| Hotline: 0983.970.780

Dự án VnSAT 'về đích' ấn tượng

Thứ Ba 31/05/2022 , 18:26 (GMT+7)

Vượt qua nhiều khó khăn từ khi khởi động và trắc trở trong quá trình triển khai do dịch bệnh Covid-19, Dự án VnSAT trở thành hình mẫu thành công lớn của ngành nông nghiệp.

Vượt xa nhiều mục tiêu đề ra

Ngày 31/5, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị tổng kết đoàn hỗ trợ thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (Dự án VnSAT). 

Theo Ban Quản lý các Dự án nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), qua gần 7 năm triển khai, Dự án VnSAT đã rà soát các đề án tái cơ cấu ngành và các tiểu ngành, kế hoạch chuyên đề, chính sách phục vụ tái cơ cấu, góp phần tăng cường năng lực thể chế hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu cho các cơ quan đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, các tỉnh tham gia Dự án, các đối tác và mạng lưới trong chuỗi giá trị.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá, Dự án VnSAT đã vượt qua nhiều khó khăn từ khi khởi động lẫn trong quá trình triển khai để 'về đích' ấn tượng. Ảnh: Trung Quân.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá, Dự án VnSAT đã vượt qua nhiều khó khăn từ khi khởi động lẫn trong quá trình triển khai để "về đích" ấn tượng. Ảnh: Trung Quân.

Người hưởng lợi từ quá trình triển khai Dự án và các chính sách này là 19.200 hợp tác xã (HTX) và liên hiệp HTX; 14.000 doanh nghiệp nông nghiệp và hơn 16 triệu hộ nông dân (chiếm 62,9% dân số cả nước).

Dự án đã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các huyện, xã, hộ nông dân tham gia tập huấn quy trình kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” “1 phải 5 giảm” trong sản xuất lúa với tổng số hơn 262.200 lượt người tham dự tại 8 tỉnh ĐBSCL. Tập huấn canh tác cà phê bền vững và tái canh cà phê cho tổng số hơn 84.400 lượt người tham dự, đào tạo chuyên đề cho 39.200 lượt người tham gia. Tại 5 tỉnh Tây Nguyên, có 81,85% nông dân đã áp dụng thành công kiến thức đã được đào tạo vào thực tế sản xuất.

Dự án đã hỗ trợ thành lập và củng cố hoạt động của các tổ chức nông dân. Cụ thể tại 8 tỉnh ĐBSCL, Dự án đã hỗ trợ 308 tổ chức nông dân, bao gồm 265 HTX và 43 tổ hợp tác (vượt xa so với mục tiêu dự án là 148 tổ hợp tác, HTX).

Tại 5 tỉnh Tây Nguyên, Dự án đã hỗ trợ 202 HTX, tổ hợp tác, bao gồm 93 HTX và 109 tổ hợp tác (vượt xa so với mục tiêu dự án là 162 HTX, tổ hợp tác). Bên cạnh đó, đã hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác xây dựng 75 nhà kho (hơn 51.200 m2), hơn 20.800 m2 nhà bao che máy sấy, hơn 34.000 m2 sân phơi cà phê, 27 máy sấy thóc, 58 máy sấy cà phê, 19 máy cuộn rơm, 12 máy cấy lúa. Những hỗ trợ của Dự án về trang thiết bị và hạ tầng đã được các tổ chức nông dân đưa vào hoạt động có hiệu quả.

Từ thực trạnh già cỗi, năng suất, chất lượng thấp, đến nay, Dự án VnSAT đã trẻ hóa, vực dậy bộ mặt mới cho vựa cà phê Tây Nguyên. Ảnh: Minh Hậu.

Từ thực trạnh già cỗi, năng suất, chất lượng thấp, đến nay, Dự án VnSAT đã trẻ hóa, vực dậy bộ mặt mới cho vựa cà phê Tây Nguyên. Ảnh: Minh Hậu.

Dự án đã hỗ trợ xây dựng và nâng cấp, đưa vào sử dụng 876 km đường giao thông nông thôn, 26 km kênh mương, 47 km đường điện kết nối cho 72 trạm bơm điện và 73 trạm biến áp. Các công trình đầu tư công này đã góp phần thay đổi cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các địa phương xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, hỗ trợ chứng nhận đạt chuẩn cho 51 vườn ươm giống cà phê; nâng cấp 32 vườn ươm giống cà phê (11 vườn ươm nhà nước và 21 vườm ươm tư nhân); triển khai 316 mô hình tưới tiết kiệm (trong đó có 110 mô hình tưới nhỏ giọt và 206 mô hình tưới phun mưa tại gốc).

Hợp phần tín dụng đã hoàn thành giải ngân 100% vốn tín dụng được phân bổ 105 triệu USD (tương đương 2.413,56 tỷ đồng). Đối với hợp phần C, có hơn 5.500 khoản vay của nông dân trồng và chăm sóc cà phê tái canh tại 5 tỉnh Tây Nguyên với tổng diện tích hơn 11.800 ha.

Những hoạt động về thúc đẩy, liên kết chuỗi, truyền thông, đặc biệt các hoạt động về chính sách an toàn (tái định cư, môi trường, giới, dân tộc thiểu số) cũng như các hoạt động tác nghiệp trong quản lý dự án như đấu thầu, quản lý tài chính, kiểm toán, đánh giá, giám sát, tuyển chọn và sử dụng tư vấn (cá nhân và hãng)… đã được thực hiện tốt, đạt yêu cầu đề ra.

Tăng lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng

Theo ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban Quản lý các Dự án nông nghiệp, Dự án VnSAT đã có tác động rất mạnh mẽ đến rà soát các chính sách và triển khai tái cơ cấu có hiệu quả ngành nông nghiệp. Cụ thể, có 14 đề án của ngành, 6 tiểu ngành và 7 tỉnh thí điểm được rà soát cùng với hàng loạt cơ chế chính sách được sửa đổi, bổ sung, giúp cho quá trình triển khai tái cơ cấu hiệu quả, đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Tại hội nghị tổng kết đoàn hỗ trợ thực hiện Dự án, các nhà tài trợ quốc tế đánh giá rất cao những hiệu quả và tác động mà Dự án VnSAT mang lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trung Quân.

Tại hội nghị tổng kết đoàn hỗ trợ thực hiện Dự án, các nhà tài trợ quốc tế đánh giá rất cao những hiệu quả và tác động mà Dự án VnSAT mang lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trung Quân.

Về tác động và hiệu quả của việc đào tạo tập huấn quy trình canh tác lúa tiên tiến ở ĐBSCL, nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật được đào tạo, lợi nhuận gia tăng trên mỗi ha trồng lúa của hộ tham gia Dự án ở vụ đông xuân 2021 - 2022 cao hơn trước khi tham gia Dự án là 7 triệu đồng/ha. Nếu tính suy rộng cho 175 nghìn ha lúa áp dụng đúng quy trình của Dự án, lợi nhuận gia tăng là 1.330 tỷ đồng.

Về tác động và hiệu quả của việc đào tạo tập huấn quy trình canh tác cà phê tiên tiến ở Tây Nguyên: Lợi nhuận gia tăng trên mỗi ha của hộ nông dân trồng cà phê tham gia Dự án ở niên vụ 2021 cao hơn trước khi tham gia Dự án 21,7% (tương đương 10,9 triệu đồng/ha), cao hơn hộ không tham gia Dự án là 19,1% (tương đương 9,7 triệu đồng/ha). Nếu tính suy rộng cho hơn 49.000 ha cà phê áp dụng đúng quy trình của Dự án, lợi nhuận gia tăng mỗi vụ là 476 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Dự án VnSAT còn có tác động tích cực đến việc xây dựng và nâng cấp các tổ hợp tác, HTX; hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho chế biến và sau thu hoạch, giúp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.

Trình độ canh tác lúa của nông dân ĐBSCL đã nâng lên một tầm cao mới nhờ những tác động toàn diện mà Dự án VnSAT mang lại. Ảnh: Đào Chánh. 

Trình độ canh tác lúa của nông dân ĐBSCL đã nâng lên một tầm cao mới nhờ những tác động toàn diện mà Dự án VnSAT mang lại. Ảnh: Đào Chánh. 

Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện) phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt được nâng cấp, tạo điều kiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tốt hơn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Liên kết giữa các vùng sản xuất, kết nối giao thông liên huyện, tỉnh đã tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Nguồn vốn tín dụng của Dự án được sử dụng hiệu quả cho tái canh cà phê và nâng cấp nhà máy chế biến lúa gạo, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi và xây dựng thương hiệu sản phẩm...

Duy trì, phát huy tối đa hiệu quả Dự án

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh bày tỏ sự vui mừng khi Dự án VnSAT đã vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

“Đây là lần đầu tiên lĩnh vực trồng trọt có một dự án ODA với số vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, ban quản lý dự án ở các địa phương còn non trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều. Hai đối tượng cây trồng được chọn thực hiện trong Dự án là lúa gạo và cà phê thời điểm triển khai Dự án đang có rất nhiều vấn đề.

Cây cà phê tái canh tới đâu thì tỷ lệ cây chết lại nâng cao tới đó, bởi lẽ đa phần diện tích đã già cỗi, trong khi lại tiến hành thâm canh cao, sử dụng nhiều phân bón, thuốc BVTV hóa học… Bên cạnh đó, đây là một Dự án phức tạp với rất nhiều hợp phần, loại hình khác nhau. Nhưng đến hiện tại, Dự án đã vượt qua khó khăn một cách đầy ấn tượng”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý, các địa phương, trên cơ sở những kết quả đạt được, cần tiếp tục nhân rộng, lan tỏa hiệu quả của của Dự án VnSAT. Ảnh: TQ.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý, các địa phương, trên cơ sở những kết quả đạt được, cần tiếp tục nhân rộng, lan tỏa hiệu quả của của Dự án VnSAT. Ảnh: TQ.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, thành công của Dự án còn nằm ở việc ngay từ khi bắt đầu Dự án, đã xây dựng, thiết kế đúng và trúng hướng đi. Trên cơ sở kế thừa những thành tựu mà ngành lúa gạo và cà phê đã đạt được, nội dung các hợp phần của Dự án đều được triển khai chính xác, sát thực tế, xây dựng khoa học theo các cấp độ từ thấp lên cao.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng lưu ý Ban Quản lý Dự án VnSAT, những số liệu thống kê được không chỉ dừng lại ở việc đưa vào các báo cáo mà phải phân tích, lý giải, rút bài học kinh nghiệm cho tất cả các đơn vị tham gia, cho từng ngành hàng, từng địa phương. 

Thời gian tới, quan điểm của Bộ NN-PTNT là tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả mà Dự án đã đạt được. Do đó, các cơ quan liên quan của Bộ NN-PTNT cần bám sát, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương những vấn đề còn thiếu kinh nghiệm.

Về phía các địa phương, ngoài việc giữ vững những thành quả đã có, cần chủ động phát triển, nhân rộng để lan tỏa hiệu quả của Dự án, hướng tới phát triển bền vững.

“Hiệu quả thực tế của Dự án đã được chứng minh, người dân đã có kinh nghiệm phong phú, thêm vào đó là hơn 100 hợp phần đầu tư, không có lý do gì các địa phương không tiếp tục duy trì, thực hiện tốt”. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh. 

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng lưu ý các địa phương: Đối với 2 ngành hàng cà phê và lúa gạo, hiện năng suất của 2 loại cây trồng này đã “đạt ngưỡng”. Do đó, dư địa để nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất chỉ còn cách nâng cao chất lượng và giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, phải giảm giống, bón phân cân đối, hợp lý, hiệu quả..., nhất là trong bối cảnh giá vật tư đầu vào đang tăng cao như hiện nay.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.