| Hotline: 0983.970.780

Dừng tiêm vacxin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC trên đàn bò tại Lâm Đồng

Thứ Năm 08/08/2024 , 09:39 (GMT+7)

Đến nay, Lâm Đồng đã tạm dừng tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC cho đàn bò sữa trên địa bàn toàn tỉnh.

Lâm Đồng là địa phương có số lượng bò sữa lớn trên cả nước. Ảnh: Tùng Đinh.

Lâm Đồng là địa phương có số lượng bò sữa lớn trên cả nước. Ảnh: Tùng Đinh.

Hơn 3.000 con bò bị tiêu chảy

Ngày 7/8/2024, Cục Thú y nhận được báo cáo nhanh tình hình bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng và đề nghị hỗ trợ phòng, chống bệnh từ phía địa phương.

Cụ thể, tại huyện Đơn Dương, từ ngày 26/7/2024, bệnh tiêu chảy xuất hiện trên đàn bò sữa tại 3 xã (Ka Đô, Quảng Lập, thị trấn Thạnh Mỹ). Tính đến ngày 4/8/2024, đã có 2.240 con bò của 100 hộ dân tại 4 xã, thị trấn (Ka Đô, Quảng Lập, Tu Tra và thị trấn Thạnh Mỹ) mắc bệnh; trong đó có 27 con bò bị chết tại 18 hộ của 3 xã (Ka Đô, Quảng Lập và Tu Tra).

Ở huyện Đức Trọng, từ 1/8/2024, bệnh tiêu chảy xuất hiện trên đàn bò sữa tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh và đã có 1.430 con bò của 63 hộ dân tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh mắc bệnh; trong đó có 18 con bò bị chết tại 14 hộ.

Tổng cộng, tính đến hết ngày 6/8/2024, tổng cộng có 3.670 con bê, bò sữa của 163 hộ thuộc 5 xã của 2 huyện (Đơn Dương và Đức Trọng) bị bệnh tiêu chảy, trong đó có 45 con bị chết tại 32 hộ của 4 xã (Ka Đô, Quảng Lập và Tu Tra, huyện Đơn Dương; xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng).

Qua kiểm tra lâm sàng, Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho rằng bò mắc bệnh tiêu chảy có thể do thời tiết mưa nhiều trong suốt mấy tuần, môi trường ẩm ướt, kết hợp sức đề kháng của bò giảm sau khi tiêm vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục NAVET-LPVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco,… tạo điều kiện vi sinh vật cơ hội tấn công gây rối loạn đường tiêu hóa.

Trong thời gian tới, bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa có thể tiếp tục phát sinh và lây lan trên địa bàn huyện Đơn Dương, Đức Trọng và các địa phương khác.

Trước tình hình đó, Sở NN-PTNT Lâm Đồng đã phối hợp với huyện Đơn Dương, huyện Đức Trọng, một số xã có bò mắc bệnh và đi kiểm tra thực tế tại các hộ chăn nuôi. Sau đó, nắm bắt tình hình, động viên và hướng dẫn các hộ chăn nuôi triển khai một số biện pháp phòng chống bệnh trên đàn bò.

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng tạm dừng tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục cho đàn bò sữa trên toàn tỉnh và văn bản khuyến cáo một số biện pháp điều trị và hộ lý để chăm sóc bò bị tiêu chảy để hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp điều trị triệu chứng bò bị tiêu chảy và các bệnh kế phát.

Bên cạnh đó, cấp 5.800 lít hóa để các địa phương thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng chống bệnh và định kỳ đợt III/2024 trên địa bàn toàn tỉnh.

Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng huy động toàn bộ cán bộ kỹ thuật ở lại địa bàn để phối hợp với các địa phương kịp thời nắm bắt, thông tin về tình hình bệnh và hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp phòng chống.

Nhiều biện pháp trước mắt và lâu dài để đối phó bệnh tiêu chảy trên bò sữa đã được Cục Thú y và ngành nông nghiệp Lâm Đồng thực hiện. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhiều biện pháp trước mắt và lâu dài để đối phó bệnh tiêu chảy trên bò sữa đã được Cục Thú y và ngành nông nghiệp Lâm Đồng thực hiện. Ảnh: Tùng Đinh.

Khẩn cấp hỗ trợ Lâm Đồng đối phó bệnh

Ngay sau khi nhận được văn bản của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, Cục Thú y đã thành lập Đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng từ ngày 7/8/2024 để phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, điều tra xác định nguyên nhân.

Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm kiểm tra tình hình bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các địa điểm có nguy cơ cao, hỗ trợ điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh và hướng dẫn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Đoàn công tác cũng kiểm tra việc sử dụng vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục NAVET-LPVAC đang được sử dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đôn đốc và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm khác trên gia súc, gia cầm.

Cục Thú y đề nghị Navetco phối hợp với địa phương để triển khai các biện pháp khắc phục nếu có liên quan đến vacxin NAVET-LPVAC do đơn vị sản xuất.

Cục Thú y đề nghị Navetco phối hợp với địa phương để triển khai các biện pháp khắc phục nếu có liên quan đến vacxin NAVET-LPVAC do đơn vị sản xuất.

Bên cạnh đó, tìm hiểu những khó khăn, tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện và đề xuất cụ thể các giải pháp khắc phục của địa phương, phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương giải quyết những vấn đề phát sinh và khó khăn, tồn tại.

Để ứng phó với tình hình bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa, Cục Thú y đã chỉ đạo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng dừng sử dụng vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục trên phạm vi toàn tỉnh để tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân đàn bò sữa bị tiêu chảy.

Thu giữ toàn bộ vỏ lọ vacxin viêm da nổi cục đã dùng hết, các lọ vacxin chưa dùng hết và các lọ vacxin chưa sử dụng, bảo quản cẩn thận để lấy mẫu phân tích, xét nghiệm.

Cùng với đó, thu thập thông tin trên đàn bò sữa bị tiêu chảy tại các nơi xảy ra bệnh, khám, kiểm tra bệnh tích, lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu môi trường để xét nghiệm, phân tích xác định nguyên nhân.

Ngày 7/8/2024 Cục Thú y đã có Văn bản số 1817/TY-DT báo cáo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến về tình hình dịch bệnh trên đàn bò sữa tại Lâm Đồng và hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng điều tra nguyên nhân, triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Cục Thú y đã đề nghị Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco cử ngay lãnh đạo Công ty và các cán bộ kỹ thuật có chuyên môn giỏi, kinh nghiệm tốt đến ngay các địa bàn cùng phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Đồng thời, đề nghị công ty điều tra xác định nguyên nhân, cung cấp đầy đủ các thông tin cho các cơ quan chuyên môn và Đoàn công tác của Cục Thú y, phối hợp với địa phương để triển khai các biện pháp khắc phục nếu có liên quan đến vacxin do đơn vị sản xuất.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.