Hiệu quả mô hình nuôi biển công nghệ cao
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch được ban hành sau khi tỉnh này tổ chức thành công mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở thuộc TP Cam Ranh vào năm 2023.
Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, sau 1 năm triển khai, hỗ trợ 10 hộ thí điểm nuôi biển công nghệ cao bằng lồng HDPE, kết quả thu hoạch mang lại hiệu quả vượt trội so với lồng nuôi truyền thống. Trong đó, nhiều mô hình nuôi cá bớp có tỷ suất lợi nhuận bình quân đạt 172%, mô hình nuôi tôm hùm đạt 112%, còn mô hình nuôi cá mú đạt 131%.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, sau khi triển khai mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển hở ở Cam Ranh, địa phương nhận thấy đảm bảo được nhiều yếu tố tích cực.
Một là, môi trường vùng biển nuôi trồng thủy sản được đảm bảo một cách sạch sẽ và đảm bảo cảnh quan. Hai là, lồng bè nuôi được làm bằng chất liệu HDPE, có tính mềm dẻo, độ bền tốt, khả năng chịu được gió bão cấp 10-12. Nhờ đó, người nuôi trồng thủy sản cũng sẽ yên tâm hơn khi nguồn vốn mình bỏ ra đầu tư được giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Ba là, sản phẩm thu hoạch rất đạt, đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng và xuất khẩu.
“Chúng tôi đã nhiều lần suy nghĩ, nếu nuôi trồng tự phát với lồng bè truyền thống đơn gian như thời gian qua của bà con ngư dân thì dưới tác động biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái của biển cả và đại dương sẽ không được đảm bảo. Do đó, việc nuôi biển công nghệ cao được tỉnh đặt lên nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế biển trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai để làm sao môi trường thật sự bền vững”, ông Nguyễn Tấn Tuân bày tỏ.
Nhân rộng 240ha nuôi biển công nghệ cao
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Khánh Hòa, từ nay đến năm 2029, tỉnh nhận rộng khoảng 240ha nuôi biển công nghệ cao, với tổng nguồn kinh phí hơn 545 tỷ đồng, để chuyển đổi lồng nuôi truyền thống sang lồng nuôi HDPE.
Trong đó, giai đoạn 1, từ nay đến hết năm 2025, với quy mô diện tích khoảng 30ha cho 150 hộ dân tại huyện Vạn Ninh, TX Ninh Hòa và TP Nha Trang và vùng Hòn Nội tại huyện Cam Lâm và TP Cam Ranh. Kinh phí dự kiến hơn 75 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, quỹ hỗ trợ của doanh nghiệp và vốn đối ứng của hộ dân chuyển đổi lồng bè truyền thống sang lồng nuôi HDPE.
Giai đoạn 2, từ năm 2026 - 2027, mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao quy mô 100ha cho 500 hộ dân, với tổng kinh phí dự kiến 225 tỉ đồng.
Giai đoạn 3, năm 2028 - 2029, mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao quy mô 110ha cho 550 hộ, với tổng kinh phí dự toán 245 tỷ đồng. Đối với kinh phí của giai 2 và 3, ngoài nguồn từ ngân sách, vốn đối ứng của người dân còn có vốn vay khoảng 140 tỷ đồng.
Để động viên, khuyến khích ngư dân nuôi biển công nghệ cao, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, ngoài chính sách hỗ trợ nguồn vốn ban đầu cho người dân chuyển đổi lồng bè thì việc kiểm soát chất lượng con giống để đáp ứng người nuôi là rất quan trọng. “Về vấn đề con giống, tôi nghĩ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đóng trên địa bàn cũng sẽ đảm bảo được”, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa tin tưởng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ quản lý tốt quy hoạch nuôi trồng và có chính sách tiếp theo để động viện ngư dân tham qua vào chương trình phát triển nuôi biển công nghệ cao. Cũng như kiên quyết xử lý những trường hợp nuôi trồng không đúng quy hoạch trong thời gian tới.
Cùng với việc phát triển nuôi biển công nghệ cao, người đứng đầu UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương cũng sẽ hình thành các nhà máy sản xuất thức ăn để làm sao quản lý được thức ăn, tránh dư thừa gây ảnh hưởng đến môi trường nuôi biển và sự phát triển các loại sinh vật khác. Khi môi trường có chất lượng nước tốt, sẽ đảm bảo việc nuôi trồng cho kết quả cao nhất.