| Hotline: 0983.970.780

'Dứt khoát không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế-xã hội, truyền thông'

Thứ Bảy 31/07/2021 , 09:52 (GMT+7)

Thủ tướng nhấn mạnh, dứt khoát không để xảy ra khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế - xã hội, không để khủng hoảng truyền thông trong quá trình chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu dứt khoát không để khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế - xã hội, không để khủng hoảng truyền thông. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu dứt khoát không để khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế - xã hội, không để khủng hoảng truyền thông. Ảnh: VGP.

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã tích cực, quyết liệt triển khai phòng chống dịch với mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết.

Đồng thời, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội tại những nơi an toàn về phòng chống dịch, mục tiêu cuối cùng là vì ấm no, an toàn, hạnh phúc của nhân dân.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số địa phương ở miền Nam, miền Trung. Tình hình dịch bệnh cũng rất phức tạp trên thế giới, nhất là biến chủng Delta bùng phát mạnh, lây lan nhanh và tử vong tại nhiều nước, kể cả các quốc gia đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao.

Thủ tướng nêu rõ những hạn chế, bất cập trong công tác chống dịch thời gian qua. Trong đó, hạn chế, bất cập lớn nhất là khâu tổ chức thực hiện. Các chủ trương, đường lối, chính sách, quy trình rất nhất quán, rõ ràng, bám sát thực tiễn nhưng việc tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa đạt hiệu quả, thậm chí còn trì trệ. Vẫn còn có nơi, có lúc có biểu hiện rất lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi dịch đã đi qua; mất bình tĩnh, lo sợ, hoảng hốt, lúng túng, bị động, mất kiên trì khi dịch bùng phát.

Việc chuẩn bị "4 tại chỗ" chưa tốt, đặc biệt khi dịch bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp thì mất kiểm soát, không có khả năng đáp ứng. Một bộ phận người dân chưa nhận thức được hết về nguy cơ lây lan, phát triển của dịch, cho nên ý thức chấp hành các quy định, hướng dẫn chưa nghiêm.

Cùng với đó, một số địa phương thực hiện các Chỉ thị 15, 16 còn chưa nghiêm ngặt, có lúc chập chờn, người dân vẫn đi lại, tụ tập, giao lưu, không đeo khẩu trang, trong khi chính quyền lại chủ quan vì đã áp dụng các Chỉ thị, kiểm tra, giám sát, kỷ luật, xử lý vi phạm không nghiêm. Bên cạnh đó, dịch bệnh với biến chủng mới chưa có tiền lệ nên nhiều vấn đề chưa lường hết được.

"Dịch lây giữa người với người, nên chấp hành nghiêm việc giãn cách thì ngăn chặn ngay được sự lây lan", Thủ tướng nhắc đi nhắc lại, nhấn mạnh nội dung này.

Theo Thủ tướng, chúng ta vẫn nhất quán mục tiêu chống dịch hiệu quả với mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết, đồng thời phát triển kinh tế xã hội, phát triển đất nước để có nguồn lực chống dịch và bảo đảm ấm no, hạnh phúc, an toàn cho người dân.

Trên phạm vi cả nước trong lúc này, cần tập trung ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh thì mới phát triển được kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, bám sát thực tiễn, tận dụng tối đa khả năng có thể để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, những nơi an toàn có điều kiện thì mở rộng sản xuất, “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

Theo Thủ tướng, kinh nghiệm vừa chống dịch, vừa sản xuất đã có tại nhiều địa phương và việc tổ chức sản xuất tốt cũng là một biện pháp cách ly nếu an toàn.

Một mục tiêu khác là dứt khoát không để khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế - xã hội, không để khủng hoảng truyền thông, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ dịch bệnh Covid-19 với virus SARS-Cov-2 và các biến thể là căn bệnh thế kỷ, tạm thời chưa có thuốc điều trị, vì vậy, phải có chiến lược tiếp cận, nhiệm vụ, giải pháp mới hơn.

Phải xác định cuộc chiến đấu này còn rất trường kỳ, lâu dài, vất vả, kể cả khi có vacxin cũng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, phải chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, biện pháp phù hợp, bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, linh hoạt, cương quyết, quyết liệt nhưng rất mềm dẻo, phù hợp với từng nơi, từng lúc.

    Tags:
Xem thêm
Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.