| Hotline: 0983.970.780

Gánh cháo cuộc đời

Thứ Năm 09/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Bà già ấy năm nay đã 76 tuổi. Cái tuổi đáng ra phải được ở nhà vui vầy cùng con cháu. Thế nhưng mỗi ngày, bà đều phải chật vật với gánh cháo mưu sinh. 

Đã gần 20 năm nay, bà phải nuôi nấng hai người con trai mắc bệnh tâm thần.

Đến đường Nguyễn Thái Học, phường An Mỹ, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, ai cũng biết đến “bà Tài bán cháo”. Bà tên thật là Nguyễn Thị Thỏa (SN 1939) và có chồng tên là Nguyễn Văn Tài.

Hơn 40 năm nay, hình ảnh người đàn bà sáng đẩy xe cháo từ trong hẻm nhỏ của đường Nguyễn Thái Học ra vỉa hè đã quá quen thuộc với người dân TP Tam Kỳ. Khách mua hàng chỉ biết bà là người bán hiền từ, ai mua ít bao nhiêu cũng bán.

Có điều ít ai biết được cuộc sống của bà là những chuỗi ngày âm thầm gian khổ.

Bất hạnh dồn dập

Thời con gái, bà Thỏa là một cô gái xinh đẹp nổi tiếng ở vùng ngã ba Kỳ Lý, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Bà vào TP Tam Kỳ để học nghề may và sinh sống tại đây. Đến năm 30 tuổi, thấy cô em gái mãi vẫn chưa chịu có chồng nên chị bà mai mối cho một người địa phương.

Nghe lời chị, bà lên xe hoa với ông Tài, chồng bà bây giờ. Bà sinh liên tiếp 4 người con, 2 trai và 2 gái. Từ khi có chồng, bà chuyển sang nấu cháo mưu sinh.

Đến năm 1975, chồng bà cũng mất sức lao động và ở nhà chờ vào thu nhập của vợ. Một mình bà phải bươn chải nuôi chồng cùng 4 người con.

Cuộc sống cứ thế ngỡ trôi đi trong chật vật nhưng nào ngờ bất hạnh lại liên tục dội xuống. Năm học lớp 11, con trai đầu của bà Thỏa là anh Nguyễn Hữu Dũng (SN 1971) bỗng dưng mắc chứng rối loạn thần kinh.

Từ một cậu bé thông minh, học giỏi Dũng bỗng trở nên người thất thần. Hằng ngày vẫn cắp cặp đến trường nhưng không nói không cười, thi thoảng cứ tự đứng dậy và đi khắp khuôn viên trường trong giờ học.

“Trong 4 đứa con, Dũng là đứa ngoan hiền và học giỏi. Vất vả mấy tôi cũng cố cho con ăn học và hy vọng nó trở thành đứa con có hiếu, thành đạt”, bà Thỏa kể lể.

Từ đó, bà mang Dũng chữa chạy khắp nơi nhưng bệnh của anh lại mỗi ngày một nặng thêm. Suốt ngày Dũng đập phá đồ đạc trong nhà, la hét và quấy rối hàng xóm.

Bà Thỏa mang con đến Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng để điều trị. Xót con nên cứ khoảng 10 ngày, nửa tháng là bà lại khăn gói ra đưa con về nhà. Đến khi bệnh phát nặng lại mang ra bệnh viện.

Một thân đàn bà yếu ớt vừa chăm con bệnh tâm thần, 3 người con đi học cùng chồng, nhiều lúc bà tưởng chừng như kiệt sức.

“Còn nước còn tát, tôi dồn sức vào 3 đứa con còn lại. Hy vọng tương lai bọn nó sẽ xán lạn”, bà Thỏa lau nước mắt.

Hai người con gái giữa nghỉ học sớm rồi lần lượt theo chồng. Bà Thỏa còn lại người con trai út. Tuy không giỏi giang như anh trai nhưng Nguyễn Hữu Duẩn (SN 1978) cũng ham học và siêng năng.

Thế rồi lại như hy vọng vừa le lói rồi chợt tắt, Duẩn cũng có những biểu hiện tâm thần giống anh trai.

Những ngày đầu, bà Thỏa không tin bất hạnh lại đến với bà lần thứ 2 trong cuộc đời. Sau những biểu hiện rối loạn, Duẩn lại rơi vào căn bệnh tâm thần. Bà Thỏa gần như ngã quỵ.

Một lần nữa và có lẽ là không còn cơ hội với bà, hai người con đều không có hy vọng chạy chữa.

Ngày ngủ 3 tiếng

Gần hai mươi năm trong căn nhà cấp bốn xập xệ, có tiếng la hét, gào thét của hai người điên. Những tưởng đôi lúc tuyệt vọng, bà Thỏa đã buông xuôi nhưng hằng ngày, bà vẫn gánh cháo ra đường kiếm tiền lo cho con.

nh-2-b-tho-cuc-nhoc-muu-sinh-o-tuoi-74170449534
76 tuổi, bà vẫn hằng ngày cực nhọc mưu sinh

Khi chúng tôi đến, cánh cửa sắt trước nhà khép vừa đủ cho một người vào lọt. “Tụi nó phá mà cái cửa này không thể khép ra khép vô chi được nữa. Cửa sổ làm bằng sắt cũng bị bẻ gãy cả”, bà Thỏa đau xót.

Để tránh anh em đánh nhau khi không có người ở nhà, mỗi tháng bà đưa một trong hai người vào bệnh viện thâm thần điều trị để cách ly. Một phần cũng để bà tiện tay chăm sóc.

Mấy năm trở lại đây, ông Tài cũng có biểu hiện tâm thần, suốt ngày không dám ra ngoài vì sợ sẽ bị vây đánh. Bà lại một mình tảo tần sớm hôm với gánh cháo.

Sáng ra, bà phải cho đứa con trai tâm thần và người chồng ăn uống xong xuôi mới dám đi bán cháo. Khi bà về đến nhà lại phải dọn dẹp những thứ con trai đã đập phá.

“Đã 44 tuổi, 37 tuổi, nhưng cả Dũng và Duẩn đều như một đứa trẻ. Bệnh nhưng bọn nó vẫn biết mẹ, đánh người ngoài nhưng gặp mẹ vẫn reo hò như khi còn nhỏ”, bà Thỏa lại lau những vệt nước mắt dài trên má tức tưởi.

Những lúc nhốt con sau song cửa sắt bà đều quay mặt đi giấu những giọt nước mắt trào dâng. “Đời nào ai muốn thế nhưng hễ thả nó ra là lại đi phá làng xóm, đánh oan người vô tội. Nhốt lại thì tâm can tôi không yên tí nào”, bà trải lòng.

Ròng rã gần hai chục năm trời, bà hết mưu sinh bên gánh cháo lại lo chồng, lo con, hết ra viện lại chăm con tại nhà.

Cơ cực vì thế mà chẳng lúc nào dừng lại. Nay đã bước sang tuổi 76, khi lưng đã còng xuống, tóc đã điểm màu bạc trắng, mỗi đêm chỉ ngủ được chưa đầy 3 tiếng, bà lại nặng lòng lo cho hai người con trai.

Năm trước, Trại tâm thần của tỉnh Quảng Nam mới thành lập, người ta đến nhà khuyên bảo bà đưa cả hai con vào chữa trị. Sau những đêm trắng thao thức, nghĩ tới sức già không thể kham nổi, lại lo sợ về tương lai nên bà dằn lòng mang hai con gửi vào trại tâm thần.

Rồi từ đó, cứ một hai tuần, người ta lại thấy bà già tay xách nách mang những đồ ăn thức uống lên trại tâm thần thăm con. Buồn vui cùng con trong chốc lát bà lại trở về căn nhà nhỏ, chuẩn bị cho hàng cháo sớm mai cùng chăm cho chồng bệnh.

Cuộc sống cứ thế mãi trôi đi.

Nhìn đôi bàn tay gân guốc già nua của bà chậm chạp rửa từng chiếc bát, ai cũng nhủ lòng thương cảm.

76 năm sống là những ngày tháng đằng đẵng cơ cực, khổ sở. “Chắc chỉ khi nằm xuống đất lạnh, tôi mới được thanh thản”, giọng bà bần bật từng tiếng nghẹn ngào.

Bà bán cháo nhân hậu

Người dân ở khu phố quanh đường Nguyễn Thái Học ai cũng biết đến bà Thỏa bởi bà dẫu nghèo khó nhưng luôn có lòng thương người.

Gánh cháo của bà là công cụ duy nhất để mưu sinh trong cuộc đời. Tuy nhiên, không vì thế mà bà chặt chém hay nâng giá. Ai mua bao nhiêu bà cũng bán. Có nhiều người ngạc nhiên vì có khi bà đồng ý bán tô cháo với giá 3 ngàn đồng.

“Họ nói tôi bán vậy sao lời nhưng chắc người ta cũng khó nên mới mua như vậy. Mình không bán thì họ lấy gì ăn”, bà Thỏa trần tình.

Cũng có khi gặp những thực khách khó khăn như tuổi cao vẫn còn đi bán vé số, bà cũng bán cháo miễn phí mà không nỡ lấy tiền.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm