| Hotline: 0983.970.780

Duyên nợ cây điều

Thứ Năm 14/01/2016 , 06:31 (GMT+7)

Năm nay đã bước qua tuổi 71, nhưng ông Phạm Văn Đẩu, hội viên Hiệp hội Điều VN (Vinacas) vẫn chạy ngược xuôi nhiều tỉnh thành để chuyển giao kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều giúp nông dân.

Chúng tôi đến nhà thăm ông, ngôi nhà nằm bên trong con đường nhỏ yên tĩnh, ngoài sân rợp bóng cây cảnh và rộn tiếng chim hót tại thị trấn Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Ông khoe với chúng tôi vừa mới đi liên tục 20 điểm thực hiện chuyển giao kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Đạ Hoai, tỉnh Lâm Đồng. Đây là một trong hàng trăm điểm ghép cải tạo được Vinacas bỏ kinh phí ra thực hiện nhằm giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng vườn điều và ông là một trong những chuyên gia thực hiện công tác này.

Ông bảo chuyến đi mất rất nhiều công sức, thời gian vì địa bàn nằm rải rác nhiều nơi, lại xa xôi, hẻo lánh, nhưng “giúp được nông dân trồng điều là tôi vui rồi”.

Ông cũng khoe vừa xây dựng xong 2 đĩa phim hướng dẫn về ghép cải tạo vườn điều, trong đó trình bày toàn bộ kỹ thuật ghép từ A tới Z, giúp nông dân tìm hiểu một cách sinh động, dễ học, dễ làm theo. “Dự định sắp tới sẽ chuyển phụ đề qua tiếng Anh, Pháp để khi Vinacas có những dự án hợp tác quốc tế, ví dụ như giúp đỡ nông dân các nước châu Phi ghép cải tạo vườn, thì sẽ có ngay để chuyển giao”, ông hồ hởi nói.

Quay trở lại năm 1983, thời điểm ông đang làm việc tại Viện Khoa học Lâm nghiệp VN và được cử vào phụ trách Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp đóng ở Trảng Bom. Lúc đó ông chưa có suy nghĩ nhiều về điều, chỉ thi thoảng đi thăm các vùng điều Bình Phước, Bình Thuận và dự tính đơn giản trồng điều để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Đến năm 1988, lúc đó VN nhận được tài trợ của FAO dự án nghiên cứu, phát triển cây điều và ông được cử sang làm Phó Giám đốc phụ trách mảng đào tạo cho dự án. Đây là giai đoạn ông đi sâu vào nghiên cứu, chọn tạo được nhiều giống điều tốt.

Năm 1989 - 1990, ông trực tiếp đi tuyển chọn giống điều ở nhiều vùng do chuyên gia FAO hướng dẫn, sau đó tiến hành khảo nghiệm ở huyện Bàu Bàng, tỉnh Sông Bé cũ (nay thuộc Bình Dương). Sau đó, các giống đạt yêu cầu được dự án mang trồng tại Phước Long và đến nay nhiều giống đang phát huy hiệu quả tại “thủ phủ” điều Bình Phước. 

Ông Đẩu khẳng định, Vinacas đã xây dựng rất thành công các mô hình và tạo ra phong trào ghép cải tạo vườn điều rộng khắp ở nhiều tỉnh thành. Vấn đề tiếp theo là lãnh đạo các tỉnh phải vào cuộc, Sở NN-PTNT và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh phải lồng ghép chương trình hướng dẫn ghép cải tạo cho nông dân. Nếu các tỉnh có quyết tâm cao, chắc chắn sẽ tạo cú bứt phá về năng suất, chất lượng và thu nhập cho nông dân trồng điều trong những năm tới.

Tiếp tục từ năm 1992 - 1995, ông đi chọn giống điều cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, có những giống chỉ sau 2 năm trồng đã cho 4 - 5 cân hạt/cây. Đến nay, nhiều giống điều do ông chọn tạo đã được trồng đại trà tại nhiều khu vực Đông Nam bộ. Với kinh nghiệm dày dạn, ông cũng đã từng qua Campuchia giúp nông dân nước này về chọn tạo giống điều theo thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Kampong Thom.

Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động của ngành điều, đặc biệt là các sự kiện của Vinacas. Đầu năm 2014, ông phát hiện ra vườn điều ghép cải tạo hiệu quả tại Bù Gia Mập (Bình Phước) và nhận thấy đây sẽ là mô hình cần nhân rộng cho nông dân. Ông đã trình bày với ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas tìm cách xây dựng các điểm trình diễn và tổ chức hội nghị tại các địa phương phổ biến kỹ thuật này.

Ban đầu nhiều ý kiến nghi ngờ cây điều ghép dễ bị gãy đổ, sâu bệnh phá hoại và năng suất thất thường (năm được năm mất). Ông đã cùng với một số thành viên khác của Vinacas chứng minh bằng thực tế và các số liệu khoa học, khẳng định việc ghép sáng tạo của nhóm nông dân Bù Gia Mập là đúng đắn, nhiều năm qua đã cho thu hoạch năng suất vượt trội trên 4 tấn/ha.

Ngay trong năm 2014, Vinacas đã quyết định đầu tư hàng chục mô hình ghép cải tạo vườn điều ở Bình Phước và Đồng Nai. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng đã đích thân tới tận vườn ghép của các hộ nông dân này và đánh giá cao phương pháp ghép do Vinacas hỗ trợ thực hiện.

Từ đà này, Vinacas tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm hàng trăm mô hình ghép cải tạo tại nhiều tỉnh thành phía Nam. Ông Đẩu là một trong những người trực tiếp đến với nông để cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con cách học, cách làm.

Đến nay, nhiều vườn điều sau khi ghép đã cho tỷ lệ sống lên đến 80 - 90%, tạo nên khí thế mới cho các vùng trồng điều tại Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Lâm Đồng…

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.