| Hotline: 0983.970.780

Gần 75% chất thải của ngành hàng cá tra chủ yếu từ thức ăn

Thứ Năm 09/11/2023 , 16:51 (GMT+7)

Một trong những nguồn phát thải lớn của ngành hàng cá tra ĐBSCL hiện nay đến từ khâu cho ăn quá mức, trung bình nuôi 1kg cá nguyên liệu tốn 1,6 - 1,8kg thức ăn.

Cá tra là một trong những đối tượng nuôi chủ lực ở vùng ĐBSCL với tổng diện tích khoảng 6.000ha, cho sản lượng thu hoạch đạt 1,5 triệu tấn/năm, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi cá tra theo phương pháp nông hộ nhỏ đã tạo ra một lượng chất thải hữu cơ rất lớn ra môi trường.

Trong khi đó, hiện nay việc áp dụng mô hình tuần hoàn trong khâu nuôi lại chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều chuyên gia cho rằng cần một giải pháp mới để vừa nâng cao giá trị, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích đầu tư, nhất là ứng dụng công nghệ vào sản xuất cá tra.

Tọa đàm 'Phát triển kinh tế tuần hoàn trong chuỗi ngành hàng cá tra' do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện. Ảnh: Kim Anh.

Tọa đàm “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong chuỗi ngành hàng cá tra” do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện. Ảnh: Kim Anh.

Chia sẻ tại chương trình tọa đàm “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong chuỗi ngành hàng cá tra” do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện mới đây, TS Phạm Thị Thu Hồng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam đánh giá, 60 - 75% chất thải của ngành hàng cá tra chủ yếu từ thức ăn.

Thực tiễn sản xuất cá tra ở vùng ĐBSCL thời gian qua bộc lộ, để đạt được 1kg cá tra nguyên liệu, hệ số chuyển hóa thức ăn dao động từ 1,6 - 1,8 FCR. Nghĩa là, người nuôi sử dụng từ 1,6 - 1,8kg thức ăn để nuôi được 1kg cá tra. Như vậy, lượng phát thải ra môi trường xung quanh rất đáng kể, từ 0,6 - 0,8kg chất thải, chủ yếu là bùn thải.

Bên cạnh đó, những kết quả nghiên cứu thời gian qua chỉ ra, ứng dụng thành tựu nghiên cứu khoa học trong khâu sản xuất giống, thức ăn hay công nghệ nuôi đã hoàn thiện. Thế nhưng, việc nuôi cá tra thâm canh quá mức, trong quy trình sản xuất, một lượng vật chất nguyên liệu rất lớn được đưa vào để cho ra số lượng sản phẩm lớn.

TS Phạm Thị Thu Hồng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

TS Phạm Thị Thu Hồng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

TS Thu Hồng cho rằng, việc xử lý nước thải ở các vùng nuôi cá tra vùng ĐBSCL hiện nay đều thông qua hệ thống lắng lọc và áp dụng các biện pháp sinh học. Nhưng cần phải nhìn nhận, với diện tích và sản lượng nuôi cá tra hiện có, nghề nuôi cá tra cũng tiềm ẩn nguy cơ tác động đến môi trường xung quanh.

Do đó, để đảm bảo môi trường trong nuôi cá tra, vấn đề quan trọng đó là xử lý nguồn chất thải, nước thải trong ao nuôi một cách bền vững. Thực tế hiện nay, đa phần các hộ nuôi xử lý theo phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học hoặc hút bùn. Chỉ những vùng nuôi theo hướng hiện đại mới có thể ứng dụng được công nghệ.

Để giải quyết vấn đề này, với những nghiên cứu tiến bộ kỹ thuật đã được công bố và ứng dụng trong thực tế sản xuất, TS Thu Hồng cho biết giải pháp đầu tiên là người nuôi phải thực hiện theo quy trình thực hành nuôi thủy sản tốt như: VietGAP, GlobalGAP, ASC... Nội hàm các quy chuẩn, tiêu chuẩn này đã tích hợp các tiêu chí về bảo vệ môi trường.

Với các hộ nuôi nhỏ lẻ, TS Thu Hồng lưu ý, kỹ thuật cho ăn phải đảm bảo theo phương pháp 4 định (Định lượng - Định chất - Định thời gian - Định vị trí cho ăn) để giảm thiểu lượng thức ăn dư thừa và đảm bảo nhu cầu phát triển tối đa của con cá tra.

Bên cạnh đó, hộ nuôi cần áp dụng các kỹ thuật cho ăn tiên tiến, điển hình là phương pháp cho ăn gián đoạn, một tuần không cho ăn 2 ngày. Cách cho ăn này sẽ làm giảm từ 0,3 - 0,45kg thức ăn cho 1kg cá tra. Xét về bài toán kinh tế, trên diện tích nuôi trung bình 3 tấn cá nguyên liệu sẽ giảm được gần 100 tấn thức ăn, giảm được lượng lớn chất thải ra môi trường.

Để đóng góp vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của ngành hàng cá tra, các hộ nuôi cần ứng dụng kỹ thuật cho ăn theo phương pháp 4 định, cho ăn gián đoạn, để giảm lượng lớn chất thải ra môi trường. Ảnh: Kim Anh.

Để đóng góp vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của ngành hàng cá tra, các hộ nuôi cần ứng dụng kỹ thuật cho ăn theo phương pháp 4 định, cho ăn gián đoạn, để giảm lượng lớn chất thải ra môi trường. Ảnh: Kim Anh.

Song hành với các biện pháp trên, chuyên gia này cũng lưu ý, trong quá trình nuôi, bà con cần quan tâm đến các biện pháp kỹ thuật phòng bệnh trên cá tra một cách tốt nhất. Từ đó, giảm thiểu tối đa nhu cầu sử dụng thuốc, hóa chất, có thể gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường.

Ở góc độ quy mô toàn ngành hàng cá tra, để thực hiện hiệu quả tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính, TS Thu Hồng đề nghị người nuôi quan tâm ứng dụng công nghệ trong quá trình nuôi. Bởi hiện nay, trên thị trường đã có những công nghệ nuôi tuần hoàn, giảm nhu cầu sử dụng nước, ứng dụng kỹ thuật IoT. Bên cạnh đó, trong kỹ thuật cho ăn, bà con cũng có thể áp dụng máy cho anh tự động, để giảm lượng thức ăn dư thừa.

Nghiên cứu mới nhất của Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) cho thấy, để sản xuất 1kg cá tra ở trang trại sẽ làm phát sinh 6 - 7kg khí các bon. Với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn cá tra/năm tương đương lượng khí các bon phát thải ra môi trường từ 9 - 10,5 triệu tấn.

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển