Như Bính, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết (xã Nam Bình, huyện Đăk Song, Đăk Nông) cho biết, khi người dân đang gặp khó khăn do giá cà phê giảm sâu, Dự án VnSAT đã có hỗ trợ thiết thực.

Theo Ban quản lý Dự án VnSAT Lâm Đồng, từ năm 2016 đến nay, các ngân hàng thương mại tại địa phương đã giải ngân 1,3 nghìn khoản vay với số tiền 614 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân vốn tái canh khoảng trên 3 nghìn ha cà phê.

Theo ông Bính: HX có trên 30 thành viên được ưu đãi vay vốn tín dụng. Các thành viên được tiếp cận nguồn vốn nhanh, lãi suất thấp hơn so với các hợp đồng tín dụng bên ngoài và thời gian vay dài, giúp có điều kiện để đầu tư.

Cũng theo ông Bính, việc có được nguồn vốn ưu đãi trong thời gian này đã giúp nông dân chủ động cho tái canh với giống chất lượng cao, đầu tư vào hệ thống tưới tiết kiệm và các hạng mục khác để tiến tới sản xuất bền vững.

Ông Phạm Hùng Vỹ, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Đăk Nông cho biết, các hạng mục hỗ trợ của Dự án đã giúp người dân ổn định sản xuất, giúp các tổ chức nông dân tập trung vào tạo chuỗi giá trị cho ngành hàng.

"Ngoài các hỗ trợ về vốn, kỹ thuật cho nông dân sản xuất cà phê, năm 2021, chúng tôi tập trung hỗ trợ các tổ chức nông dân về cơ sở hạ tầng, đường giao thông để các tổ chức nông dân tiến đến sản xuất quy mô, bài bản và bền vững", ông Phạm Hùng Vỹ chia sẻ.

VnSAT góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế

Đăk Lăk là địa phương được đánh giá có nhiều lợi thế tự nhiên để phát triển cây cà phê. Tuy nhiên lợi thế này không giống nhau giữa các huyện, điều này dẫn đến quy mô sản xuất cà phê cũng có sự khác biệt khá lớn giữa đơn vị cấp huyện của tỉnh.

Khu phơi cà phê sau chế biến của một HTX tại tỉnh Đăk Nông được Dự án VnSAT hỗ trợ xây dựng. Ảnh: M.H.

Khu phơi cà phê sau chế biến của một HTX tại tỉnh Đăk Nông được Dự án VnSAT hỗ trợ xây dựng. Ảnh: M.H.

Cà phê đang là đối tượng cây trồng chủ đạo trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, mặc dù giá cả có biến động thất thường, không ổn định như các năm 2018, 2019 và cả năm 2020 nhưng sản xuất cà phê vẫn là sinh kế chủ đạo của nông dân.

Sau 6 năm triển khai, Dự án VnSAT đã hỗ trợ các tổ chức nông dân sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Dự án còn hỗ trợ một số tổ chức nông dân đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà kho, sân phơi, máy móc thiết bị sơ chế cà phê với mục đích giúp nâng cao năng suất và chất lượng, đáp ứng nhu cầu kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Từ đó, hình thành nên chuỗi liên kết trong ngành cà phê từ sản xuất đến tiêu thụ theo hướng bền vững. Thông qua việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm, đã hình thành vùng sản xuất nông sản an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm.

Sự hỗ trợ từ dự án VnSAT đã góp phần thúc đẩy ngành hàng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: M.H.

Sự hỗ trợ từ dự án VnSAT đã góp phần thúc đẩy ngành hàng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: M.H.

Ông Phan Trọng Ký, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch cụ Chư Kpô cho biết, đơn vị được Dự án VnSAT hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, đào tạo khoa học kỹ thuật và giúp người dân tái canh cà phê. Khi tham gia dự án, các thành viên HTX được hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng hữu cơ. Dự án đã giúp đơn vị hình thành ngành cà phê chất lượng cao, từ đó nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Cũng theo ông Ký, khi tham gia Dự án VnSAT, HTX đã được hỗ trợ về việc tìm kiếm các kênh tiêu thụ, xuất khẩu đi các nước. Hiện nay HTX đang tập trung hướng người dân thay đổi tư duy canh tác và ưu tiên chất lượng sản phẩm. Cụ thể, các thành viên HTX giảm bón phân vô cơ, tái canh những giống cà phê có chất lượng. Dự án đã giúp nông dân thay đổi tư duy, tầm nhìn phát triển cà phê theo hướng bền vững. 

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk đánh giá: Dự án VnSAT đã đóng góp phần rất lớn cho ngành cà phê của tỉnh nói riêng và sự phát triển kinh tế nông nghiệp của Đăk Lăk nói chung. Nếu như giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ tăng GDP của tỉnh bình quân đạt 11 - 12%/năm thì đến giai đoạn 2016 - 2020 đã tăng lên 12,5 - 13,5%/năm và quy mô nền kinh tế năm 2020 của tỉnh đã cao gấp 1,5 - 1,6 lần so với năm 2015.

Từ 2015 đến nay, Dự án VnSAT ở Đăk Nông đã xây dựng 110 điểm trình diễn sản xuất cà phê bền vững nhằm phục vụ học tập và nhân rộng diện tích cà phê dạng này, tương đương 110 ha. Mô hình sản xuất trình diễn đều đạt hiệu quả cao nên tạo ra sức lan tỏa. Đến nay, những hộ dân nằm ngoài vùng dự án cũng đã học hỏi và thực hiện sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện nguồn thu nhập.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.