
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN. Ảnh: Tạp chí Công thương.
Trong năm 2023 và 7 tháng đầu năm 2024, tốc độ phát triển kinh tế, đặc biệt tăng trưởng về điện của Việt Nam rất cao, theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN. Cụ thể, tăng trưởng điện năm 2023 đạt 4,29%, thì 7 tháng năm 2024 vọt lên tới 14%.
Tăng trưởng điện rất cao nhưng doanh nghiệp sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức để tiết kiệm điện một cách hiệu quả.
Ông Dũng chỉ ra 3 nguyên nhân. Một là, nhận thức và công nghệ hạn chế của doanh nghiệp. Hai là, dây chuyền, quy trình sản xuất chưa tối ưu. Cuối cùng, là giá điện bình quân hiện tương đối thấp.
Theo đại diện EVN, đối với giá giờ bình thường của sản xuất chiếm từ 84 đến 92% giá bình quân, còn giờ thấp điểm từ 52 đến 59% giá bình quân. "Với giá điện thấp như vậy thì việc tiết kiệm điện với doanh nghiệp sản xuất đâu đó chưa được quan tâm một cách thực sự", ông Dũng nhận xét.
Bất chấp thực tế này, Trưởng ban EVN cho rằng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở các doanh nghiệp sản xuất rất lớn. Việt Nam có thể tiết kiệm từ 20 đến 30% năng lượng sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp, thậm chí lên tới 35%.
Từ năm 2010, Việt Nam ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đến nay, 16 thông tư, 2 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng và 34 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành, góp phần tiết kiệm từ 5 đến 7% điện năng so với đoạn trước.
Năm 2019, Thủ tướng ban hành Quyết định 280, đặt mục tiêu tiết kiệm khoảng 10% điện năng so với kịch bản tiêu thụ năng lượng bình thường vào năm 2030.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn tiết kiệm điện đã được ban hành. Ảnh: Tạp chí Công thương.
Để hoạt động tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng phát huy hiệu quả hơn nữa, ông Đặng Hải Dũng, Phó vụ trưởng Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho rằng, cần giải quyết triệt để cả 3 yếu tố là công nghệ, nguồn vốn và con người.
"Liên quan đến công nghệ thì thường liên quan đến đầu tư trang thiết bị. Khi có đầu tư này thường đòi hỏi các nguồn vốn vay tương đối hấp dẫn và có khả năng chi trả cho trong quá trình vay", ông Dũng nói.
Hiện Vụ đang nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Công thương trình Quốc hội xây dựng một quỹ hỗ trợ cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng, nhằm giúp giải quyết bài toán căn cơ "đầu tiên". Bên cạnh đó, Phó vụ trưởng đề xuất tăng cường công tác quản lý nhà nước về mức tiêu hao năng lượng trong các ngành công nghiệp nặng.
Cuối cùng, cũng là quan trọng nhất, theo ông Dũng là vấn đề con người. Thời gian qua, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn giúp cán bộ ngành năng lượng tiếp cận và đủ sức vận hành những công nghệ mới, chẳng hạn blockchain, AI, điện toán đám mây...
"Tất cả những công nghệ này dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình quản lý các dây chuyền sản xuất, kể cả hoạt động quản lý kinh doanh của doanh nghiệp", ông Dũng kỳ vọng nhưng cũng bỏ ngỏ nguy cơ rủi ro về công nghệ thông tin, an toàn thông tin trong các hệ thống sản xuất.
Thông qua hoạt động tiết kiệm điện của doanh nghiệp, Phó vụ trưởng Đặng Hải Dũng tin doanh nghiệp sẽ đóng góp hơn nữa vào việc bảo vệ môi trường quốc gia, giúp Việt Nam thực thi cam kết phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Về phía Bộ Công thương, ngoài những giải pháp về quản lý, các đơn vị thuộc Bộ sẽ tiếp tục đề xuất ban hành những chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp về kiểm toán năng lượng miễn phí, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, hoặc các chương trình liên quan đến bảo lãnh vốn vay.
"Hiện nay chúng tôi đang thí điểm một vài quỹ và công cụ tài chính nguồn vốn vay. Nếu doanh nghiệp. cần, chúng tôi sẵn sàng tạo cơ hội tiếp cận", ông Đặng Hải Dũng bày tỏ.