| Hotline: 0983.970.780

'Chạy nước rút' các tiểu dự án đầu tư công Dự án VnSAT

Thứ Hai 25/04/2022 , 00:19 (GMT+7)

Các địa phương trong vùng hưởng lợi của Dự án VnSAT đang tăng tốc thực hiện các tiểu dự án đầu tư công để về đích đúng tiến độ, sớm đưa vào sử dụng.

Công trình của lòng dân

Dẫn chúng tôi đi xem con đường đang được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Dự án VnSAT, ông Nguyễn Minh Luân, trưởng ấp 6, xã Vị Tân, TP Vị Thanh (Hậu Giang) vui mừng cho hay: Từ nhiều năm qua, nông dân trong ấp chủ yếu làm nông nghiệp, lộ giao thông chưa được đầu tư, việc đi lại, chuyên chở phân bón, vận chuyển lúa và vật tư nông nghiệp của bà con gặp rất nhiều khó khăn.

Theo quan sát, mỗi gia đình ở đây nhà nào cũng trang bị một cái chẹt, được sử dụng cho việc di chuyển qua sông. Theo lời ông Luân tâm sự, khi trời mưa gió cũng xảy ra trường hợp chẹt bị chìm, đường lầy lội, muốn vận chuyển phân bón phải đi lại rất nhiều lần.

Tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn ấp 6, xã Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang nằm trong tiểu dự án đầu tư công của Dự án VnSAT đã hoàn thành hơn 70% tiến độ thi công. Ảnh: Kim Anh.

Tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn ấp 6, xã Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang nằm trong tiểu dự án đầu tư công của Dự án VnSAT đã hoàn thành hơn 70% tiến độ thi công. Ảnh: Kim Anh.

Được Dự án VnSAT đầu tư tuyến lộ giao thông hơn 2,3km để phát triển vùng lúa nguyên liệu, người dân rất phấn khởi. Khi họp dân triển khai Dự án, bà con rất đồng tình, chủ động hiến đất, dọn dẹp hoa màu, phát quang cây cối để giải phóng mặt bằng, giao cho đơn vị thi công để sớm đầu tư.

Không chỉ ông Luân, ông Huỳnh Văn Cầm, người dân ở ấp 6, xã Vị Tân cũng vui mừng trước sự thay đổi của vùng quê kể từ khi Dự án VnSAT triển khai đến người dân. Vài năm trước, nông dân trồng lúa như ông quen cách làm truyền thống, “mạnh ai nấy làm” nên chất lượng sản phẩm không cao. Sau khi được ngành nông nghiệp địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về quy trình canh tác "3 giảm 3 tăng", bà con đã biết cách sạ thưa để giảm lượng lúa giống.

Riêng vụ đông xuân 2021 - 2022 vừa qua, nông dân ấp 6 rất phấn khởi khi lúa trúng mùa, trúng giá, năng suất đạt 1,1 tấn/công (1.000m2), giá lúa cũng được bao tiêu ở mức cao từ 7.000 - 7.200 đồng/kg.

Ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Vị Tân thông tin: Tháng 10/2021 xã được Dự án VnSAT đầu tư xây dựng mới 2 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài hơn 5,6km, mặt đường rộng 3m, tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng, góp phần khép kín vùng đê bao nguyên liệu lúa của xã. Hiện nay, tiến độ thi công công trình đạt trên 50%, hứa hẹn hoàn thành trước ngày 30/6/2022 để đảm bảo tiến độ Dự án và giúp việc lưu thông hàng hóa thuận tiện cho người dân.

Công nhân đang rốt ráo thi công cầu nông thôn để đưa Dự án VnSAT sớm về đích trước ngày 30/6/2022. Ảnh: Kim Anh.

Công nhân đang rốt ráo thi công cầu nông thôn để đưa Dự án VnSAT sớm về đích trước ngày 30/6/2022. Ảnh: Kim Anh.

Ông Bình cũng đánh giá, bà con trong xã đã có sự thay đổi rõ rệt trong tư duy nhận thức và kỹ thuật canh tác lúa từ khi được tiếp cận với Dự án VnSAT. Nông dân thường xuyên được tập huấn khoa học kỹ thuật, áp dụng thuần thực các quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng", quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).

Đặc biệt, nông dân đã cải thiện phương thức canh tác từ sạ dày chuyển sang sạ thưa. Nếu trước đây mỗi vụ lúa nông dân trong xã hầu hết sạ 20kg lúa giống/công thì hiện nay chỉ còn 10 - 12 kg/công. Từ đó, năng suất lúa ngày càng tăng, bình quân đạt hơn 7 tấn/ha (vụ đông xuân) và từ 5,8 - 6,5 tấn/ha (vụ hè thu), lợi nhuận ngày càng tăng lên.

Toàn xã Vị Tân hiện có trên 800ha diện tích canh tác lúa. 100% sản lượng lúa của bà con đều được doanh nghiệp bao tiêu.

