Đợt rét đậm kéo dài hơn 30 ngày qua khiến người dân trồng khoai tây ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) gặp rất nhiều khó khăn vì cây khoai tây bị chết hàng loạt do dịch bệnh mốc sương.
Lộc Bình là huyện có diện tích trồng khoai tây lớn vào bậc nhất tại Lạng Sơn với khoảng 200ha, tập trung tại một số địa bàn như: Bằng Khánh, Yên Khoái, Xuân Mãn… Thời gian qua, dịch bệnh mốc sương (do nấm phytopthora infestans de bary gây ra) đã làm cây khoai tây bị héo lá và chết. Anh Hoàng Văn Thân, trú tại thôn Long Đầu, xã Yên Khoái, cho biết: "Nhà tôi năm nay trồng được 7 sào khoai tây, cây mọc rất tươi tốt chỉ cần khoảng một tháng nữa là được thu hoạch, nhưng từ tháng 2 đến giờ do bệnh mốc sương nên khoai tây chết rất nhiều, nhìn những cây khoai tây chết non mà tiếc đứt ruột". Không chỉ riêng ruộng anh Thân mà hầu hết các ruộng khoai tây của các hộ gia đình khác trong huyện Lộc Bình đều có nhiều cây bị chết.
Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân dẫn đến cây khoai tây bị bệnh mốc sương chết hàng loạt là do nhiệt độ thấp + mưa (hoặc sương) kéo dài, bón đạm quá nhiều, mất cân đối hoặc trồng quá dày, tiêu thoát nước kém, việc trồng khoai tây liên tục không có thời vụ rõ ràng, xen kẽ, không phân khu vực là những điều kiện thuận lợi để bệnh phát sinh và phát triển. Khi cây khoai tây bị nhiễm bệnh thì có triệu chứng: lá bị thối, nhũn khi ẩm ướt hoặc khô khi trời nắng; thân thối ướt màu nâu đen, có lớp nấm trắng như sương muối bao phủ; trên mặt củ, vết bệnh có màu nâu lõm xuống, to nhỏ khác nhau. Khi cắt ngang củ ở chỗ bị bệnh, từ ngoài vào trong ruột có từng chòm mô bị thâm nâu lan rộng vào phía trong.
Những ngày qua, chính quyền địa phương đã tích cực hướng dẫn nông dân cách điều trị bệnh bằng một số loại thuốc đặc hiệu nhưng vẫn chưa khống chế được sự lây lan của nấm phytopthora infestans de bary. Bệnh mốc sương làm năng suất thu hoạch có thể giảm 30-70% gây thiệt hại lớn về kinh tế. Nếu người dân tiếp tục lơ là, không phối hợp tích cực với cơ quan chuyên môn trong việc phòng chống dịch thì diện tích khoai tây chết còn tiếp tục lan rộng.