| Hotline: 0983.970.780

Ép xanh - một cách bón phân hữu cơ độc đáo

Thứ Năm 02/07/2009 , 10:08 (GMT+7)

Từ những năm đầu thập kỷ 60 một số công nhân nông trường Đông Hiếu (Nghệ An) đã có sáng kiến sử dụng lượng cỏ xanh, các loài cây phân xanh được dẫy ra trong quá trình làm cỏ, chăm sóc kết hợp với một ít phân trâu bò tươi và vôi bột đào hố ủ tại chỗ thành một loại phân hữu cơ rất tốt gọi là ép xanh để bón cho các vườn cây ăn quả lâu năm (cam, chanh, quýt, bưởi, nhãn, vải, hồng…), cây công nghiệp dài ngày (cao su, cà phê, chè…) đưa lại kết quả rất tốt.

Với cách làm này bà con thu được nhiều cái lợi: tiết kiệm chi phí mua phân bón, cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, ít bị sâu bệnh gây hại, đặc biệt là tuổi thọ vườn cây và thời gian cho thu hoạch kéo dài dẫn đến chu kỳ kinh tế cũng kéo dài nên hiệu quả kinh tế tăng cao. Sáng kiến này nhanh chóng được Bộ Nông trường trước đây tổng kết, đánh giá và phổ biến nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, dưới sức ép của vấn đề an ninh lương thực và xu hướng vô cơ hóa phân bón của thế giới, nền nông nghiệp nước ta cũng chịu ảnh hưởng lớn, nhiều nơi còn lạm dụng việc sử dụng phân bón hóa học như một biện pháp tăng nhanh năng suất cây trồng mà coi nhẹ vai trò cải tạo đất, bảo vệ cây trồng của phân bón hữu cơ, trong đó hầu như nhiều nơi đã quên lãng kỹ thuật ép xanh. Nhận thấy vai trò to lớn của phân bón hữu cơ trong việc nâng cao chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các nông sản nước ta trong xu thế hội nhập, là một cán bộ kỹ thuật đã từng hướng dẫn công nhân các nông trường nhiều năm làm kỹ thuật ép xanh, nay Cận tôi xin ghi lại ở đây, mong bà con các nơi tham khảo, áp dụng.

- Thời vụ ép xanh tốt nhất: Với các tỉnh khu vực phía Bắc nên làm vào các tháng 6, 7. Với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ nên ép xanh ngay sau khi mùa mưa sắp kết thúc. Đây là những tháng mà các loại cỏ dại trong vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt, lượng chất xanh nhiều thuận lợi cho việc ép xanh tại chỗ. Mặt khác, do nhiệt độ và độ ẩm trong đất còn cao nên quá trình phân hủy chất hữu cơ sẽ diễn ra nhanh, thuận lợi, cho chất lượng phân hữu cơ tốt nhất có lợi cho cây trồng, góp phần cải tạo lý tính, hóa tính của đất trồng.

- Chuẩn bị vật liệu: Cỏ tươi được cắt hoặc dẫy ra từ các băng và xung quanh tán cây; các loại cây trồng xen trên băng như lạc, đậu, vừng, cây phân xanh xung quanh bờ lô, bìa rừng… được chặt ngắn 5-7cm; thu gom các loại phân gia súc tươi như trâu, bò, ngựa, dê, lợn; chuẩn bị một ít vôi bột và phân lân.

- Cách làm: Với các vườn cây ăn quả, cây cà phê chưa kép tán, có thể đào rãnh hình bán nguyệt theo hình chiếu của tán cây hoặc khi đã khép tán thì đào rãnh chung giữa tán của 2 cây liền kề. Kích thước hố đào: chiều dài từ 1,5 đến 3m hoặc bằng 1/2 tán cây tùy theo độ lớn của cây; chiều rộng 20cm, sâu 20-30cm. Năm sau lại đào và ép xanh phía đối diện. Với cây chè nên đào rãnh dài theo chiều dài giữa 2 hàng chè để ép xanh. Với cây cao su, mỗi năm đào 1 hố có kích thước 1,5m x 0,5m x 0,5m về một phía của cây, các năm sâu lại đào và ép xanh các phía còn lại vừa để ép xanh, vừa làm hố dự trữ nước.

Chú ý: với những vùng đất dốc nên đào rãnh và ép xanh phía trên cao để phân chảy ngấm xuống dưới, tránh bị rửa trôi gây lãng phí. Mỗi hố cho xuống khoảng 100kg cỏ tươi, chất xanh (với cao su có thể quét gom lá khô để đốt rồi cho vào hố) + 15-20kg phân trâu bò tươi + 0,5-1kg phân lân. Trộn đều các loại vật liệu trong hố rồi lấp kín đất, tưới đủ ẩm, phía trên có tủ rơm, rạ, lá khô để giữ ẩm. 

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.