Tăng tốc về đích các tiểu dự án đầu tư công

Theo báo cáo của Ban quản lý (BQL) các dự án nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), trong giai đoạn gia hạn Dự án VnSAT, các địa phương vùng ĐBSCL nằm trong vùng hưởng lợi của Dự án sẽ đẩy mạnh triển khai 86 tiểu dự án (TDA) đầu tư công, chia làm 87 gói thầu, với tổng vốn đầu tư hơn 1.094 tỷ đồng.

TP Cần Thơ hiện là một trong những địa phương đi đầu với tiến độ thi công các TDA đạt khoảng 78%, bao gồm 10 TDA đầu tư cơ sở hạ tầng công tại 4 quận/huyện tham gia Dự án, với quy mô nâng cấp bờ bao, lộ giao thông nông thôn. Theo BQL Dự án VnSAT TP Cần Thơ, hiện nay do biến động giá cả vật tư nên việc triển khai công tác thi công các công trình cũng gặp nhiều khó khăn, đơn vị chức năng đang nỗ lực để đưa Dự án VnSAT sớm về đích.

Đối với tỉnh Tiền Giang, 9 TDA đầu tư công trong giai đoạn gia hạn đã được các cơ quan chuyên môn của tỉnh nghiệm thu hoàn thành 6 TDA, 3 TDA còn lại đang được triển khai thi công rốt ráo, khối lượng công việc hiện đã đạt trên 70%.

Còn tại tỉnh Hậu Giang, ông Võ Minh Phúc, Giám đốc BQL Dự án VnSAT tỉnh cho biết, địa phương đang triển khai thực hiện 10 TDA đầu tư công để phát triển bền vững, liên vùng của các HTX, liên xã, giúp vùng Dự án VnSAT 40.000ha của tỉnh Hậu Giang đảm bảo phát triển bền vững về hạ tầng nói chung (đê, cống, đập, đường sá) kết nối hoàn chỉnh từ sản xuất đến những nhà kho, lò sấy đã và đang được các HTX thực hiện, hoạt động tốt. Hiện nay, tại các công trình, đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các TDA, khối lượng công việc đã đạt trên 60%, hứa hẹn hoàn thành đúng thời gian quy định.

Tiến độ thi công các tiểu dự án đầu tư công của các địa phương nằm trong vùng Dự án VnSAT đã đạt trên 60%. Ảnh: Văn Vũ.

Tiến độ thi công các tiểu dự án đầu tư công của các địa phương nằm trong vùng Dự án VnSAT đã đạt trên 60%. Ảnh: Văn Vũ.

Khối lượng công việc của 12 TDA đầu tư công tại tỉnh Sóc Trăng đến nay cũng đã đạt khoảng 60%. Trong giai đoạn gia hạn Dự án, tỉnh Sóc Trăng thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng công, nâng cấp công trình giao thông phục vụ sản xuất lúa gạo bền vững trong vùng Dự án tại các xã: Kế Thành, Thới An Hội, Trinh Phú, Đại Hải của huyện Kế Sách; Đại Tâm, Tham Đôn thuộc huyện Mỹ Xuyên; Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú; Phú Tân của huyện Châu Thành và xã Lâm Kiết, Lâm Tân của huyện Thạnh Trị.

Để đảm bảo tiến độ Dự án, ông Huỳnh Văn Những, Phó Giám đốc Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng cho hay, địa phương đang tập trung thúc đẩy các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình để nghiệm thu đúng tiến độ. Đồng thời, khai thác, phát huy hơn nữa công suất các trang thiết bị, máy móc được Dự án đầu tư tại một số HTX và nhân rộng các kết quả ứng dụng thành công tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa bền vững như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm".

Giá trị cốt lõi của Dự án VnSAT mang lại cho nông thôn vùng ĐBSCL, không chỉ hoàn thiện về mặt hạ tầng sản xuất, chế biến mà còn tạo ra chuỗi giá trị gia tăng lớn cho các đối tác trong chuỗi, thúc đẩy ngành sản xuất lúa gạo phát triển bền vững.

Hơn hết, Dự án giúp ổn định sản xuất, tăng cường năng lực kinh doanh và nâng cao thu nhập cho nông dân, các HTX và các doanh nghiệp nông nghiệp. Đặc biệt, việc nông dân có nhiều tiến bộ trong kỹ thuật canh tác lúa sẽ giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường, góp phần lan tỏa các mô hình về canh tác bền vững.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các tỉnh ĐBSCL đẩy nhanh tiến độ thi công các TDA, hoàn thành các công trình trước 30/6/2022 theo quy định. Tăng cường giám sát thi công đảm bảo TDA đạt chất lượng và thẩm mỹ công trình, phát huy hiệu quả nguồn vốn, tránh lãng phí thất thoát.

Giai đoạn sau ngày 30/6/2022 đến cuối năm, sẽ diễn ra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng các TDA, thanh quyết toán các hoạt động của Dự án. Đồng thời, chuẩn bị thu thập, lưu trữ dữ liệu phục vụ đánh giá hoàn thành Dự án đảm bảo chất lượng và kịp thời theo đúng quy định.

Kết quả đạt được của Dự án VnSAT đã tạo động lực cho phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng chất lượng cao, tập trung theo vùng, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định về sản lượng và chất lượng cho doanh nghiệp tự tin chào hàng trên thị trường quốc tế.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.