| Hotline: 0983.970.780

Gạc Ma - Ký ức không quên trong tâm trí mẹ: Những chàng trai Hòa Cường

Thứ Hai 14/03/2016 , 09:05 (GMT+7)

Trận chiến đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 cách đây 28 năm, 64 liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thiêng liêng...

Ở trận chiến anh dũng năm đó, có 9 người con của thành phố biển Đà Nẵng, trong đó có 7 chàng trai đến từ phường Hòa Cường. Ký ức về họ chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí người thân, gia đình, bạn bè.

Những ngày tháng 3, những người mẹ của họ lại thao thức hàng đêm không ngủ với bao kỷ niệm hiện về. Và nước mắt các mẹ lại rơi khi ngày giỗ của họ cận kề, ngày 14/3 hàng năm.

Những chàng trai mười tám đôi mươi

Ngôi nhà khang trang của mẹ Hồ Thị Lai (80 tuổi), mẹ liệt sĩ Trương Quốc Hùng nằm khuất trên con đường Nguyễn Xuân Ôn (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng).

Năm nay 80 tuổi, cái tuổi đã ở gần đất xa trời, nhiều chuyện trong đời mẹ không thể nhớ nổi. Vậy nhưng nhắc đến liệt sĩ Trương Quốc Hùng thì mẹ có thể ngồi kể đến cả ngày, kể từng chi tiết nhỏ nhất. “Thằng Hùng nó hiền, giỏi giang và thương mẹ cùng ông bà ngoại nhất nhà”, mẹ Lai tâm sự.

12-22-44_nh-1-me-lho-thi-li-me-liet-si-truong-quoc-hung
Mẹ Hồ Thị Lai, mẹ liệt sĩ Trương Quốc Hùng rưng rưng khóc khi nhắc đến con trai

Mẹ kể, Hùng là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh em trai. Nhà nghèo, các con của mẹ đều nghỉ học từ sớm để đi làm phụ giúp gia đình. Ngày đó, cả gia đình mẹ Lai sống chung với gia đình ông bà ngoại.

“Thằng Hùng nhỏ con nhất trong 4 anh em, sức khỏe cũng yếu nhất. Tay chân nó khéo léo, da mịn như da con gái. Nó siêng lắm. Đi làm về là gánh nước, chẻ củi cho mẹ. Mẹ làm công nhân quốc phòng ở trại nuôi heo suốt ngày, nó thay mẹ nấu ăn cho ông bà, rồi giã gạo. Mẹ không có con gái mà nó làm thay tất cả. Biết ông bà ngoại thích ăn cá đồng, đêm nào nó cũng mang nơm ra ruộng bắt cá. Cái thằng Hùng của mẹ cũng lạ lắm, nó chẳng ăn được cá đồng bao giờ, chỉ toàn ăn rau thôi”, mẹ Lai kể lại, ánh mắt mẹ xa xăm.

Nhà nghèo, ít học nhưng anh Hùng có một mơ ước từ thuở nhỏ là được trở thành lính hải quân. Ngày phường Hòa Cường kêu gọi thanh niên nhập ngũ, Hùng cùng anh trai ngay lập tức đăng ký tòng quân.

“Hắn nhỏ hơn, sức khỏe yếu hơn nhưng lại trúng tuyển. Hắn mừng lắm, về nhà cứ khoe con sắp làm lính hải quân mẹ ơi”, mẹ Lai rưng rưng.

Ngày nhập ngũ, anh Hùng vừa tròn 18 tuổi. Sau 1 năm rưỡi rèn luyện ở bán đảo Sơn Trà, anh cùng đồng đội nhận lệnh đi làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa.

Ngày đó, phường Hòa Cường có 10 thanh niên cùng lên đường nhập ngũ với anh Hùng. Bây giờ, sau 28 năm, mẹ Lê Thị Muộn (84 tuổi, trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự, vẫn chưa ngày nào quên được hình ảnh con trai mình.

“Mẹ có 8 đứa con, bây giờ 7 đứa sống xung quanh, bên cạnh mẹ. Chỉ có thằng Sự là nằm ở nơi xa. Mẹ không tiếc nuối gì cả vì hắn hy sinh cho đất nước, nhưng mấy chục năm qua, ngày nào mẹ cũng nhớ tới hắn”, mẹ Muộn bồi hồi.

Mẹ Muộn cho hay anh Sự nhập ngũ cùng đợt với anh Hùng và nhiều bạn bè khác cùng phường. “Tụi nó ở gần nhà nhau nên quen biết cả. Tụi nó tưởng được ở chung một nơi nên sướng lắm nhưng sau đó đơn vị đưa thằng Sự về huấn luyện ở Hội An (Quảng Nam). Được 1 năm rưỡi thì nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ”, mẹ Muộn nhớ lại.

12-22-44_nh-3-me-muoi-boi-hoi-nho-li-hinh-nh-con-tri-l-lietsi-phn-vn-su
Mẹ Lê Thị Muộn bồi hồi nhớ lại hình ảnh con trai, liệt sĩ Phan Văn Sự

Mẹ Muộn kể, ở nhà thằng Sự có nhiều tài lẻ mà đặc biệt nhất là đánh đàn. Nhiều cô gái mê tiếng đàn của Sự mà đem lòng thương mến. Vậy nhưng, anh Sự nhát gái nên đến ngày lên đường làm nhiệm vụ vẫn chưa có một mối tình vắt vai.

“Tụi nó đi khi mới mười tám, đôi mươi. Đứa nào cũng trẻ, cũng tươi rói nụ cười. Cả 7 thằng ở Hòa Cường, chưa có thằng nào biết cái cảm giác nắm tay một cô gái. Tụi nó ngày đó vô tư và yêu đời, thằng Sự của mẹ cũng vậy”, mẹ Muộn nghẹn ngào.

"Bà cố chờ thằng Sự về"

Mẹ Muộn cho hay trước khi đi nhận nhiệm vụ mới, anh Sự cùng bạn bè của mình được ăn Tết ở nhà.

“Tụi nó nghỉ phép, ở nhà đến mồng 7 âm lịch mới trở lại đơn vị. Ngày 11 tháng giêng âm lịch là hành quân. Tụi nó đi bí mật, chỉ kịp nhờ người quen nhắn lại cho gia đình. Đó là cái Tết cuối cùng của tụi nó ở với cha mẹ mà gia đình nghèo quá, chẳng có gì ngon để cho nó ăn cả”, mẹ Muộn bồi hồi.

Mẹ Lai kể, trước ngày trở lại đơn vị sau kỳ nghỉ lễ, anh Hùng lên rừng đốn về cho mẹ một đóng củi rất to. Mẹ phải đun gần 3 tháng mới hết. “Nó dặn mẹ cứ đun nấu cho thoải mái, bao giờ con về thì con đốn thêm củi cho mẹ dùng”.

Những chàng trai Hòa Cường đóng quân ở Cam Ranh (Khánh Hòa) nhiều tháng liền. Họ chỉ kịp gửi về gia đình những dòng thư ngắn ngủi.

“Thằng Sự tính nó ít nói, chẳng gửi về cho mẹ lời nào”, mẹ Muộn nói. Riêng mẹ Lai, bức thư anh Hùng gửi về trong những ngày đóng quân ở xa luôn được mẹ giữ kỹ. Những dòng nhắn ghi vội trên tờ giấy ố vàng được mẹ đọc đến thuộc lòng.

“Má ơi, đừng buồn nghe. Con ở trong này vui lắm. Có nhiều bạn bè quan tâm, ai cũng vui hết”, mẹ Lai đọc lại bức thư cuối của con trai.

Mẹ Lai kể, ngày khi trận chiến Gạc Ma diễn ra, loa phát thanh phường Hòa Cường thông báo đảo bị chiếm, một số chiến sĩ ta hy sinh, mẹ đã có linh cảm trong đó có con trai mẹ.

“Linh cảm của người mẹ mách mẹ như thế. Nhiều đêm, mẹ thấy thằng Hùng về nhà, mặc áo quần hải quân chào mẹ rồi đi. Mẹ đau buồn không muốn tin, ốm đau mất cả tháng. Sau đó, mẹ chọn tấm ảnh cũ của thằng Hùng rồi lập bàn thờ cho con. Các gia đình khác đến động viên, trách mẹ vội vàng. Họ cũng lo cho con họ và hy vọng tụi nó trở về. Chỉ có mẹ là dám đối diện sự thật”, mẹ Lai hồi tưởng.

Gạt đi dòng nước mắt chực trào, mẹ Muộn nhớ lại ngày kinh hoàng 14/3. Khi đó, chồng mẹ là ông Phan Văn Bé đang nằm điều trị vì bệnh nặng trong bệnh viện. Ông Bé nghe tin từ đài phát thanh thì suy sụp hẳn. Đến tối cùng ngày, ông Bé trút hơi thở cuối cùng khi chỉ kịp dặn lại: “Bà cố chờ thằng Sự về”.

12-22-44_nh-4-me-muoi-voi-tm-o-my-tu-chiec-o-hi-qun-cu-lietsi-phn-vn-su
Mẹ Muộn với tấm ao may từ bộ đồng phục hải quân của con trai

“Một ngày, mẹ mất đi cả chồng, con. Đau lắm. Mẹ vẫn không tin thằng Sự hy sinh. Sau đợt đó mẹ ốm mất một năm chẳng làm được việc gì. Mẹ chờ tin thằng Sự mà mãi không thấy có. Mẹ tự động viên mình rồi ngồi dậy làm việc và hy vọng. Cả mấy gia đình ở phường này tuần nào cũng hỏi thăm nhau có tin gì về tụi nó không. Quãng thời gian đó, nặng nề lắm”, mẹ Muộn nhớ lại.

Mẹ Lai kể, 3 năm sau giấy báo tử của anh Hùng cùng 6 đồng chí khác mới được đơn vị đưa về nhà. Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước mẹ Lai cũng không khỏi sốc vì quá đau buồn.

“Mẹ nhớ là mình ngất xỉu khi đọc xong mảnh giấy. Tỉnh dậy thì thấy các anh ấy (người của Lữ đoàn Công binh 83 hải quân) vẫn ngồi đó. Họ cũng đau đớn như mẹ vậy. Mẹ vùng dậy, chạy ngay sang các nhà khác. Mọi người tập trung ở nhà bà Muộn, ôm nhau khóc. Bà con, hàng xóm phường Hòa Cường cũng khóc. Đó là ngày đại tang ở phường này”, mẹ Lai bồi hồi.

“Cả mấy nhà ôm nhau khóc xong rồi tự động viên nhau. Con mình hy sinh vì nước thì dù đau đớn vẫn có tự hào. Chỉ tội, mấy đứa nó hy sinh khi còn quá trẻ...", mẹ Muộn nhớ lại.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất