| Hotline: 0983.970.780

Đủ thứ lo trong mùa dịch

Thứ Hai 23/03/2020 , 13:59 (GMT+7)

Mẹ tôi đổ bệnh suy sụp, bố tôi đã yếu mà mẹ như thế, bảo sao chúng tôi không lo sốt vó với đại dịch Covid này hở chị? Làm sao đây chị?

Chị kính mến!

Mẹ tôi sinh được bốn người con, ba gái một trai. Thời ấy mà dám sinh bốn đứa, chứng tỏ hai ông bà rất khát con trai. Và em út của tôi là em trai, tôi áp út.

Những tưởng đã là chị em gái, một buồng trứng từ mẹ, thì sẽ giống nhau, như mặt mũi hao hao nhau. Không ngờ khác tính lắm chị ạ, có người còn trái tính nhau như chị cả và chị thứ, trên tôi. Khắc nhau từ nhỏ, lớn lên, mỗi người một nơi, gia đình riêng và số phận càng khác.

Mẹ tôi nay đã già, nhưng còn khỏe mạnh, chỉ có bố là yếu. Bà như cục nam châm, hút chúng tôi về hướng đó. Thì hút vậy thôi, ngày giỗ nội, ngày thanh minh, ngày Tết, rồi tỏa đi, mạnh ai nấy chèo chồng cái gánh của mình. May là bố mẹ ở quê, có vườn có đất, hai ông bà sống thanh cảnh, qua ngày, bây giờ gọi là điền viên, chúng tôi còn không dám mơ cảnh ấy.

Người chị thứ sau chị cả, hay làm những việc động trời từ nhỏ. Vay nợ, buôn đường dài, mất, lại vay, buôn bất động sản, có lúc lên như diều, lại mất.

Hai đứa con, con gái đầu tạm chấp nhận được cách sống của nó, nghĩa là cũng giống mẹ nhưng giống vừa phải, làm ăn cò con, vừa phải, có lên bờ cũng không dám vác mặt khinh người, có xuống ruộng cũng không tuyệt vọng. Duy đứa em trai của nó thì bố mẹ nuông chiều, phá gia chi tử.

Rồi chị tôi góa. Không biết nợ nần bủa vây bao giờ, anh rể vừa nằm xuống thì chị đã phải bán nhà, mua cái nhỏ hơn. Rồi đứa con trai ăn không ngồi rồi, cắm nợ khắp quán xá chung quanh, cầm cố xe máy này đến xe máy kia. Rồi lại bán nhà nhỏ ấy, dời đi ngoại vi, tuềnh toàng, hiu quạnh.

Mới đây, nghe con gái chị điện cho các dì bảo mẹ đã bán chỗ đó, người ta xiết nhà thì đúng hơn. Thôi rồi, thành vô gia cư. Tôi và chị cả với em trai út nói mẹ cứ để yên, mẹ không cứu giúp gì cả, vì cái thằng phá gia ấy còn sống là còn phá, miệng ăn núi lở.

Mẹ tôi đổ bệnh suy sụp, bố tôi đã yếu mà mẹ như thế, bảo sao chúng tôi không lo sốt vó với đại dịch Covid này hở chị? Làm sao đây chị?

--------------------

Em thân mến!

Chị và em, chị em gái với nhau, thông thường giống ở ngoại hình. Tính tình là sự di truyền bí ẩn của tạo hóa, trộn lẫn các loại gene, gọi là gene trội và cả gene lặn nữa. Không biết đường nào mà lần. Thường sát nhau thì hay ngược tính, gọi là nghịch hay là khắc tính cũng được.

Và khi chị em lớn lên, kỷ niệm xa mờ dần với bước chân rời xa vườn nhà, cha với mẹ. Khi ấy, cộng với sự học, sự trải nghiệm, sự trưởng thành và người bạn mình hôn phối, nó sẽ cho ra từng số phận khác, cho nét khác nhau của những gia đình nhỏ.

Người khôn sẽ gặp được chồng lành, người cần kiệm sẽ cho cuộc sống đạm bạc, hứa hẹn tốt tươi, và những đứa con hiếu thảo. Bằng không thì ngược lại.

Thật choáng váng nếu tôi nghe một bà chị của tôi bỗng dưng không còn chỗ dung thân. Nhưng có gieo thì có gặt. Đứa con trai ăn không ngồi rồi phá gia chi tử thì tuổi già của cha mẹ nó sẽ như thế nào, chịu khó hình dung sẽ có thể biết được, tiên đoán được.

Làm sao nó biến mất? Không cách nào trừ khi nó tự biến mất. Không ai có thể cứu kịp một con người nếu gã đó cứ hất đổ mọi thứ, cầm bằng như tẩm xăng mà đốt hết thảy vậy.

Hãy chăm sóc bố mẹ và tặc lưỡi, đời có số. Bà chị ấy còn con gái, để nó lo đi. Và người thân chỉ có thể cưu mang khi chị ấy một mình một chỗ, có thể đưa chị ta về chỗ bố mẹ để chị ấy có một nơi. Còn gã trai hư, kệ nó.

Nhưng chuyện ấy còn tùy vào sĩ diện của chị gái em, chị ấy chắc gì đã thích làm gánh nặng cho bố mẹ và các em, sĩ diện to đùng ấy mà. Nói chung, kệ đi, các em, chị cả, em và em trai lo tốt cho bố mẹ bình an trước đại dịch đi đã, nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.