| Hotline: 0983.970.780

Đưa công nghệ giúp nuôi tôm bền vững vùng duyên hải miền Trung

Thứ Hai 24/07/2023 , 16:51 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Các công nghệ mới cho phép nuôi tôm ở các tỉnh duyên hải miền Trung ngày càng giảm được rủi ro, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận...

Trong 2 ngày 23 - 24/7, tại TP Đồng Hới (Quảng Bình), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) phối hợp với Sở NN-PTNT Quảng Bình tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Ứng dụng các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi tôm tại một số tỉnh vùng duyên hải miền Trung”.

Tham dự diễn đàn có lãnh đạo Trung tâm KNQG, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), Sở NN-PTNT Quảng Bình, các chi cục thủy sản, trung tâm khuyến nông - khuyến ngư các tỉnh Bắc Trung bộ và các tổ chức, cá nhân nuôi tôm ở một số địa phương.

Hồ nuôi tôm áp dụng công nghệ Grofarm tại xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Ảnh: Tâm Phùng.

Hồ nuôi tôm áp dụng công nghệ Grofarm tại xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Ảnh: Tâm Phùng.

Những năm qua, ngành tôm Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức để trở thành ngành hàng mũi nhọn có đóng góp quan trọng trong nền nông nghiệp và kinh tế của đất nước. Kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta trong năm 2022 lập kỷ lục, đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021. Năm 2023, nước ta đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 4,3 tỷ USD.

Thông qua một số đề án, chương trình, hiện nay, Trung tâm KNQG đã và đang triển khai các dự án nuôi tôm như: Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nuôi tôm tuần hoàn, nuôi tôm xen ghép, nuôi theo hướng hữu cơ, VietGAP... Qua đó hỗ trợ người nuôi tôm tiến đến sản xuất bền vững, có hiệu quả cao.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã được nghe các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trình bày một số tham luận về thực trạng, giải pháp, định hướng phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam nói chung, các tỉnh duyên hải miền Trung nói riêng. Trong đó, giới thiệu nhiều mô hình nuôi được hỗ trợ và triển khai có hiệu quả, theo hướng bảo vệ môi trường, giảm phát thải CO2 trong nuôi tôm; những khó khăn, thuận lợi trong công tác tư vấn và đánh giá cấp giấy chứng nhận VietGAP cho mô hình nuôi tôm nước lợ…

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát áp dụng công nghệ Grofarm. Ảnh: Tâm Phùng.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát áp dụng công nghệ Grofarm. Ảnh: Tâm Phùng.

Diễn đàn cũng dành phần lớn thời gian để cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, các tổ chức, doanh nghiệp và người nuôi tôm trao đổi, thảo luận để ứng dụng giải pháp, tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi tôm tại một số tỉnh vùng duyên hải miền Trung một cách hiệu quả…

Theo ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm KNQG, diễn đàn có ý nghĩa quan trọng trong việc đề xuất, tìm giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nghề nuôi tôm tại các tỉnh miền Trung thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, góp phần nâng cao sản lượng, giá trị và phát triển bền vững.

Đây cũng là cơ hội để giúp người nuôi tôm nâng cao nhận thức, kiến thức, cập nhật thường xuyên thông tin mới về tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất giống và nuôi tôm nước lợ.

Tại diễn đàn, các đại biểu đánh giá Trung tâm KNQG thực sự đã trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở sản xuất, người nuôi tôm trong việc cung cấp các giải pháp công nghệ. Trong đó, tiêu biểu như đã phối hợp với Công ty Grobest Việt Nam triển khai, lựa chọn các giải pháp công nghệ tốt nhất chuyển giao cho các hộ nuôi tôm tại các tỉnh ven biển trên cả nước.

Theo ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Quảng Bình, người nuôi tôm của tỉnh Quảng Bình cũng đã chủ động học hỏi và áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm như nuôi lót bạt, nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn, nuôi tôm công nghệ cao... góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị của con tôm.

Năm 2022, tỉnh Quảng Bình thực hiện thả nuôi 1.480ha tôm nước lợ, sản lượng thu hoạch đạt gần 4.200 tấn. Kế hoạch năm 2023, Quảng Bình thả nuôi gần 1.500ha, trong đó diện tích tôm thẻ chân trắng trên 1.200ha, tôm sú trên 280ha.

Kiểm tra chất lượng tôm nuôi sau khi thả giống được 2 tháng. Ảnh: Tâm Phùng.

Kiểm tra chất lượng tôm nuôi sau khi thả giống được 2 tháng. Ảnh: Tâm Phùng.

"Tỉnh Quảng Bình cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động người nuôi tôm tập trung xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ cộng đồng nhằm nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hướng dẫn cơ sở nuôi tôm áp dụng quy trình sản xuất hiệu quả như quy trình nuôi tôm hạn chế hóa chất, quy trình nuôi 2 - 3 giai đoạn, thả giống cỡ lớn, nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi nhằm giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, có truy xuất nguồn gốc...", ông Lợi nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại trang trại của anh Trần Anh Đức, xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình).

Công nghệ Mobile Lab của Công ty Grobest Việt Nam hỗ trợ người nuôi tôm, giúp phát hiện, chẩn đoán bệnh qua kinh hiển vi. Ảnh: Tâm Phùng.

Công nghệ Mobile Lab của Công ty Grobest Việt Nam hỗ trợ người nuôi tôm, giúp phát hiện, chẩn đoán bệnh qua kinh hiển vi. Ảnh: Tâm Phùng.

Trang trại nuôi tôm của anh Đức gồm có hệ thống 7 hồ nuôi (mỗi hồ có diện tích từ 2.500m2 đến 3.500m2). Nhờ áp dụng công nghệ mới nên thời gian gần đây hiệu quả hồ nuôi rất cao. Anh Đức cho biết, quá trình nuôi tôm được áp dụng công nghệ mới do Công ty Grobest Việt Nam hỗ trợ từ khâu xử lý nguồn nước, lựa chọn con giống, thức ăn và phòng chống bệnh bằng các phương pháp soi kính hiển vi… nên tỷ lệ thành công đạt rất cao.

“5 vụ tôm liên tiếp, tôi đạt năng suất trên 40 tấn/ha/năm. Sau khi trừ các chi phí, cho lãi mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng. Áp dụng công nghệ nuôi mới này giúp chúng tôi rất an tâm trong sản xuất”, ông Đức nói.

Tại tỉnh Quảng Bình, nghề nuôi tôm được xem là chủ lực trong phát triển nuôi trồng thủy sản với các vùng nuôi tôm tập trung thâm canh, nuôi công nghệ cao tại xã Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy), xã Trung Trạch, Đại Trạch (huyện Bố Trạch), Hải Ninh (huyện Quảng Ninh); nuôi thâm canh và bán thâm canh tại phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn), xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch), xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh)...

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.