| Hotline: 0983.970.780

Dưới trời nắng hạn [Bài 3]: Đội trưa nắng giữ rừng trên cát

Thứ Tư 23/08/2023 , 10:03 (GMT+7)

Công việc trực chòi canh đơn giản nhưng không được lơ là, bởi chỉ lơ đi vài phút thôi là cả cánh rừng hàng chục ha sẽ bị thiêu trụi trong nắng hạn này.

Cả vùng cát như nóng rực lên dưới cái nắng thiêu đốt từ sáng đến chiều tối. Cái chòi canh cao trên mặt cát bỏng chưa đầy chục mét là hai chú cháu đang chịu đựng cái nắng và những cơn gió khô khốc chợt ào qua.

Ông Trần Hữu Cảm (một bảo vệ rừng bán chuyên trách ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đứng dõi mắt nhìn ra xa một lúc rồi quay lại nói với chúng tôi: “Nhìn một hồi trong nắng là lóa mắt đấy. Trong chòi thì cũng nóng như ngoài trời thôi, nhưng anh em phải cố gắng. Có như vậy mới phát hiện được khói lửa mà báo động cho lực lượng dập lửa, cứu rừng”.

Tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng

Diện tích rừng ven biển phía nam tỉnh Quảng Bình trên  20.000 ha, chủ yếu là cây phi lao nhằm mục đích phòng hộ. Tuy sinh trưởng được trên vùng cát nhưng cây phi lao rất cằn cỗi, cây lá kim nên tán cây rất hạn chế. Bù lại, dưới các cánh rừng phi lao giữa triền cát trắng là mạch nguồn nước ngầm chảy về các làng quê ven biển, giúp người dân sinh sống ổn định từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lá, cành cây phi lao tuy nhỏ nhưng rất nhiều nên khi khô gãy đổ xuống thành lớp thực bì dưới gốc rất dày, tạo nên nguy cơ cháy rất cao.

Rừng phi lao phòng hộ ven biển luôn bị đe dọa bởi cháy vào mùa hạn. Ảnh: T.Đức.

Rừng phi lao phòng hộ ven biển luôn bị đe dọa bởi cháy vào mùa hạn. Ảnh: T.Đức.

Những năm gần đây, Quảng Bình đã chuyển một phần diện tích rừng, đất rừng sang phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hạ tầng vùng cát. Vì vậy, diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất luôn bị xen lẫn nhau theo từng vùng. Xen với rừng phi lao là thảm thực vật với nhiều cây cỏ rúi, rười, cỏ đuôi chồn… thân lá khô cong trong mùa hạn nên rất dễ bắt lửa và khi cháy thì lây lan với tốc độ nhanh.

Những búi cỏ này khi cháy bị gió cuốn bay lên nên việc phát cháy diện rộng rất lớn, và lan rất nhanh. Anh Tâm - cán bộ  bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình cho hay, còn nhiều loại cỏ khác mọc giữa cát mùa này thiếu nước, cháy khô tạo nên lớp thực bì dày gây nguy cơ, gây cháy rừng với mức độ nghiêm trọng.

Bài liên quan

“Tôi đã chứng kiến nhiều vụ cháy rừng. Chỉ trong vài chục phút, đám cháy lan nhanh ra đến cả vài hec-ta rừng rồi”, anh Tâm nói.

Mặt khác, với diện tích rừng trên cát ven biển Quảng Bình có nhiều khu dân cư và các tuyến đường, trong đó có tuyến đường tránh Quốc lộ 1A xuyên qua nên các hoạt động trong đời sống xã hội đều là nguy cơ gây cháy rừng cao như ngọn tre.

Đã có đám cháy xuất phát từ cánh lái xe. Chạy đường dài nên đến đây thoáng, họ dừng xe nghỉ ngơi và hút thuốc. Tài xế vô tình búng tàn thuốc về phía cây phi lao rồi lên xe đi. Tàn thuốc ngún dần và bốc lửa thành đám cháy lớn…

Một nguyên nhân nữa là do người dân hút thuốc trong quá trình vào rừng kiếm củi và cắt cỏ, xe khách bắc nam dừng chân cho khách nghỉ chân, vệ sinh cá nhân. Hay người dân đốt đồ vàng mã, dâng hương ở các nghĩa trang đến việc đốt rác vô ý thức.

Chòi canh lửa trên đồi cây ở xã Hồng Thủy. Ảnh: T.Đức.

Chòi canh lửa trên đồi cây ở xã Hồng Thủy. Ảnh: T.Đức.

Diện tích rừng trên cát được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình quản lý, bảo vệ. Ông  Đinh Thanh Quang, Giám đốc ban cho hay, nhiệm vụ phức tạp nhất là việc bảo vệ rừng ven biển, khi mà trên đó có khu dân cư, đường tránh thành phố, hệ thống đường công tác của dự án điện gió… nên lượng người vào rừng, có hành vi xâm hại đến rừng rất khó kiểm soát. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng của Ban chỉ có 30 người. Trong đó có 17 bảo vệ rừng chuyên trách và 13 hợp đồng bán chuyên trách.

Ngồi giữa nắng canh lửa cho rừng

Buổi sáng, chúng tôi đến Trạm bảo vệ rừng Dinh Mười, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình, anh Trần Văn Châu, phụ trách Trạm cho biết, đơn vị được giao quản lý gần 4.000 ha rừng, trong đó có gần 1.000 ha rừng phòng hộ trên địa bàn 4 xã của các huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.  Đây là các địa bàn trọng điểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Vì thế, vào mùa nắng nóng, đơn vị đã chủ động trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm hạn chế tối đa việc xảy ra cháy rừng.

Ông Trần Hữu Cảm: 'Nếu lơ là một chút là cháy rừng trên cát xảy ra ngay'. Ảnh: T. Đức.

Ông Trần Hữu Cảm: “Nếu lơ là một chút là cháy rừng trên cát xảy ra ngay”. Ảnh: T. Đức.

Cũng theo anh Châu, Trạm có 3 bảo vệ rừng chuyên trách và 4 người là hợp đồng bảo vệ rừng bán chuyên trách. Vào mùa hạn, Trạm tập trung vào việc xử lý thực bì có điều kiện. Tuy nhiên, việc phát đốt thực bì có nhiều khó khăn do diện tích rừng lớn, khối lượng nhiều nên mới thực hiện ở dọc tuyến đường tránh, một số điểm có nguy cơ cháy rừng rất cao ở các địa phương mà thôi.

Ông Trần Hữu Cảm (ở xã Gia Ninh), đã gần 75 tuổi nhưng còn tráng kiện, leo chòi canh rừng còn thoăn thoắt, cho biết đã gắn bó với rừng ven biển gần 30 năm nay. Bây giờ, chỉ cần nói rừng ở tọa độ nào, khu vực nào là ông đều nắm rất chắc và chỉ cho con đường đi đến đó ngắn nhất. Công việc bảo vệ rừng bán chuyên trách của ông là trong mùa nắng nóng, trực trên chòi canh từ sáng đến tối để nhìn, phát hiện dấu hiệu của khói bay giữa rừng, từ đó định ra vị trí rồi gọi điện báo cho trưởng trạm để kịp thời điều lực lượng đến hiện trường kiểm tra, dập lửa.

Theo ông Cảm, công việc trực chòi canh đơn giản nhưng không được lơ là, bởi chỉ lơ đi vài phút thôi, khi khói bốc lên cao, lửa bén vào lớp thực bì cháy lan thì chữa cháy rất vất vả, thiệt hại lớn.

“Từ đầu hè đến giờ, tôi trực chòi canh và phát hiện sớm được 3 vụ cháy nên báo cho lực lượng dập lửa kịp thời, tránh được thiệt hại lớn cho rừng”, ông Cảm nói thêm.

Giữa trưa nắng, lực lượng bảo vệ rừng vẫn phải chạy xe máy đi tuần rừng để sớm phát hiện đám cháy có thể xảy ra. Ảnh: T. Đức.

Giữa trưa nắng, lực lượng bảo vệ rừng vẫn phải chạy xe máy đi tuần rừng để sớm phát hiện đám cháy có thể xảy ra. Ảnh: T. Đức.

Gần 10 giờ, trên chòi canh không khí nóng như rang. Dù ông Cảm đã “sáng chế” làm mái chống nóng bằng các vật liệu cách nhiệt treo lên mái chòi nhưng cái nóng vẫn như không giảm. Gió thổi qua ô cửa như làm cho con người thêm khô và khát nước. Can nước 20 lít dùng cho một ngày nên uống cũng dè sẻn chứ không thỏa sức được.

“Cả trưa chiều ngồi trên này mà có cảm giác như ngồi giữa cát nóng vậy. Nhưng mọi người cũng phải chịu khó chứ nhiệm vụ không thể lơ là”, ông Cảm bộc bạch thêm.

Khi chúng tôi xuống chòi canh đi chưa xa thì ông Cảm gọi báo có đám khói bất thường đang bốc lên ở vùng xã Võ Ninh. Mấy anh em chúng tôi lên ô tô bán tải, trên xe có thiết bị chữa cháy tự tạo gồm bình chứa 1.000 lít nước, máy bơm và đường ống nhựa dài 200 m, chạy nhanh về đó.

Lúc này, đã gần 12 giờ trưa, đám cháy rừng ở khu vực thôn Hà Thiệp (xã Võ Ninh) do người dân đốt rác, gặp gió lớn, tàn lửa bén qua vạt cỏ đuôi chồn bùng cháy lan rộng và cháy rừng phi lao. Anh Nguyễn Đăng Sơn, Phó Giám đốc Ban cùng chúng tôi khẩn trương kéo ống nhựa về điểm cháy và nổ máy bơm phun nước dập lửa, đồng thời gọi báo lực lượng chữa cháy của huyện tiếp ứng. Nhờ phát hiện nhanh, lực lượng chữa cháy đông và thêm nhiều ô tô chữa cháy tự chế tiếp sức nên khoảng 2 giờ đồng hồ sau, đám cháy được khống chế, diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 1 ha.

Dập lửa cứu rừng phi lao trên cát tại xã Võ Ninh. Ảnh: T. Đức.

Dập lửa cứu rừng phi lao trên cát tại xã Võ Ninh. Ảnh: T. Đức.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Đăng Sơn cho biết, đơn vị luôn tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Trạm bảo vệ rừng ghi chép vào sổ nhật ký trực, phân công ca trực, lịch trực tại các chòi canh lửa và các khu vực rừng dễ xảy ra cháy rừng. Dù trưa nắng nhưng anh em thực thi nhiệm vụ là phải chạy trên các tuyến đường gần khu vực dân cư để nhắc nhở bà con không đốt rác ở rừng, hoặc phải dập lửa nếu bà con đốt rác và bỏ đi. 

Một khó khăn nữa mà Ban đang phải gánh là hiện có trên 7.000 ha rừng phi lao phòng hộ đã chuyển sang rừng sản xuất. Kinh phí bảo vệ rừng này đã bị cắt, nhưng nhiệm vụ bảo vệ, chống cháy rừng thì Ban phải chịu trách nhiệm. “Không có kinh phí để hợp đồng bảo vệ rừng tại chổ ở các địa phương nên anh em cứ phải căng mình đi trong nắng lửa để giữ rừng”, anh Sơn chia sẻ thêm.

Từ sáng sớm, anh em ở Trạm gói cơm, chở can nước chạy xe máy đi đến các chòi canh lửa được bố trí ở đồi cát cao, tầm quan sát rộng để canh lửa. Chòi được xây kiên cố với 4 chân xi măng cao cách mặt đất chừng 9-10 m. Trên đó, được đổ mái diện tích chừng 6m2. Hàng ngày, anh em trực trèo lên đó để quan sát cả 4 phía. Khi phát hiện điểm nào có khói bất thường là báo cho lực lượng và nhanh chóng đến điểm đó để xác minh là cháy rừng hay do người dân đốt rác.

Xem thêm
TP.HCM bổ sung thêm hai Phó Chủ tịch UBND thành phố

TP.HCM Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn lao động và ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy được bầu làm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.