| Hotline: 0983.970.780

Đi dọc vùng bãi ngang

Êm đềm sau rặng phi lao...

Thứ Hai 17/10/2022 , 10:08 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Không xô bồ, tấp nập tàu thuyền vươn khơi, người dân Vĩnh Thái êm đềm với nghề biển và ngày càng sung túc.

Bên cạnh đó, gần đây, nghề chế biến các sản phẩm hải sản và một số cây trồng mới có giá trị cũng đang mở ra tiềm năng ở vùng đất gió Lào cát trắng này.

Ở nơi biển ngày càng nhiều tôm cá

Bài liên quan

Càng về trưa, cái nắng ở biển Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) càng gay gắt. Gió từ biển thổi vào khiến những rặng phi lao chạy dài ven biển reo hò, ôm cát trắng và cả những cụm dân cư thưa thớt ở xã bãi ngang Vĩnh Thái vào lòng.

Ông Nguyễn Hữu Trường, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái nay đã ngoại ngũ tuần, dáng người nhỏ thó, nước da bánh mật, khuôn mặt rám nắng và giọng nói to, ồm ồm đúng chất dân vùng biển. Tạt vào một quán nước ven đường, ánh mắt nhìn ra phía biển xanh đang vỗ rì rào, ông Trường nói như đinh đóng cột: “Không gì có thể ngăn cản chúng tôi ra khơi”.

Empty

Ngư dân vùng bãi ngang Vĩnh Thái chuẩn bị cho một chuyến biển. Ảnh: Võ Dũng.

Bài liên quan

Ấy là ông Trường đang nói cả chính bản thân ông. Là chủ tịch xã nhưng những tối đẹp trời, gặp con nước, ông lại một mình một thuyền cưỡi sóng ra vùng lộng đánh bắt cá tôm. Trước là để kiếm nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu gia đình, sau cũng là để cải thiện kinh tế gia đình. Nó như là một thói quen "cha truyền con nối" rất khó bỏ của ông cũng như ngư dân vùng bãi ngang Vĩnh Thái.

“Đêm nào trúng có khi còn được vài ba triệu bạc. Đấy, hai tối vừa rồi, ngư dân Vĩnh Thái trúng đậm cá chim trắng, cá chang bè. Có thuyền, 2 lao động, sau 4 - 5 giờ đồng hồ đánh bắt, trừ chi phí lãi gần 30 triệu đồng. Nhưng mỗi năm chỉ được một vài bận như thế vào dịp đầu tháng 9 thôi”, mắt ông Trường sáng lên, hồ hởi.

Ở xã bãi ngang Vĩnh Thái, dân cư thưa thớt, nhà cửa nép mình sau những rặng phi lao, xung quanh bốn bề cát trắng. Nghèo khổ dường như là một thứ đặc sản ở vùng đất này khi đây được xếp vào xã có điều kiện khó khăn nhất của huyện.

Bài liên quan

Toàn xã chỉ có 32ha lúa nước, đất pha cát trắng dưới cái nắng chói chang mùa hè tưởng chừng như không loài sinh vật nào có thể tồn tại. Vì thế, cách duy nhất để người dân Vĩnh Thái cải thiện cuộc sống là nhìn ra biển. Biển xanh bao la bao đời nay đã ôm ấp, nuôi sống nhiều thế hệ người dân Vĩnh Thái.

Thế nhưng, là một xã vùng bãi ngang, luồng lạch vào bờ cạn, những con thuyền ở đây chỉ hạn định ở chiều dài 4 - 6 m, công suất tối đa chỉ trên 20 CV. Vì thế, nói là ra khơi nhưng thực chất là người dân ra lộng đánh cá. Thời gian ra biển thường vào lúc mặt trời đỏ rực, là là phía bên kia mặt biển. Lúc ấy, ngư dân các làng ở Vĩnh Thái mới nổ máy ra chừng 2 - 3 hải lý câu mực, đánh đèn (dùng đèn thắp sáng, dụ cá theo và vợt cá), thi thoảng cũng có người đi đánh lưới vây.

Empty

Ông Nguyễn Hữu Trường, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái kể về nghiệp gắn với nghề biển của chính mình và người dân Vĩnh Thái. Ảnh: Võ Dũng.

Các loại hải sản ở vùng lộng biển Vĩnh Thái thường là cá me, cá duỗi, cá chim trắng…  Sau khi cá vừa lên bờ, tư thương đã chờ sẵn để thu mua. Những hôm rẻ quá, phụ nữ làng biển Vĩnh Thái lại chở về chợ xa để bán. Nhịp sống cứ như thế êm đềm trôi qua, không có cảnh xô bồ, tấp nập như chốn thị thành hay các chợ huyện, chợ xã.

“Mùa hè, cứ 6 - 7 giờ tối là ngư dân nổ thuyền ra lộng. Câu mực, đánh cá tầm 5 - 6 tiếng thì quay thuyền vào bờ. Đến rạng sáng, tư thương đã ngồi chờ sẵn trên bờ. Xưa các bà, các mẹ gồng gánh đi chợ bán nhưng nay có phương tiện nên gần như cá được đưa về các chợ xa, chỉ tầm giữa giờ sáng là bán hết”, ông Nguyễn Văn Thế tại thôn Thái Lai tâm sự.

Toàn xã Vĩnh Thái chỉ có chưa đầy 50 chiếc thuyền khai thác trong lộng và đa phần công suất nhỏ. Nhưng điều rất lạ là trong khi các vùng biển khác đang ngày càng khan hiếm cá tôm thì kể từ năm 2016 đến nay, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân Vĩnh Thái liên tục tăng. Năm 2020, 2021, xã đặt mục tiêu khai thác 800 tấn nhưng thực tế đạt trên 1 nghìn tấn. Năm 2022, xã đặt mục tiêu khai thác 900 tấn nhưng đến đầu tháng 9, ngư dân Vĩnh Thái đã khai thác được trên 700 tấn tôm cá các loại.

Những niềm hi vọng...

Ở tuổi 45, ông Nguyễn Văn Thế tại thôn Thái Lai (xã Vĩnh Thái) tự cho mình là người trẻ tuổi nhất ngày ngày vẫn đi biển. Bởi theo ông, lớp trẻ bây giờ, sau khi học hành đỗ đạt đều phấn đấu để đi làm công ăn lương, đi làm ăn xa, một số ở nhà làm công nhân ở các nhà máy trong huyện.

Empty

Nhịp sống êm đềm trên bờ biển Vĩnh Thái. Ảnh: Võ Dũng.

Nhưng theo nghề đánh cá, không nhiều xã bãi ngang, xã vùng biển có nguồn thu nhập lớn và ổn định như ở Vĩnh Thái. Không xô bồ, không tấp nập tàu thuyền ra khơi nhưng với nhịp sống ở vùng đất này, từ nguồn đánh bắt, bình quân mỗi tháng riêng ông Thế cũng có nguồn thu tằng tằng 10 triệu đồng.

“9 tháng đầu năm nay riêng tôi đi biển đã có nguồn thu trên 120 triệu đồng. Mùa hè thường đánh bắt được nhiều hơn, mùa đông thì ít nhưng thuyền nhỏ, chi phí thấp, cá tôm cứ đều đều nên hầu hết các gia đình ở đây đều có nguồn thu trên dưới 7 triệu đồng/tháng từ đi biển. Riêng tôi, những ngày nghỉ thường ở nhà làm nghề sửa chữa, đóng mới tàu thuyền. Mới đây gia đình tôi du nhập thêm nghề làm nước mắm truyền thống nữa nên cũng có thêm nguồn thu”, ông Thế chia sẻ.

Rồi ông Thế tiếp tục câu chuyện: Vào năm 2016, khi một số hộ tại Vĩnh Thái được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị chuyển giao kỹ thuật làm nước mắm truyền thống. Nguồn nguyên liệu chủ yếu là gia đình tự đánh bắt, thu mua trong xã. Hộ nào không đủ nguyên liệu thì xuống Cửa Tùng, Cửa Việt mua thêm cá nguyên liệu.

Vợ ông Thế, ngoài tham gia công tác tại địa phương còn phụ giúp chồng làm nước mắm. Bình quân, mỗi năm gia đình ông Thế sử dụng 8 tấn nguyên liệu, làm ra 4 nghìn lít nước mắm loại 1. Nước mắm cá cơm Vĩnh Thái không chỉ có mặt ở thị trường trong tỉnh mà còn được giới thiệu bán ở một số tỉnh bạn.

Empty

Ông Nguyễn Thế Lai kể về việc du nhập nghề làm nước mắm truyền thống vào địa phương. Ảnh: Võ Dũng.

Từ những nguồn thu này, gia đình ông nuôi 2 đứa con hiện đang học đại học, xây dựng nhà cửa khang trang và mua sắm các vật dụng trong nhà.

Điều mà ông Thái cũng như nhiều ngư dân Vĩnh Thái mong muốn là ngày càng có nhiều con em mạnh dạn trở về làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Giờ thì Vĩnh Thái đã du nhập thêm nhiều nghề mới, hi vọng ấy của ông Thế đang ngày càng biến thành hiện thực.

Ông Nguyễn Hữu Trường, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái thông tin thêm: Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 16%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 16 triệu đồng/người/năm. Thế nhưng, thời điểm năm 2020, khi xã về đích NTM, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 4%, thu nhập bình quân đầu người gần 40 triệu đồng/người/năm. Đó quả là một bước tiến lớn của một xã bãi ngang tại vùng gió Lào cát trắng.

Có được những đổi thay trên, theo ông Trường, đó là kết quả của việc chính quyền xã, người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; một phần đất màu pha cát kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng hành tăm và cây môn nít.

Toàn xã hiện có trên 40ha hành tăm cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/năm; cây môn nít cũng cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm. Chúng đã trở thành những cây trồng thay thế hiệu quả cho cây khoai lang, sắn, lạc vốn năng suất, hiệu quả kinh tế thấp tại Vĩnh Thái.

Empty

Vĩnh Thái cần được đầu tư hạ tầng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản và du lịch biển. Ảnh: Võ Dũng.

Điều khiến không chỉ ông Trường mà rất nhiều người dân Vĩnh Thái nuối tiếc đó là nuôi trồng thủy sản trong những năm lại đây tại địa phương không đem lại hiệu quả như kỳ vòng. Dù rất gần với biển, nguồn nước trong xanh nhưng hầu hết các hồ nuôi tôm thẻ chân trắng tại đây thất bát. Nhiều hộ đã chuyển đầm tôm sang nuôi thử nghiệm cá kình, cá dìa. Bên cạnh đó, tiềm năng du lịch biển Vĩnh Thái vẫn còn bỏ ngỏ. Đó thực sự là những tiềm năng cần phải khai thác để phát triển kinh tế vùng đất này.

“Vĩnh Thái có tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nhưng hiện vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Nghe đâu có một dự án nuôi tôm công nghệ cao đang về khảo sát ở vùng đất này. Bờ biển Vĩnh Thái đẹp, thơ mộng nhưng tuyến giao thông nối từ Quốc lộ 1A về Vĩnh Thái chưa được đầu tư nâng cấp, hạ tầng du lịch ở đây gần như chưa có gì. Hai tiềm năng trên, nếu phát huy được, trong một tương lai không xa, Vĩnh Thái sẽ là một điểm đến lý tưởng của du khách cũng như các nhà đầu tư. Đó sẽ là điều kiện thuận lợi để người dân Vĩnh Thái thực sự đổi đời”, ông Nguyễn Hữu Trường, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái hi vọng.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm