| Hotline: 0983.970.780

Cây Mắc ca - “hoàng hậu của quả khô”

Thứ Sáu 15/08/2008 , 08:00 (GMT+7)

Theo nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, thì Mắc ca là một trong những cây nông nghiệp trẻ nhất trong lịch sử phát triển cây nông nghiệp của loài người, nó được các nhà thực vật phát hiện tại Australia vào năm 1857 và trồng thành công năm 1858, cho đến nay mới tròn 150 năm.

Đây là một loại cây quả khô quý hiếm, bộ phận ăn được của trái Mắc ca là nhân, có hàm lượng dầu tới 78%, cao hơn hẳn lạc nhân, hạnh nhân, hạnh đào. Trong dầu của Mắc ca có trên 87% là axit béo không no, trong đó có nhiều loại mà cơ thể con người không tự tổng hợp được, khi ăn vào giảm được cholesteron, có tác dụng phòng trị xơ cứng động mạch. Hàm lượng protein trong nhân có tới 9,2% gồm 20 loại axit amin, trong đó có 8 loại axit amin thiết yếu cho cơ thể người.

Ngoài ra trong nhân Mắc ca còn chứa nhiều đường bột, chất khoáng, nhiều loại vi ta min. Danh hiệu “hoàng hậu của quả khô” được người đời tặng cho Mắc ca là vì những đặc tính quý báu đó. Nhân Mắc ca sau khi chiên ăn rất ngậy, bùi, có hương vị của bơ, là một loại thực phẩm cao cấp ngon, bổ, giàu chất béo, giàu nhiệt năng, dùng để chế biến nhân bánh, sôcôla, nước uống, dầu salat, ngoài ra còn có thể làm dầu dưỡng da, dầu dược liệu…

Đến thập kỷ 90 của thế kỷ XX, cây Mắc ca đã phát triển rất nhanh trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên cho đến năm 2006 sản lượng hạt Mắc ca toàn thế giới mới chỉ đạt 12 vạn tấn, tương đương khoảng 3 vạn tấn nhân/năm, trong khi nhu cầu về loại thực phẩm này vô cùng lớn. Tại Việt Nam, từ năm 1994 chúng ta đã đưa một số cây vào trồng thử nghiệm ở Ba Vì, Đắc Lắc, Sơn La, Phú Thọ, đến nay đã cho quả. Năm 2002 tiếp tục nhập 10.000 cây từ Trung Quốc vào trồng thử ở Con Cuông (Nghệ An), Hà Tây cũ, Sơn La, Điện Biên. Năm 2003 Australia tặng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn của ta 500 kg hạt và 100 cây giống. Số hạt và giống này đã được trồng thử nghiệm tại Ba Vì.

Ngày 12/8/2008, tại Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội), Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia và Cty Cổ phần XNK nông lâm sản chế biến đã phối hợp tổ chức hội thảo “Thực trạng và triển vọng phát triển cây Mắc ca ở Việt Nam”, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và chuyên gia. Hội thảo đã làm rõ được nhiều vấn đề về triển vọng đưa loại cây quý, có giá trị kinh tế cao này thành một thế mạnh xuất khẩu.

Hiện tại tiềm năng của thị trường Mắc ca vô cùng lớn, như đã nói toàn thế giới mới chỉ sản xuất đượt khoảng 12 vạn tấn/năm, trong khi nhu cầu thì cao gấp 4-5 lần, và giá vẫn tăng liên tục. Với giá bán khoảng 25 USD/kg nhân, mỗi ha Mắc ca khi định hình có thể cho thu nhập 20.000 USD/năm và càng về sau, giá trị càng cao hơn nữa. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản. Để đạt mục tiêu trên, còn phải giải quyết hàng loạt nan đề. Mắc ca là loại cây quả lạ. Vùng sinh thái phù hợp để trồng cây này rất hạn hẹp. Yêu cầu của nó về môi trường sinh thái như nhiệt độ không khí, lượng mưa, gió, thổ nhưỡng… rất khắt khe, đòi hỏi kỹ thuật cao, đầu tư lớn.

Các nhà chọn giống cho biết, qua theo dõi 6-7 năm trồng ở Việt Nam, trong 57 giống Mắc ca được nhập nội, có những giống như 816, 842, 849, 695, 788, 900, OC, 741 được đánh giá là tốt nhất. Tuy nhiên theo tiêu chuẩn chọn giống của nhiều nước, thì một giống Mắc ca tốt trong tương lai phải có năng suất cao (trên 5 tấn hạt/ha/năm), đặc biệt là phải có tỷ lệ thu hồi nhân cao (trên 40%), chất lượng tốt, bắt đầu cho thu hoạch sau 3-4 năm trồng, năm thứ 10 năng suất đạt 5 tấn hạt/ha/năm và từ năm thứ 14-15 trở đi, năng suất phải cao hơn nữa, có khả năng đạt 15 tấn hạt/ha/năm.

Với tiêu chuẩn ấy, thì việc để có một bộ giống Mắc ca tốt ở ta vẫn còn là chuyện đường dài. Nhiều nhà khoa học và chuyên gia cũng cảnh báo về những thất bại có thể gặp khi trồng Mắc ca qua bài học của Trung Quốc do trồng tràn lan, chạy theo số lượng. Vì vậy, phải phát triển từng bước, thận trọng theo hướng thâm canh cao, thâm canh toàn diện, mở rộng dần, làm đến đâu tốt đến đấy…

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.