| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lo thất truyền giống bò vàng Kỳ Sơn

Thứ Ba 21/06/2016 , 09:01 (GMT+7)

Bò vàng Kỳ Sơn (Nghệ An) là giống bò bản địa đã có mặt tại huyện miền núi này từ rất lâu. Đây cũng là nơi xuất xứ món thịt bò giàng Kỳ Sơn (tên địa phương) trứ danh được nhiều thực khách biết đến.

Bò vàng Kỳ Sơn (Nghệ An) là giống bò bản địa đã có mặt tại huyện miền núi này từ rất lâu. Trải qua hàng trăm năm phát triển, đàn bò tăng nhanh về số lượng. Đây cũng là nơi xuất xứ món thịt bò giàng Kỳ Sơn trứ danh được nhiều thực khách biết đến.

Tuy nhiên, với tập quán chăn thả, việc phối giống cận huyết đã khiến đàn bò địa phương bị thoái hóa, năng suất, chất lượng thịt ngày càng giảm. Công tác bảo tồn, phát triển đàn bò vàng Kỳ Sơn đang gặp nhiều khó khăn.

“Lực sỹ leo núi”

Nhiều người ví bò vàng Kỳ Sơn là những “lực sỹ leo núi” bởi chúng có thân hình săn chắc, to lớn, có khả năng leo núi trong mọi địa hình tìm kiếm thức ăn để sinh tồn. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, trọng lượng của bò vàng Kỳ Sơn ngày một giảm, khả năng chống chọi với bệnh tật bị hạn chế.

Hơn 10 năm trước, nhiều hộ đồng bào tại Kỳ Sơn đã “xuống núi” tìm mua giống bò miền xuôi về chăn thả để cải thiện chất lượng đàn bò. Số lượng bò lai “thượng sơn” ngày một tăng nhưng chúng còi cọc, da bọc lấy xương, nhất là trong mùa rét.

Đồng bào nói, bò lai lười leo núi, chỉ quẩn quanh ở những bãi đất trọc lóc quanh nhà chờ con người mang thức ăn tận miệng. Con lai của bò miền xuôi và bò vàng bản địa cũng không khấm khá hơn mấy. Tuy trọng lượng bò có tăng nhưng khả năng thích ứng kém hơn hẳn bò gốc địa phương. “Dự án thay máu” đàn bò địa phương coi như đổ bể. Đồng bào lại quay về làm bạn với những “lực sỹ leo núi”.

Theo những người chăn nuôi có kinh nghiệm, tại Kỳ Sơn, biên độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày đêm, giữa 2 mùa tương đối lớn. Vì thế, giống bò miền xuôi lên vùng đất này rấy khó thích nghi.

Thịt bò vàng Kỳ Sơn có màu đỏ đậm, dày thớ, vừa dai lại thơm ngon hơn bất kỳ một loại thịt bò nào được nuôi tại Nghệ An. Thương lái từ khắp nơi tràn về đây thu mua hàng, đem vào Nam, ra Bắc giết thịt, bán ra thị trường với giá cao hơn thịt các giống bò khác. Món bò giàng Kỳ Sơn cũng trở thành một đặc sản rất nổi tiếng của vùng đất phên dậu này.

Nhận thấy nhu cầu này, từ lâu, đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú nơi đây đã tận dụng địa hình rộng để phát triển nghề nuôi bò, vỗ béo bò bán kiếm lời. Nhiều hộ đã có gia trại với quy mô trên dưới 100 con.

Theo ông Nguyễn Đình Trị, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kỳ Sơn, mỗi kg thịt bò vàng Kỳ Sơn được bán với giá 250.000 đồng. Thông thường, cứ 3kg thịt bò tươi thì chế biến được 1kg thịt bò giàng, được bán với giá 1 triệu đồng. Tại địa phương hiện có 2 - 3 cơ sở chế biến thịt bò giàng, ngày thường chế biến ít nhưng đến ngày cận Tết, nhu cầu tăng cao, sản phẩm làm ra bao nhiêu cũng hết…

Vì vậy, bảo tồn, phát triển đàn bò vàng địa phương có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng thu nhập cho đồng bào và góp phần bảo tồn nguồn gen quý.

Đi tìm những con bò “nguyên bản”

Từ năm 1999 đến nay, Kỳ Sơn đã có nhiều chương trình, dự án phát triển đàn bò địa phương như đề án Quản lý an toàn dịch bệnh và Phát triển đàn gia súc dựa vào cộng đồng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Điều này góp phần giúp đàn bò địa phương giữ mức tăng trưởng ổn định 5%/năm, hiện có số lượng trên 56 nghìn con.

Chăn nuôi (chủ yếu là nuôi bò) chiếm tỷ trọng gần 50% trong ngành nông nghiệp của địa phương. Nhiều hộ đồng bào đã tận dụng đất đai trồng cỏ voi, trồng chuối để phục vụ chăn nuôi bò hàng hóa. Đồng bào không chỉ nuôi thả trong rừng mà còn tạo cho đàn bò thói quen trở về nhà vào cuối ngày để tiện chăm sóc, theo dõi, quản lý dịch bệnh.

10-13-45_2
Những con bò vàng “nguyên bản” hiện nay rất hiếm

 

Một cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Kỳ Sơn cho rằng “Bò vàng Kỳ Sơn “nguyên bản” có trọng lượng khoảng 300 - 400kg. Nguyên nhân khiến chúng ngày càng teo tóp về trọng lượng là do tập quán chăn nuôi của đồng bào. Đàn bò được nhân giống tự nhiên nên ngày càng thoái hóa. Nếu muốn phát triển số lượng, nâng cao chất lượng đàn bò địa phương thì việc tìm ra những con giống tốt để nhân giống là điều rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để đồng bào thực hiện chăn nuôi khoa học để từng bước nâng cao chất lượng đàn bò địa phương”.

Đến nay, tại Kỳ Sơn đã có 6 xã đảm bảo được an toàn vệ sinh dịch bệnh cho đàn bò địa phương. Trong đó có xã Hữu Kiệm được cấp chứng chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh.

“Bò vàng địa phương hiện nay chỉ có trọng lượng khoảng 150 - 250 kg/con. Đặc điểm dễ phân biệt nhất là bò cơ bắp phát triển, có màu vàng nhạt hoặc vàng đậm, mắt he, chân nhỏ, không quá cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt ở đây và có thể tìm được thức ăn trong mọi điều kiện thời tiết; có xu hướng leo núi cao tìm thức ăn…Nhờ chất lượng thịt thơm ngon, ngoài việc chế biến món bò giàng, bò vàng được xuất bán vào miền Nam, ra miền Bắc, đem về nguồn thu nhập lớn cho đồng bào”, ông Nguyễn Đình Trị, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kỳ Sơn cho biết.

Thế nhưng, khi đề cập đến chất lượng đàn bò, ông Trị có vẻ trầm ngâm. Chúng tôi tìm về các bản làng để tận mắt chứng kiến những chú bò vàng bản địa được coi là “nguyên bản” hiện nay.

Ông Vi Văn Dũng ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn hiện có 20 con bò bản địa. Tuy có số lượng bò lớn nhưng nguồn thu nhập hàng năm từ đàn bò lại khá khiêm tốn. Mỗi con bò, từ lúc sinh ra tới 2 năm nuôi thả, ông chỉ bán được khoảng 8 triệu đồng. Trong khi đó, bình quân, mỗi con bò lai Sind 1 năm tuổi ở miền xuôi có thể bán trên dưới 15 triệu đồng.

Từ trước tới nay, ông Dũng vẫn “trung thành” với phương thức chăn nuôi truyền thống. Từ một vài con bò giống ban đầu, ông chăn thả tự nhiên trên nương rẫy, chúng tự sinh sôi đến khi ông có trong tay cả vài chục con bò, to, nhỏ, lớn bé…

Thế nhưng, bản thân ông cũng không biết đích xác thời điểm nào chúng động dục và thế hệ bò được sinh ra được phối giống từ con bò đực nào. Tình trạng phối giống cận huyết khá phổ biến đã cho ra đời những thế hệ bò mới, trọng lượng lớn nhất chưa đến 200 kg/con. Trông chúng gầy gò, ốm yếu, thiếu sức sống.

Vì vậy, báo cáo về số lượng đàn bò tại các cuộc tổng kết ngành nông nghiệp kêu như… pháo ran nhưng khi nói về chất lượng, không ít người lắc đầu. Đặc biệt là những người có tâm huyết với con bò vàng Kỳ Sơn.

Thế nhưng, ở những bản làng xa xôi của huyện Kỳ Sơn vẫn có những người bỏ nhiều thời gian để tuyển chọn, chăm sóc những chú bò vàng địa phương “nguyên bản”. Chỉ có điều, tâm huyết của họ chỉ dành cho những chú bò “đấu sỹ”.

Ông Sồng Bá Danh, Bí thư Chi bộ bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn cho biết, bản có 123/123 hộ dân đều nuôi bò với mức bình quân 10 con/hộ. Nhưng hiện nay, số lượng bò “nguyên bản” là bò vàng kỳ Sơn trên toàn huyện chỉ còn được đếm trên đầu ngón tay. Mường Lống 1 là bản nuôi bò giỏi nhất nhì huyện nhưng hiện cũng chỉ còn vài con như thế. Ông Danh có 1 con, ông Vừ Bá Lềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống có 1 con.

“Bò nhà ông Lềnh là bò nòi, ông bà, cụ kỵ đều là những con bò vàng nặng đến 350 - 400kg. To nặng như thế nhưng chúng vẫn leo núi giỏi lắm, tự tìm thức ăn rồi tối lại tự về chuồng. Nhưng có một thời gian, nhà ông Lềnh chỉ nuôi nhốt, cho phối giống với bò cái địa phương, cho ra con bò hiện tại.

Chỉ có điều, đến nay, những con bò như thế không còn nhiều nữa, hầu hết được nuôi nhốt, bảo vệ chăm sóc nghiêm ngặt, kỹ lưỡng để chờ ngày hội đấu bò, thi bò đẹp chứ không cho phối giống. Còn đàn bò nuôi trong bản đều là bò được phối giống tự nhiên, thoái hóa hết rồi”, ông Danh cho biết.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.