| Hotline: 0983.970.780

Đua nhau hái 'lộc rừng' kiếm tiền triệu mỗi ngày

Thứ Ba 23/07/2019 , 10:57 (GMT+7)

Nếu may mắn, một người đi rừng có thể kiếm được cả triệu đồng nhờ săn nấm linh chi đen hay chổi tre. Đi rừng không chỉ là thú vui mà còn trở thành nghề của nhiều người dân ở các huyện Lộc Bình, Cao Lộc (Lạng Sơn).

Vào mùa khô, nhiều người dân lại rủ nhau vào rừng săn sản vật. Với những gia đình quanh năm sống bằng nghề này, bất cứ thứ gì của rừng cũng đều có giá trị, nhưng mang lại một cuộc sống đủ đầy nhất phải kể đến nấm linh chi đen và chổi tre, những loài cây mọc tự nhiên, hoang dại.

Nấm linh chi đen được người dân bán giá cao vì hiếm có.

Mặc dù được thu hái quanh năm, nhưng thời điểm thuận lợi nhất để đi săn sản vật rừng là từ tháng 7 đến tháng 9. Dọc theo các chợ phiên trên tuyến quốc lộ 4B như chợ: Bản Ngà, chợ Lộc Bình… ngày nào cũng thấy cảnh những chiếc xe máy chở đầy sản vật rừng đứng chờ thương lái. Người ít cũng vài ba lạng nấm linh chi đen, vài chiếc chổi tre, trong khi người nhiều có 2 - 3 kg nấm linh chi đen, 30 - 40 chiếc chổi tre được chất đầy hai bên thành xe.

Đang đứng chờ thương lái đến mua, chị Triệu Thị Múi ở thôn Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn(Lộc Bình) cho biết: Chổi tre được hình thành từ 15-20 cây Khoang Lài (là 1 loại cây họ tre) - là thứ cây dại, mọc ven các khe suối, triền núi đặc biệt là những nơi có đất màu. Vào mùa hè cây Khoang Lài già, đồng bào chúng tôi lại hái về làm chổi để quét nhà, quét sân. Mấy năm gần đây, mỗi cái chổi từ 25 - 30 ngàn nên nhiều người trong xã có thu nhập cao từ loại cây dại này”.

Đi rừng hái Khoang Lài làm chổi tre để bán.

Từ trước đó khoảng 4 tháng, đi theo các ngọn núi trên đỉnh Mẫu Sơn, không khó để bắt gặp những cây Khoang Lài có thân còn non và xanh ngắt, chỉ cần một vài tháng sau, thân cây Khoang Lài đã chuyển sang cứng cáp và màu vàng óng, có thể dùng để làm chổi.

Theo chị Múi, trung bình mỗi ngày đi rừng, một người khỏe và mau mắn gặp bãi có nhiều cây Khoang Lài thì cũng hái được 30-40 chiếc chổi tre, với giá bán 25 - 30 ngàn đồng/chiếc, cho thu nhập trên dưới 1 triệu đồng. Chính vì vậy, cứ vào dịp nghỉ hè, nhiều học sinh cũng rủ nhau theo cha mẹ đi rừng hái “lộc rừng” về bán.

Ngoài chổi tre, bà con còn đi kiếm bộn tiền nhờ nấm linh chi đen. Từ lâu loại nấm này đã được đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn sử dụng như một bài thuốc để chữa bệnh.

Anh Dương Trùng Chòi – một người chuyên lên rừng tìm nấm linh chi đen ở thôn Pác Đây, xã Công Sơn (Cao Lộc) cho biết: Nấm linh chi thường mọc trên những cây cổ thụ trong rừng sâu, mỗi cây nấm linh chi bé chỉ nặng vài hoa, cây to khoảng 500g. Mỗi ngày, nếu may mắn kiếm được từ 2 - 3 kg nấm linh chi, loại bé nhất bán 500 - 600 ngàn đồng/kg, loại to bán giá từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/kg. Nếu gặp khách còn có thể bán được giá cao hơn. Đối với thanh niên trai tráng, có ngày gặp may bỏ túi 2 - 3 triệu đồng, ít cũng được 300 - 500 ngàn.

Chợ chổi tre ở Lộc Bình.

Phần lớn nấm linh chi đen thu hái về đều được bán tươi cho thương lái, sau khi được rửa sạch, được đem phơi khô. Nấm sấy khô có mùi thơm đặc trưng, ngâm với rượu cao độ, cho ra một loại rượu có màu vàng tươi, giống màu rượu ngoại, uống thơm và có hỗ trợ điều trị nhiều bệnh: bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tắc mạch máu não, chứng táo bón hiệu quả, ung thư và hạn chế tình trạng xơ cứng động mạch, giải độc cơ thể, phòng ngừa bệnh tim mạch, tăng tuổi thọ cao… Loại nấm này được các thương thu mua và đem đi tiêu thụ ở các địa phương khác, hoặc sang Trung Quốc .

Tuy kiếm được tiền, nhưng nghề “hái lộc rừng” này cũng đầy rẫy những nguy hiểm. Bởi vì, để hái được chổi tre và nấm linh chi, người dân nơi đây phải vào rừng sâu để trèo lên những cây cổ thụ cao chót vót để lấy được nấm linh chi, hay trèo lên những ngọn núi cao để hái chổi tre, nếu chẳng may có thể sẩy chân rơi xuống. Ngoài ra, họ còn thường xuyên bị muối, rắn, rết cắn…

Chia tay những người gắn bó với nghề hái chổi tre và nấm linh chi, mong rằng nguồn thu từ rừng ấy sẽ không bao giờ cạn để người dân nơi đây có thêm thu nhập, cuộc sống thêm ấm no.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất