| Hotline: 0983.970.780

Đưa biển... vào bờ

Thứ Năm 31/08/2017 , 15:30 (GMT+7)

Thay vì ra sức ngăn mặn, giữ ngọt, nhiều địa phương ven biển đã “mở cửa” dẫn nước biển vào nội đồng để biến thành vùng mặn lợ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Đây không chỉ là bài toán sinh kế mà còn được xem là hành động thông minh.

Mở rộng vùng mặn lợ

Kiên Giang nằm trải mình bên bờ vịnh Thái Lan, sở hữu vùng biển rộng tới hơn 63.000km2 (gấp khoảng 10 lần diện tích tự nhiên đất liền), với trên 140 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó có 43 đảo có dân cư sinh sống. Bờ biển dài hơn 200km, trải dài từ Mũi Nai (thị xã Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (huyện An Minh, tiếp giáp với tỉnh Cà Mau).

15-59-06_3_pht_trien_nghe_nuoi_tom_nuoc_lo_ven_bien_duoc_cho_l_lu_chon_thong_minh_truoc_thch_thuc_do_bien_doi_khi_hu_lm_nuoc_bien_dng
Phát triển nghề nuôi tôm nước lợ ven biển được cho là lựa chọn thông minh trước thách thức do biến đổi khí hậu làm nước biển dâng

Ngoài khai thác, đánh bắt hải sản từ biển khơi, nuôi trồng thủy sản (NTTS) ven biển ngày càng khẳng định vị thế của mình khi nguồn lợi tự nhiên đang dần cạn kiệt. Các đối tượng thủy hải sản nuôi mặn lợ hiện nay rất phong phú, cho giá trị kinh tế cao như tôm, cá, cua, sò... Trong 4 tiểu vùng sinh thái của tỉnh Kiên Giang thì Tứ giác Long Xuyên (TGLX) và U Minh Thượng (UMT) được xác định nghề NTTS là một trong những ngành kinh tế chủ lực và là mũi nhọn để đột phá. Bên cạnh nuôi ven biển thì nuôi trong đất liền ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, việc dẫn nước biển “nhập điền” để mở rộng vùng nuôi mặn lợ là lựa chọn tất yếu.

Khoảng đầu những năm 2000, tỉnh Kiên Giang đã có quyết định đúng đắn khi chuyển đổi phần lớn diện tích vùng UMT từ canh tác lúa - cá nước ngọt sang mô hình lúa - tôm nước lợ. Việc chuyển đổi này đã tạo sự bứt phá mạnh mẽ cho cả vùng. Luân canh vụ lúa, vụ tôm sú nước lợ đã mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với độc canh cây lúa và khai thác cá nước ngọt tự từ nhiên.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh 8 tháng đầu năm đã đạt gần 116.000ha, vượt 3.000ha so với kế hoạch cả năm. Trong đó, riêng nuôi theo mô hình lúa - tôm nước lợ đã đạt hơn 89.000ha. Nhiều địa phương thuộc vùng UMT hiện diện tích thả nuôi đạt khá cao như huyện An Minh (gần 48.000ha), An Biên (21.000ha), Vĩnh Thuận (trên 19.000ha), U Minh Thượng (hơn 8.000ha).

Còn tại vùng TGLX, ngoài được quy hoạch là “mỏ tôm công nghiệp” của tỉnh, tập trung tại các huyện Kiên Lương, Giang Thành, thị xã Hà Tiên với diện tích lên đến cả ngàn ha thì nơi đây đang được tiếp tục mở rộng thêm nuôi tôm quảng canh. Nếu như trước đây, khi chương trình khai phá vùng TGLX của Chính phủ được thực hiện, mục tiêu ưu tiên chính là ngọt hóa được càng nhiều càng tốt. Vì vậy, các cống thoát lũ, ngăn mặn, giữ ngọt trên tuyến đê biển Tây đã được đưa ra sát biển. Thế nhưng, quan điểm đó hiện nay đã khác, khi mà nghề canh tác lúa ngày càng bấp bênh, nhất là ở những khu vực bất lợi về nguồn nước ngọt như ven biển. Các cống ngăn mặn một chiều được vận hành bằng áp lực thủy triều cũng không còn phù hợp với yêu cầu thủy lợi đa mục tiêu hiện nay.

“Tôm nước lợ được xác định là vật nuôi có thế mạnh của tỉnh, mang lại giá trị gia tăng cao. Hơn nữa thách thức do biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, buộc chúng ta phải chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng, trong đó nghề nuôi tôm ven biển là lựa chọn phù hợp nhất”, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.

Trong Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, cũng như đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đều đã chuyển đổi quy hoạch toàn bộ diện tích đất lúa từ quốc lộ 80 ra biển, thuộc huyện Hòn Đất và Kiên Lương, sang mô hình lúa - tôm.

Ông Cao Minh Trung, Phó trưởng phòng NN-PTNT Hòn Đất cho biết, toàn huyện có 7 xã ven biển, với tuyến đê biển dài 49km. Trên tuyến đê này có 47 cống đã được xây dựng, gồm 21 cống thoát lũ ra biển Tây, 16 cống thuộc dự án NTTS Vàm Răng - Ba Hòn. Theo quy hoạch của tỉnh, toàn bộ diện tích này khi chuyển đổi sẽ mở rộng thêm hơn 20.000ha mặn lợ, phục vụ nuôi trồng.

“Trước mắt, các xã đang chuyển đổi 3.950ha sang nuôi tôm nước lợ, trong đó có 400ha nuôi thâm canh công nghiệp, còn lại là lúa - tôm. Những tháng đầu năm, nông dân đã thả nuôi được 2.377ha tôm, gồm tôm - lúa, quảng canh cải tiến và nuôi ghép tôm, cua. Kết quả chuyển đổi cho thấy hiệu quả của mô hình mặn lợ cao hơn hẳn so với chuyên lúa”, ông Trung khẳng định.
 

Bài toán sinh kế thông minh

Dỡ chiếc lú với đầy tôm sú búng kêu “phạch, phạch” cho mọi người xem, anh nông dân Nguyễn Hoàng Minh, ở ấp Bảy Chợ, xã Đông Thái, An Biên, Kiên Giang, tươi cười nói: “Tui và mọi người ở đây mới chuyển qua mô hình lúa - tôm được 1, 2 vụ, do mới được quy hoạch đưa nước biển vào. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế đã tăng lên rõ rệt, vì mỗi kg tôm nguyên liệu có giá trên 200 ngàn đồng. Mỗi ha thu 250 - 300kg tôm là lợi nhuận cao gấp gần chục lần so với trồng lúa”.

15-59-06_4_cong_ngn_mn_mot_chieu_vn_hnh_bng_p_luc_thuy_trieu_cung_khong_con_phu_hop_voi_yeu_cu_thuy_loi_d_muc_tieu_hien_ny
Cống ngăn mặn một chiều, vận hành bằng áp lực thủy triều cũng không còn phù hợp với yêu cầu thủy lợi đa mục tiêu hiện nay

Là nông dân xưa nay chuyên trồng lúa, để có vụ tôm thắng lợi ngay từ lần đầu chuyển đổi, anh Minh đã tìm đến những nông dân thành công từ mô hình lúa - tôm ở các vùng lân cận để học hỏi kinh nghiệm, thiết kế vuông tôm theo đúng kỹ thuật. Anh Minh cũng như những hộ dân trong vùng mới chuyển đổi kiến nghị: “Ngành nông nghiệp cần đầu tư múc mở rộng thêm kênh thủy lợi để dẫn nước biển vào được thuận lợi”.

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Điền, xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Tôm - Cua - Lúa Thạnh An, xã Đông Thạnh, An Minh, Kiên Giang, chỉ với diện tích 1ha, nhưng qua mấy tháng thả nuôi xen tôm sú, cua biển đã thu được hơn 50 triệu đồng. Hiện anh vẫn đang tiếp tục thu hoạch dứt điểm tôm, cua trước khi chuyển sang lấp lại vụ lúa.

Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm khẳng định, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, xác định thủy sản là thế mạnh của địa phương. Mục tiêu phấn đấu đến 2020, giá trị sản xuất thủy sản chiếm 48,4% cơ cấu ngành. Sản lượng khai thác và NTTS đạt trên 755 ngàn tấn, riêng tôm nuôi đạt 80.000 tấn. Đến năm 2030, lĩnh vực thủy sản sẽ chiếm 58,4% cơ cấu giá trị toàn ngành. Khai thác và NTTS đạt sản lượng 800.000 - 840.000 tấn, riêng tôm nuôi nước lợ đạt từ 90.000 - 100.000 tấn.

Trong đề án tái cơ cấu ngành, tỉnh Kiên Giang xác định thủy hải sản là hàng hóa nông nghiệp chủ lực. Vì vậy, cần đẩy mạnh khai thác xa bờ và tăng tổng diện tích thả nuôi. Trong đó, xác định vùng nuôi tôm nước lợ gồm UMT và TGLX, với các loại hình nuôi đa dạng như nuôi thâm canh, bán thâm canh (phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 5.000ha); quảng canh cải tiến (14.500ha), lúa - tôm (80.000ha). Nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa được xác định là mô hình mới, cho hiệu quả kinh tế khá tốt, không gây bất lợi về mặt sinh thái cho hệ thống canh tác nên phấn đấu mở rộng diện tích đạt khoảng 5.050ha. Nuôi nhuyễn thể với các đối tượng có giá trị kinh tế cao như sò huyết, hến biển, ốc hương, vẹm xanh... Nuôi cua biển chuyên canh hoặc kết hợp với tôm trên ruộng lúa khoảng 60.000ha. Nuôi cá lồng, vèo tại các khu vực ven biển, ven đảo, trong ao đất... đến năm 2020 đạt 3.000 lồng.

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm