| Hotline: 0983.970.780

Dùng ong bắp cày làm thiên địch bảo vệ cà chua

Thứ Tư 16/12/2020 , 15:28 (GMT+7)

Các nhà khoa học Trung tâm Côn trùng và Sinh thái quốc tế tại Nairobi (Icipe) đã dùng ong bắp cày thiên địch để tiêu diệt côn trùng Tuta absoluta gây hại cà chua.

Các nhà khoa học Icipe thả bầy ong bắp cầy đầu tiên để 'chiến đấu' với dịch hại sâu bướm Tuta Absoluta ở cánh đồng cà chua Gatitika, bang Kirinyaga, Kenya. Ảnh: Lydia Nyawira

Các nhà khoa học Icipe thả bầy ong bắp cầy đầu tiên để “chiến đấu” với dịch hại sâu bướm Tuta Absoluta ở cánh đồng cà chua Gatitika, bang Kirinyaga, Kenya. Ảnh: Lydia Nyawira

Tuta absoluta là một loài sâu bướm trong họ Gelechiidae được biết đến với các tên gọi chung là sâu ăn lá cà chua, hay sâu kim châm cà chua và sâu bướm Nam Mỹ.

Nó được biết đến như một loài côn trùng gây hại nghiêm trọng trên cây cà chua và có sức tàn phá ghê gớm, lần đầu tiên được phát hiện ở châu Phi vào năm 2008 và từ đó lan rộng khắp lục địa.

Các nhà khoa học Icipe đã nhập khẩu những con ong bắp cày từ Peru, quê hương của loài gây hại, và lần đầu tiên đem sang châu Phi xử lý dịch hại trên cây cà chua. Theo các nghiên cứu, ong bắp cày có tên khoa học là Dolichogenidea gelichiidivoris, có thể kiểm soát được dịch hại cà chua bằng cách đẻ trứng vào vật chủ. Những quả trứng này sau đó sẽ phát triển thành ong bắp cày trưởng thành và giết chết ấu trùng của loài gây hại.

Một chùm cà chua bị sâu bướm Tuta absoluta gây hại. Ảnh: Saferbrand

Một chùm cà chua bị sâu bướm Tuta absoluta gây hại. Ảnh: Saferbrand

 “Nghiên cứu mang tên ong bắp cày thiên địch bảo vệ cà chua đặc biệt có ý nghĩa, cho phép châu Phi giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng của các loài dịch hại xâm lấn cũng như những tác động tiêu cực của chúng đối với nông nghiệp và sinh kế trên khắp lục địa đen”, ông Sunday Ekesi, Giám đốc Nghiên cứu và Đối tác tại Icipe cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu tuần trước.

Theo đó, việc thả những con ong bắp cày thiên địch đầu tiên trên thực địa đã được các nhà khoa học Icipe triển khai ở hạt Kirinyaga, miền trung Kenya, là một trong những vựa sản xuất cà chua lớn nhất Kenya.

Cận cảnh một con sâu bướm bị ong bắp cày tiêu diệt. Ảnh: Icipe

Cận cảnh một con sâu bướm bị ong bắp cày tiêu diệt. Ảnh: Icipe

Ong bắp cày dự kiến ​​sẽ phát tán nhanh chóng và tìm đến các ổ dịch thực vật là các cánh đồng cà chua đang bị nhiễm bệnh. Các đợt thả ong bắp cày thiên địch tiếp theo hiện cũng đã được lên kế hoạch ở các vùng trồng cà chua lớn khác ở Kenya và quốc gia láng giềng Ethiopia.

Isaac Macharia, tổng giám đốc Cơ quan Kiểm dịch thực vật Kenya cho biết, Icipe đã ưu tiên hỗ trợ nước này tiến hành việc nhập khẩu và thả các loài ong thiên địch quan trọng để quản lý dịch hại côn trùng Tuta absoluta.

Đây là một phương pháp xử lý thân thiện với môi trường. “Nếu không có các biện pháp phòng trừ hiệu quả, sâu bệnh có thể gây mất trắng năng suất cà chua bởi ở một số quốc gia như Nigeria, loài sâu bướm này đã được ví như là "dịch ebola trên cây cà chua" do mức độ nghiêm trọng và khả năng tàn phá 100% diện tích cà chua”, ông Macharia nói.

Sâu bướm Tuta absoluta gây  hại cà chua bằng cách ăn sâu vào bộ lá các phần xanh khiến cho lá bị khô cháy và sau đó tiếp tục tàn phá vào quả, dẫn đến dị dạng và thối rữa.

Samira Mohamed, nhà khoa học cấp cao tại Icipe cho biết: “Một trong những thách thức chính trong việc kiểm soát dịch hại Tuta absoluta là tốc độ sinh sản nhanh, với nhiều thế hệ xuất hiện mỗi năm. Do đó, sâu bệnh này có thể sẽ nhanh chóng phát triển thêm khả năng kháng các loại thuốc trừ sâu chính”.

Theo bà Samira Mohamed, kịch bản này đã buộc nông dân phải dùng tới các loại thuốc trừ sâu tổng hợp phổ rộng, thường được phun xịt với liều lượng cực cao và quá thường xuyên. Điều này đã dẫn đến tăng chi phí sản xuất, và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe của người trồng và người tiêu dùng cũng như môi trường.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.