| Hotline: 0983.970.780

Dưới chân Cột mốc số 18, nơi con sông Đà chảy vào đất Việt

Thứ Năm 03/02/2022 , 06:10 (GMT+7)

Sông Đà từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam tại Kẻng Mỏ thuộc tỉnh Lai Châu, một vùng đất vừa thiêng liêng, huyền bí lại rất nhiều câu chuyện mang âm hưởng sử thi.

Cột mốc số 18, nơi con sông Đà chảy vào đất Việt. Ảnh: Viết Hà. 

Cột mốc số 18, nơi con sông Đà chảy vào đất Việt. Ảnh: Viết Hà. 

I.

Bao nhiêu năm rồi vẫn vậy, đường lên Tây Bắc là trải nghiệm vô cùng khó khăn, gian khổ và thách thức dù những năm gần đây mảnh đất này giống như một đại công trường không nghỉ. Có lẽ cần phải thêm nhiều năm nữa, thêm nhiều của cải, nhiều sức lực và trí tuệ của con người nữa mới mong Tây Bắc bớt những gian lao, cực nhọc.

Cách trung tâm tỉnh Lai Châu khoảng gần 300 cây số nhưng phải mất gần 2 ngày đường chúng tôi mới lên được Kẻng Mỏ, nơi con sông Đà chảy vào đất Việt, điểm cuối trời Tây Bắc và của cả biên giới lãnh thổ quốc gia. Đó không chỉ là hành trình vượt núi sương giăng vượt đèo mây phủ, vượt những cung đường vắt qua vách núi, những cung đường luồn dưới tán rừng già Hoàng Liên Sơn mà ở nhiều điểm phải đợi hàng giờ nổ mìn phá đá để làm đường xong mới có thể qua.

Vậy nhưng Trung tá Phùng Nhù Giá, Chính trị viên Đồn biên phòng Ka Lăng, người nhận nhiệm vụ đưa chúng tôi lên Kẻng Mỏ nói, so với dăm năm trước được như hôm nay là kỳ tích tuyệt vời lắm rồi, xa hơn nữa, có kể ra cũng rất ít người có thể hình dung. 

Ruộng bậc thang ở Mường Tè. Ảnh: Quốc Nhật.

Ruộng bậc thang ở Mường Tè. Ảnh: Quốc Nhật.

Anh Giá là người dân tộc Hà Nhì ở Mường Tè, vẫn thường hay ví von, nếu đất nước Việt Nam ta là một cô gái Hà Nhì thì Cột mốc số 18, điểm đánh dấu sông Đà chảy vào đất Việt ở Kẻng Mỏ chính là chiếc khuy bạc gắn chênh chếch trên đỉnh chiếc mũ truyền thống của thiếu nữ đồng bào, đại ý muốn nói là điểm cao nhất và xa xôi nhất.

Dưới “chiếc khuy bạc” đó là một vùng đất mà cho đến nay vẫn đang lắm điều bí ẩn. Chưa một nhà dân tộc học hay nhà sử học nào có thể xác định chính xác xem cộng đồng người Hà Nhì, người La Hủ, người Mông, người Dạo, người Lự cùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác đã sinh sống ở đây từ bao giờ.

Chỉ biết, vào quãng thời gian trước năm 2003, thời Lai Châu và Điện Biên còn chưa tách tỉnh thì Mường Tè luôn là huyện có nhiều cái nhất nhất Việt Nam. Diện tích tự nhiên rộng nhất, xa trung tâm nhất, nhiều thành phần dân tộc sinh sống nhất và cũng là nơi tỷ lệ đói nghèo cao nhất. Đó gần như là một thế giới riêng, tách biệt hoàn toàn với bên ngoài.

Tăm tối và bĩ cực. Người Hà Nhì sống trong bóng đêm của đói nghèo và mù chữ. Người La Hủ lang thang trong những cánh rừng già, sống đời săn bắn hái lượm hoang sơ nguyên thủy, dựng lều lán bằng lá cây rừng, đến mùa lá úa lại đi khu rừng khác. Rồi người Dạo, người Giáy bao nhiêu năm u mê trong nghiện ngập và hủ tục, u mê bị đám thổ phỉ lôi kéo làm loạn cả một vùng. Xa hơn về trước, khi Mường Tè là một châu của Xứ Thái tự trị, “vua Thái” Đèo Văn Long đã phỉ hóa thanh niên, dùng thổ ty, cường hào cướp bóc, cai trị khiến nhân dân lầm than, tăm tối vô cùng.

Nếu như con sông Đà từ đỉnh núi Vô Lượng bên Vân Nam Trung Quốc chảy vào Việt Nam rồi làm một cuộc hành trình “độc Bắc lưu” hơn 500 cây số để trở thành con sông hung dữ nhất Đông Dương thì đôi bờ của nó cũng chứng kiến một cuộc hành trình khác vất vả gian lao không kém, hành trình của con người.

Tình quân dân nơi cực Tây Tổ quốc. Ảnh: Quốc Nhật.

Tình quân dân nơi cực Tây Tổ quốc. Ảnh: Quốc Nhật.

Đêm dừng chân ở Đồn biên phòng Ka Lăng để hôm sau leo lên Kẻng Mỏ chúng tôi đã được nghe rất nhiều chuyện kể về Mường Tè thuở trước. Những câu chuyện nhuốm đậm màu sắc sử thi anh hùng nhưng đều là người thật việc thật và đã trở thành những biểu tượng của tấm lòng người miền xuôi với đồng bào ở cuối trời Tây Bắc.

Đó là chuyện về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Thọ quê ở Phú Thọ, người đã cống hiến hết đời trai trẻ dạy đồng bào Hà Nhì ở ngã ba biên giới Mường Nhé trồng lúa nước, đánh đuổi thổ phỉ, xóa bỏ hủ tục để rồi ngã xuống ngay tại mảnh đất này.

Chuyện về thầy giáo Nguyễn Văn Bôn quê ở Bắc Ninh lội bộ băng rừng vượt thác suốt cả tuần lễ để vào Mù Cả dạy học đồng bào sau đó trở thành Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành giáo dục.

Chuyện luật sư Nguyễn Hữu Thọ (sau này giữ chức Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã từng bị người Pháp lưu đày đến nơi sơn cùng thủy tận Mường Tè hòng giết chết ý chí người cộng sản kiên trung nhưng chúng chẳng thể ngờ được chính tại nơi đây ông đã kêu gọi và thắp lên ngọn lửa yêu nước của đồng bào...

Những câu chuyện từ hơn nửa thế kỷ nay nhưng mỗi lúc kể lại người đồng bào ở cực Tây đất nước vẫn rưng rưng xúc động. Sau những người mở đường Trần Văn Thọ, Nguyễn Văn Bôn, Nguyễn Hữu Thọ đã có rất nhiều người khác, những người dưới xuôi lên đây để tiếp tục “mở đường”. Đó có thể là người lính biên phòng, thầy cô giáo, anh chị cán bộ từ dưới xuôi lên công tác và gắn bó với đồng bào hay đơn giản là những anh công nhân phá đá mở đường, những người lái đò đưa đón học sinh dọc tuyến sông Đà...

Công lao những người đó đồng bào luôn ghi nhớ và những câu chuyện của họ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để không chỉ là lòng biết ơn mà còn nhắc nhớ thế hệ tiếp nối phải nhìn vào đó mà vượt khó vươn lên.

