Trong bối cảnh giá xăng dầu trong và ngoài nước liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính đang phối hợp các cơ quan có liên quan nghiên cứu phương án về khả năng tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu để góp phần kịp thời kiềm chế lạm phát.
Theo đó, hiện Bộ Tài chính đang dự kiến đề xuất trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Trước đó, tại kỳ điều hành chiều 13/6, giá xăng dầu trong nước tiếp tục lập đỉnh mới, mức cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, mỗi lít xăng đã tăng 800 - 880 đồng/lít, trong khi dầu tăng hơn 2.000 đồng.
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng bán lẻ trong nước tăng mạnh: xăng E5 RON 92 là 31.110 đồng một lít; RON 95 vượt 32.000 đồng, lên mức 32.370 đồng một lít.
Tương tự, các mặt hàng dầu (dầu hoả, dầu diesel) ở kỳ điều chỉnh hôm nay cũng tăng khá mạnh, trên 2.000 đồng/lít. Trong đó, dầu hoả đắt thêm 2.490 đồng, lên mức giá 27.830 đồng /lít. Dầu diesel cũng tăng 2.630 đồng, lên 29.020 đồng /lít. Riêng dầu mazut giảm 550 đồng/lít, còn 20.350 đồng.
Thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao đã tác động rất lớn đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, nguy cơ lạm phát tăng cao. Do đó, thời gian qua, rất nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, người dân đề xuất Chính phủ nên có các giải pháp để kiềm chế giá xăng dầu như giảm thuế, phí với xăng dầu: giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trước đó, ngày 23/3, tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12 để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ với người dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trong nước, kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.