| Hotline: 0983.970.780

Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng?

Thứ Ba 06/07/2021 , 11:37 (GMT+7)

Dù giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới giảm mạnh, song các doanh nghiệp trong nước cho biết vẫn phải tăng giá vì có độ trễ.

Trước khi quay đầu giảm theo giá nguyên liệu thế giới, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian ngắn. Ảnh: Nguyên Huân.

Trước khi quay đầu giảm theo giá nguyên liệu thế giới, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian ngắn. Ảnh: Nguyên Huân.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), sản lượng sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt trên 10 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, thức ăn cho lợn 5,1 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ 2020, thức ăn cho gia cầm đạt 4,6 triệu tấn, giảm gần 10%.

Trong tháng 6/2021, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm so với tháng 5/2021. Theo Markets Insider, từ tháng 5 đến cuối tháng 6, khô đậu tương giảm từ 450 USD/tấn xuống 350 USD/tấn, tương đương 22%; ngô giảm 13%, từ 7.700 USD xuống 6.700 USD/tấn. Các nguyên liệu khác như cám mì giảm 2,6%, DDGS giảm 1%. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng khoảng 2% so với tháng 5/2021. 

Những ngày đầu tháng 7/2021, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính tiếp tục xu hướng giảm. Trong đó, ngô giảm thêm 2%, khô dầu đậu tương giảm 1,7%, cám mì giảm 0,6%, DDGS giảm 1,9%.

Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm vẫn tăng so với tháng 6/2021 (mức tăng từ 1,7 - 2%). Sở dĩ giá nguyên liệu giảm trong khi thức ăn thành phẩm lại tăng theo lý giải của các doanh nghiệp do hiện đơn vị vẫn đang phải sử dụng nguyên liệu được mua với giá cao từ các tháng trước.

Tính bình quân 6 tháng đầu năm 2021, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2020, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc. Trong đó, ngô hạt 7.616 đ/kg (tăng 35%), khô dầu đậu tương 13.091đ/kg (tăng 35,5%), DDGS (bã ngô) 8.847 đ/kg (tăng 46%), cám mì 6.716 đ/kg (tăng 32,8%), sắn lát 5.994 đ/kg (tăng 19,2%), cám gạo chiết ly 4.936 đ/kg (tăng 16,1%), Methionine 64.950 đ/kg (tăng 19,2%), Lysine 35.053 (tăng 16,3%).

Các chuyên gia dự báo, thời gian tới giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính trước khi quay đầu giảm có thể sẽ tiếp tục tăng do các thông tin về tồn kho vụ cũ và diện tích trồng ngô, đậu tương vụ mới của Mỹ đều thấp hơn dự kiến, đồng thời do nhu cầu ngô sản xuất ethanol của Mỹ tăng cao dẫn tới hạn chế nguồn cung ngô dùng cho chăn nuôi. Do đó, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, dự kiến có 2 lần tăng với tổng mức tăng khoảng 5%.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, do Việt Nam phải nhập tới trên 90% nguyên liệu dành cho sản xuất thức ăn chăn nuôi thành phẩm nên giá nguyên liệu trên thế giới tăng đã tác động trực tiếp tới giá trong nước.

Nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thành phẩm của Việt Nam phụ thuộc trên 90% vào nhập khẩu. Ảnh: MV.

Nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thành phẩm của Việt Nam phụ thuộc trên 90% vào nhập khẩu. Ảnh: MV.

Nguyên nhân khiến giá nguyên liệu thức ăn tăng do giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao bởi chi phí sản xuất tăng vọt, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng. Bên cạnh đó, việc các quỹ đầu tư lớn chuyển hướng sang đầu cơ nông sản, cộng với việc Trung Quốc tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong nước khiến giá tăng vượt mọi dự báo.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-9 khiến chi phí vận chuyển tăng do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa nói chung, trong đó riêng mặt hàng thức ăn chăn nuôi chi phí vận chuyển tăng trung bình 200 - 300% so với bình thường.

Mặt khác, tình hình hạn hán từ tháng 3/2021 trở lại đây tại một số tỉnh của Braxin làm ảnh hưởng đến sản lượng của vụ ngô chính vụ của nước này, trong khi Braxin là một trong những nước xuất khẩu ngô và đậu tương có sản lượng tốp đầu thế giới.

Chính bởi giá nguyên liệu tăng mạnh nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm 6 tháng đầu năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ 2020. Cụ thể, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt từ 60kg đến xuất chuồng 10.785 đ/kg (tăng 14,6%); thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu 10.885 đ/kg (tăng 14,4%); thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng 11.206,9 đ/kg (tăng 12,1%). Xu hướng sẽ còn tăng khoảng 5% trong tháng 7/2021 với lý do nguyên liệu thức ăn hạ nhưng vẫn đang trên tàu biển chưa về đến kho của doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm, ước tính tổng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam đạt 10,8 triệu tấn (bao gồm cả nguyên liệu sản thức ăn thủy sản), tương ứng với 3,84 tỷ USD (tăng 32,7% về số lượng và 50,3% về giá trị so với cùng kỳ 2020). Trong đó, thức ăn giàu năng lượng đạt 6,8 triệu tấn, tương ứng 1,68 tỷ USD (tăng 75,6% về số lượng và 112% về giá trị so với cùng kỳ 2020); thức ăn giàu đạm đạt 3,73 triệu tấn, tương ứng với 1,65 tỷ USD (giảm 6,3% về số lượng và tăng 23,7% về giá trị); thức ăn bổ sung đạt 0,31 triệu tấn, tương ứng 0,49 tỷ USD (giảm 1,5% về số lượng và tăng 17,8% về giá trị).

Xem thêm
Khoản 3, Điều 15 Luật Thuế sửa đổi nguy cơ vào 'vết xe đổ câu chữ'

Việc hiểu sai giữa thuế GTGT 0% với không chịu thuế khiến ngành phân bón bầm dập gần một thập kỷ, nay Điều 15 Luật Thuế GTGT sửa đổi lại tồn tại kẽ hở lớn.

Bệnh virus hại tiêu và cách phòng trị

Bệnh virus hại tiêu (bệnh tiêu điên) là loại bệnh khá phổ biến đối với cây tiêu làm giảm năng suất, chất lượng thậm chí khiến tiêu bị chết hàng loạt rất nguy hiểm...

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?

Bình luận mới nhất