Mấy năm trước tôi có lên Mường Nhé ăn tết với người Hà Nhì ở A Pa Chải. Từ những chương trình giao lưu văn nghệ cho đến nghi thức đón năm mới của họ luôn có khoảng không gian thiêng liêng tưởng nhớ công ơn Anh hùng Trần Văn Thọ. Nhân dân còn dựng cả tượng đài, đặt tên đồi, tên ruộng là ông Thọ để mà khắc cốt ghi tâm. Đất ấy bây giờ có nhiều tỷ phú, nhiều người thành đạt có lẽ cũng là nhờ họ biết sống bằng lòng biết ơn như thế.

Ở Mù Cả hay Mường Tè cũng đều như thế. Những thế hệ học trò được Anh hùng Nguyễn Văn Bôn dạy dỗ hay những người được luật sư Nguyễn Hữu Thọ giác ngộ đi theo cách mạng và lập nên những công trạng hiển hách, cống hiến cho chính mảnh đất này nhiều không đếm xuể. Phùng Nhù Giá nói, lòng biết ơn chính là động lực lớn lao nhất để thế hệ người Hà Nhì như anh dù khó khăn gian khổ đến mấy, dù có phải chống gậy vượt ghềnh thác sông Đà xuyên cả ngày đêm thì cũng phải ra trung tâm huyện học tiếp chứ không thể nào dừng lại.

Vẻ đẹp miền biên viễn, nơi con sông Đà chảy vào đất Việt, nơi có cột mốc số 18 do đồn Biên phòng Ka Lăng và Kẻng Mỏ quản lý. Video: Quốc Nhật.

II.

Hẳn nhiên là với Tây Bắc những con đường chưa bao giờ là đủ, nhưng dường như càng trong khó khăn gian khổ thì ý chí, tình cảm máu thịt đồng bào lại càng thêm keo sơn, thắm đượm. Chính họ đã và đang là những cột mốc sống, bằng xương bằng thịt những lại vững như đồng nơi biên cương Tổ quốc.

Kẻng Mỏ, nơi sông Đà “nhập cảnh” vào đất Việt hóa ra là một ngã ba sông, nhiều người giải thích ý nghĩa của cái tên này nghĩa thác lật thuyền, rơi chảo. Sông Đà từ Trung Quốc chảy sang, dòng Nậm Là từ trên dãy Hoàng Liên Sơn đổ xuống, hợp lưu với nhau xuyên qua những vách núi đá, xẻ đôi rừng già, gầm gào về xuôi.

Canh giữ biên cương. Ảnh: Viết Hà.

Canh giữ biên cương. Ảnh: Viết Hà.

Từ năm 2009, sau khi Việt Nam và Trung Quốc hoàn thành cắm mốc biên giới, 273km đường biên ở tỉnh Lai Châu được đánh số từ 16 đến 85, trong đó cột mốc số 18 đặc biệt nhất. Đó là một cột mốc ba bằng đá hoa cương, một cột nằm bên địa phận huyện Giang Thành tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, một cột nằm ở xã Ka Lăng và một cột thuộc địa phận xã Mù Cả, tức là có tới ba đồn biên phòng cùng bảo vệ điểm phân định ranh giới Việt – Trung trên sông Đà.

Trạm biên phòng Kẻng Mỏ thuộc Đồn biên phòng Ka Lăng, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý Cột mốc số 18 thứ hai cũng đặc biệt không kém. Không sóng điện thoại, không điện lưới quốc gia và cách khu dân cư gần nhất độ khoảng gần 30 cây số. Theo quy định trạm Kẻng Mỏ cũng được cấp dấu để đóng vào sổ thông hành cho người dân hai nước có nhu cầu qua lại nhưng Đại úy Hoàng Văn Hưng, trạm trưởng tiết lộ, hàng chục năm nay con dấu đó chưa đóng bao giờ bởi không có ai qua lại.

Ai cũng ngại xa, ngại khổ thì lấy ai gìn giữ biên cương. Ảnh: Viết Hà.

Ai cũng ngại xa, ngại khổ thì lấy ai gìn giữ biên cương. Ảnh: Viết Hà.

Trạm có sáu người, đa số đều quê ở vùng đồng bằng như Nam Định, Thái Bình, kể cũng là chi tiết thú vị. Nói như Đại úy Lê Đức Hiểu, quê ở vùng lúa Hải Hậu là toàn dân cửa sông cửa bể đi lại canh giữ biên cương, canh giữ thượng nguồn dòng sông hung hiểm.

Nhưng thế cũng hay, mỗi lần nhớ vợ, thương con ra đầu sông ngồi nghĩ, dù có xa nhau đến cả ngàn cây số nhưng cũng chỉ là “anh ở đầu sông em cuối sông”, dòng sông nào mà không ra biển, suy nghĩ ấy như một sự kết nối trong tâm tưởng khiến nỗi cô đơn vơi bớt vài phần.

Dạo có chương trình Góp đá xây Trường Sa tỉnh Lai Châu cũng lựa chọn đá ở Kẻng Mỏ này để gửi ra ngoài đảo, miền xuôi hay miền ngược, biên cương hay hải đảo, ở đâu chẳng là non sông đất nước mình. Nếu ai cũng muốn ở gần gia đình, cũng ngại xa ngại khổ thì lấy ai gìn giữ biên cương tổ quốc.

Xác định như thế nên mặc dù quy định của lực lượng mỗi năm sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ phép 20-25 ngày, tùy khoảng cách đường đi và thâm niên công tác nhưng có những người cả đời theo nghiệp lính chẳng mấy khi được ăt tết ở nhà, số ngày bên vợ con cộng lại chắc chỉ được có vài ba năm, Đại úy Hiểu tâm sự.

Xa xôi cách trở, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn trăm bề nhưng dẫu sao đấy cũng chỉ là những chuyện nhỏ so với nhiệm vụ hàng ngày của họ. Đã đành là nghiệp lính mà lại còn lính biên phòng thì không thể không khó khăn gian khổ nhưng quả thật rất khó để hình dung tuần tra biên giới nơi cuối trời Tây Bắc lại gian lao đến vậy.

Đại úy Hoàng Văn Hưng chia sẻ, đường biên và những cột mốc biên giới trên dãy Hoàng Liên Sơn này nếu không dọc sông suối thì cũng nằm giữa rừng già hay trên những đỉnh núi cao nhất Đông Dương nên những chuyến tuần biên thực sự thử thách vô cùng gian lao, vất vả. Đặc biệt là những cột mốc được xếp vào dạng kỳ quan như Cột mốc số 42 trên đỉnh Pu Si Lung, ngọn núi án ngữ biên cương cao nhất thuộc địa phận xã Pa Vệ Sử của huyện Mường Tè, hay cột mốc 79 thuộc xã Mồ Sì San của huyện Phong Thổ là cột mốc cao nhất trên toàn tuyến biên giới của Việt Nam...

Ảnh: Viết Hà.

Ảnh: Viết Hà.

Thông thường mỗi chuyến tuần tra biên giới trên dãy Hoàng Liên Sơn thường kéo dài từ 3-5 ngày tùy thuộc vào thời tiết. Mỗi tháng hai lần thực hiện nhiệm vụ, đường tuần tra biên giới chưa có nên cách duy nhất để lên mốc là lội suối, băng rừng theo bản đồ vừa đi vừa mở lối.

Ngày đi đêm nghỉ nhưng đêm mùa đông trên dãy Hoàng Liên Sơn nhiều nơi băng tuyết, rét cắt da cắt thịt, đốt bao nhiêu lửa cũng không tài nào ngủ nổi, anh em vừa run cầm cập vừa động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Gian nan, nguy hiểm đến mức đã có người ngã xuống. Đó là dịp Tết cổ truyền năm 2009, vào thời khắc giao thừa đa phần anh em biên phòng ở Ka Lăng và cả Mường Tè còn đang chiến đấu với giặc lửa giữa rừng già.

Trong lúc mọi người ngồi nghỉ ngơi lấy sức, đá lớn từ trên núi cao ập xuống khiến một chiến sĩ biên phòng tử nạn. Những chuyến tuần tra gặp sự cố rơi từ vách núi, trượt lăn xuống sông xuống suối hay đói lả người đi phải ăn lá rừng cầm hơi là chuyện hết sức thường tình.

Có lẽ cũng vì nguy hiểm nên khi tôi ngỏ ý muốn tham gia một chuyến tuần tra với bộ đội biên phòng trên Hoàng Liên Sơn thì lãnh đạo Đồn biên phòng Ka Lăng từ chối. Hẹn nhà báo tầm này năm sau, không phải khó dễ gì nhưng cần rèn luyện sức khỏe, chứ giữa đường mà phải cử người gánh về thì quá làm khó anh em. Bao nhiêu đoàn công tác, bao nhiêu dân phượt đăng ký lên mốc rồi mà có mấy ai leo đến được tận nơi đâu.

Sông Đà đoạn chảy qua trung tâm huyện Mường Tè. Ảnh: Quốc Nhật.

Sông Đà đoạn chảy qua trung tâm huyện Mường Tè. Ảnh: Quốc Nhật.

III.

Dọc theo tuyến đường từ Thu Lũm, Ka Lăng, Pắc Ma, Tá Bạ xuôi theo bờ sông Đà ở Mường Tè bây giờ có khá nhiều bản làng của người La Hủ, một trong những dân tộc rất ít người được hồi sinh nhờ vào sự chung tay, góp sức của nhân dân khắp mọi miền đất nước.

Trung tá Phùng Nhù Giá nói, để có được những bản làng La Hủ như thế lại là cả một cuộc hành trình mấy mươi năm, tốn hết không biết bao nhiêu công sức, của cải. Xưa người La Hủ sống du canh du cư trên núi, biệt lập với thế giới bên ngoài nên đứng trước nguy cơ tuyệt diệt, có những thời điểm chỉ còn xấp xỉ có ngàn người.

Từ năm 2009, bộ đội biên phòng bắt đầu công cuộc hồi sinh người La Hủ bằng việc kêu gọi nguồn kinh phí lập bản, xây nhà tình nghĩa, lên rừng vận động người La Hủ bỏ lều lán về bản, dạy họ trồng lúa nước, chăn nuôi. Ròng rã nhiều năm trời, mặc dù còn lắm gian truân nhưng theo thống kê mới đây người La Hủ ở Lai Châu đã tăng lên gần một vạn.

Tây Bắc nơi thượng nguồn sông Đà tự bao đời nay vẫn như vậy. Dẫu còn muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng đó là vùng đất biết ghi nhớ công ơn những người mở đường, biết hi sinh khi Tổ quốc cần.

Tuần biên. Ảnh: Quốc Nhật.

Tuần biên. Ảnh: Quốc Nhật.

Xuôi nữa là những Bum Tở, Nậm Củm, Nậm Nhùn, Sìn Hồ đến những bản làng ở Mường Lay (Điện Biên), Quỳnh Nhai (Sơn La)… Đó là những bản làng tái định cư từ những cuộc di dân lịch sử nhường quê hương cho các công trình thủy điện, để biến dòng sông hung dữ nhất Đông Dương trở thành dòng sông năng lượng, dòng sông ánh sáng hàng đầu châu lục với xấp xỉ gần 50 công trình thủy điện lớn nhỏ.

Cột mốc số 18 cách Hà Nội gần 600km. Ảnh: Google Maps.

Cột mốc số 18 cách Hà Nội gần 600km. Ảnh: Google Maps.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ùn tắc bến phà ra đảo Cát Bà dịp 30/4 và 1/5

HẢI PHÒNG Ngày 28/4, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về bến phà Đồng Bài để ra đảo Cát Bà khiến giao thông tắc nghẽn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm