| Hotline: 0983.970.780

Đua bò ở Bảy Núi

Thứ Sáu 12/06/2020 , 08:35 (GMT+7)

Đôi bò chạy sau nếu không vượt qua được đôi bò trước thì chỉ cần đạp lên xe của đôi bò trước là thắng cuộc.

Lễ hội Đua bò Bảy Núi chính thức tổ chức từ năm 1992. Ảnh: Trịnh Bửu Hoài.

Lễ hội Đua bò Bảy Núi chính thức tổ chức từ năm 1992. Ảnh: Trịnh Bửu Hoài.

Mỗi khi gặp bạn bè Hà Nội hoặc Sài Gòn thì tôi luôn bị (hay được?) họ hỏi thăm về chuyện đua bò ở Bảy Núi.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Châu Đốc - An Giang mà không lẽ chẳng biết gì để kể cho họ nghe. Thế nhưng, muốn hiểu vì sao ở vùng Bảy Núi lại có đua bò thì không đơn giản.

Thất Sơn - Bảy Núi thực ra không chỉ có bảy ngọn núi theo truyền tụng là Thiên Cấm Sơn (núi Cấm), Ngoạ Long Sơn (núi Dài), Ngũ Hồ Sơn (núi Dài Năm Giếng), Anh Vũ Sơn (núi Kéc), Liên Hoa Sơn (núi Tượng), Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô), Thủy Đài Sơn (núi Nước) mà còn hàng chục ngọn núi hoành tráng khác cũng sừng sững bên trời không kém như Trà Sư, Bà Đội Om, Tà Bạ, Nam Di, Phú Cường… Thất Sơn nằm trải dài trên hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang. 

Người Khmer Bảy Núi sống theo phum sóc quanh chân núi. Có nơi sống xen kẻ với người Kinh. Hầu hết người Khmer đều làm ruộng và bò là động vật cày kéo nên được nuôi nấng, chăm sóc rất kỹ.

Tập quán của người Khmer trong sản xuất nông nghiệp là vần đổi công. Tới mùa vụ, những đôi bò trong xóm tập trung cày, bừa cho đất của nhà nầy xong kéo sang đất của nhà khác nên rất đông vui và có cảm giác công việc hoàn thành nhanh hơn.

Trong bối cảnh nhộn nhịp ấy, có những chiều bừa ruộng xong sớm, một số chủ bò cao hứng rủ nhau bắt cặp đua chơi.

Để chứng tỏ đôi bò của mình khoẻ, ai cũng muốn giành chiến thắng. Nhưng khi vào đua rồi mới biết, bò khỏe chưa đủ, còn tài nghệ của người điều khiển sao cho đôi bò nhịp nhàng tăng tốc.

Đua chơi nhưng từ từ trở thành một môn nghệ thuật hấp dẫn và không bao lâu sau lan rộng ra các phum sóc khác.

Rồi đôi bò vô địch phum sóc này không còn đối thủ, phải thi đấu với những đôi bò của phum sóc lân cận. Đó là vào mùa mưa cày bừa để gieo cấy, đua trên ruộng nước xâm xấp.

Đến khi lúa chín, vào mùa gặt, dùng bò kéo xe chở lúa họ cũng rủ đua. Đua bò kéo xe phải chạy trên đường làng. Mới đầu chỉ có vài đôi ngẫu hứng đua chơi, dần dần phổ biến ngày càng đông nên kéo xe bánh lớn bất tiện, người ta đổi xe bánh nhỏ chở một hai người ngồi vì đường làng chật hẹp.

Đôi bò chạy sau nếu không vượt qua được đôi bò trước thì chỉ cần đạp lên xe của đôi bò trước là thắng cuộc. Có con lỡ đà té nhào vào thùng xe của đôi trước làm cả hai xe bị lật xuống ruộng.

Hình thức đua này khá nguy hiểm nên không được duy trì. Người ta thích đua bò kéo bừa trên ruộng nước hoặc trên đường cát, an toàn hơn.

Chính quyền Tịnh Biên và Tri Tôn nhận thấy đua bò là một hoạt động văn hoá thể thao độc đáo của người dân tộc Khmer đã đứng ra liên kết tổ chức thành Lễ hội đua bò truyền thống hằng năm để đồng bào dân tộc được vui chơi, thưởng ngoạn và rèn luyện thể lực, thi đua chọn bò khoẻ, bò hay phục vụ nền sản xuất nông nghiệp năng suất cao. Lễ hội được hai huyện luân phiên nhau tổ chức, trao giải thưởng.

Sân đua bò là một thửa ruộng hình chữ nhật xâm xấp nước, dài từ 150 đến 160 mét, ngang từ 70 đến 80 mét, chung quanh có đê cao một mét bao bọc cũng là nơi để khán giả đứng xem và cổ vũ. Cuối sân có một cửa trống để bò đến đích có lối thoát ra ngoài.

Khoảng 7 giờ 30 phút sáng, các đôi bò mang bừa có gắn mã số cùng với người điều khiển gọi là tài xế tập trung trước khán đài làm lễ khai mạc, sau đó có 20 phút cho các đôi bò đi tác (khởi động).

Tài xế tuổi từ 20 đến 50, sức khoẻ tốt và có kinh nghiệm điều khiển bò. Tài xế đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành bại vì luật đua qui định các đôi bò đều chạy hai vòng hô (chạy chậm), sau đó chuyển sang vòng thả (chạy nhanh) trên đoạn đường quyết định 100 mét (hoặc 120 mét tuỳ theo sân). Đôi nào vượt lên về đích trước sẽ thắng cuộc, với điều kiện không chạy ra khỏi đường đua rộng 8 mét.

Trường hợp vào vòng thả, cách điểm xuất phát 30 mét (có sân qui định 20 mét) trở lên nếu đôi sau đạp lên cây bừa của đôi trước là được công nhận thắng cuộc không cần phải đến đích.

Vòng thả rất sôi nổi và hào hứng, hai đôi bò vùng lên chạy quyết liệt, nước bắn tung toé trong sự cổ vũ của khoảng 20 ngàn khán giả trên sân.

Tài xế phải gan dạ, bình tĩnh, khéo léo chích gậy cho bò chạy hết tốc độ mà không phạm luật, tức là không lệch ra ngoài đường đua và mình vẫn đứng vững trên thanh bừa.

Nhiều trường hợp khi bò phi nước đại tài xế bị té rớt xuống đường đua rất dễ bị đôi sau dẫm đạp lên hết sức nguy hiểm.

Nhưng từ trước đến nay chưa có tài xế nào té bị trọng thương, dường như phản xạ của bò cũng rất nhanh, khi thấy người té là nhảy tránh ngay.

Tôi từng gặp lão nông Nguyễn Văn Tấn ở ấp Tà Lọt, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên là người có đôi bò 4 lần vô địch Lễ hội đua bò Bảy Núi. Bằng kinh nghiệm, lão nông Nguyễn Văn Tấn cho biết cách lựa bò chạy nhanh, dẻo dai là những con mình gân, chân cao, dáng dỏng dảnh.

Cách điều khiển cũng được ông tập luyện thuần thục để giữa bò và người hiểu ý nhau lúc nào chạy chậm, lúc nào vọt nhanh, lúc nào đạp bừa đôi trước, cách bám đường đua và nghệ thuật chặt cua vẫn giữ tốc độ mà không bị tạt ra ngoài.

Lão nông Nguyễn Văn Tấn chia sẻ thêm, chăm sóc bò đua cực khổ lắm. Trước khi đua một tháng phải tập dượt liên tục. Mặc dù khi đôi bò đua thắng cuộc, thì giá cao gấp đôi, nhưng cũng chẳng ai muốn bán.

Có điều mà cả lão nông Nguyễn Văn Tấn và tôi đều băn khoăn là cách gọi tên người điều khiển bò. Gọi là tài xế vì ngày xưa người ta đua bò kéo xe, bây giờ đua bò kéo bừa mà vẫn gọi là tài xế, thì không ổn. Nhưng gọi là gì cho đúng hơn? Xin những ai mê đua bò góp ý…

Xem thêm
Ninh Dương Lan Ngọc rời Việt Nam sang Úc du học

Ninh Dương Lan Ngọc xác nhận với Tiền Phong thông tin nữ diễn viên du học Australia trong vài ngày tới. Cô sẽ trở lại Việt Nam sau hai tháng nữa.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất