| Hotline: 0983.970.780

Giá dong riềng cao kỷ lục, nông dân lãi lớn, hoan hỉ đón Tết

Thứ Hai 25/12/2023 , 07:23 (GMT+7)

BẮC KẠN Giá thu mua củ dong riềng cao kỷ lục trong nhiều năm qua, nhiều nông hộ ở tỉnh Bắc Kạn lãi lớn, có tiền chuẩn bị Tết Nguyên đán tươm tất.

Dong riềng là cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Kạn, được trồng nhiều ở các huyện Na Rì, Ba Bể. Củ dong riềng là nguyên liệu làm miến dong, một sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của Bắc Kạn. Những năm trước, giá củ dong lên xuống thất thường, có những năm giá chỉ hơn 1.000 đồng/kg khiến người trồng lỗ vốn, diện tích trồng loại cây này giảm.

Thu hoạch dong riềng tại huyện Na Rì. Ảnh: Ngọc Tú. 

Thu hoạch dong riềng tại huyện Na Rì. Ảnh: Ngọc Tú. 

Năm nay, củ dong được giá, có những thời điểm giá cao kỷ lục trong suốt nhiều năm qua. Đầu vụ, tư thương, các xưởng chế biến tại tỉnh Bắc Kạn mua củ dong với giá 1.900 đồng/kg, đến chính vụ giá tăng lên đến 2.500 đồng/kg, có những thời điểm đạt mốc 2.700 đồng/kg. Tại Bắc Kạn, đây là mức giá thu mua củ dong riềng cao nhất từ trước đến nay.

Gia đình bà Triệu Thị Phong ở xã Sơn Thành (huyện Na Rì) trồng dong riềng nhiều năm nay. Theo bà Phong, gia đình năm nay trồng hơn 3.000m2 dong riềng, nếu củ dong bán được 1.700 đồng/kg bắt đầu có lãi, năm nay bán được 2.500 đồng/kg, với 3.000m2 thu được khoảng 18 tấn củ gia đình sẽ có khoản thu nhập khoảng 45 triệu đồng. Đây là nguồn thu không nhỏ với người dân ở nông thôn.

“Năm nay bà con trồng dong riềng trong thôn rất phấn khởi. Đây là cây trồng đã gắn bó với người dân ở xã Sơn Thành, giá bán cao giúp người dân có thu nhập, yên tâm tái đầu tư vụ sản xuất năm sau”, bà Phong cho biết thêm.

Vụ sản xuất năm nay, huyện Na Rì chỉ trồng được 176ha/300ha dong riềng so với kế hoạch. Giá củ dong cao một phần do diện tích trồng sụt giảm mạnh so với mọi năm. Ngoài ra, năm nay tư thương ở tỉnh khác cũng đến mua củ dong nên cũng tác động đến giá mua củ dong.

Củ dong được giá, nhiều hộ có thêm thu nhập, phấn khởi bước vào vụ sản xuất mới. Ảnh: Ngọc Tú. 

Củ dong được giá, nhiều hộ có thêm thu nhập, phấn khởi bước vào vụ sản xuất mới. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hợp tác xã (HTX) Tài Hoan là đơn vị chế biến miến dong lớn nhất huyện Na Rì, sản phẩm miến dong của HTX đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến, HTX đã ký kết bao tiêu 70ha cây dong riềng của hơn 600 hộ dân ở xã Côn Minh và một số xã lân cận.

Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan cho biết, với công suất khoảng 350 tấn miến/năm, HTX cần nguồn nguyên liệu rất lớn. Thời điểm cuối năm, HTX phải nâng công suất để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán và xuất khẩu, nếu không đủ nguyên liệu có thể vỡ hợp đồng. Dù đã ký kết từ đầu năm với các hộ dân giá thu mua củ dong 1.900 đồng/kg nhưng do giá thị trường năm nay tăng cao thời điểm giữa và cuối vụ nên HTX đã tăng giá thu mua lên đến 2.500 đồng/kg. HTX cũng đưa xe đến tận các thôn, bản để giúp hộ dân vận chuyển củ dong về xưởng chế biến.

Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn trồng gần 400ha cây dong riềng, năng suất đạt khoảng 760 tạ/ha, với giá 2.500 đồng/kg, một ha có thể thu về khoảng 190 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, người dân có thể lãi khoảng 150 triệu đồng/ha/vụ. Đây là mức lợi nhuận khá cao vì cây dong riềng có thể tận dụng trồng được ở đất soi bãi, đất ven chân đồi hoặc ở vườn nhà.

Giá bán củ dong cao kỷ lục, người trồng dong riêng phấn khởi nhưng các cơ sở chế biến vẫn còn đó nỗi lo. Theo quy hoạch của tỉnh Bắc Kạn, mỗi năm trên địa bàn tỉnh trồng khoảng 800 đến 1.000ha cây dong riềng. Với diện tích này, sản lượng củ dong đủ cung cấp cho các nhà máy, cơ sở chế biến miến, cơ sở nghiền tinh bột. Tuy nhiên, diện tích trồng dong riềng những năm gần đây ngày càng giảm, vụ năm nay chỉ đạt gần 400ha, sản lượng củ dong giảm sẽ kéo theo nguy cơ thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến.  

Tại huyện Na Rì - thủ phủ trồng dong riềng của Bắc Kạn, vụ năm nay diện tích chỉ đạt 176ha, đạt 59% so với kế hoạch, sản lượng củ dong hơn 13.700 tấn, mới đạt 58% so với kế hoạch đề ra từ đầu vụ sản xuất.

Miến dong của HTX Tài Hoan (huyện Na Rì) là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Miến dong của HTX Tài Hoan (huyện Na Rì) là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Trong khi đó, hiện nay tỉnh Bắc kạn có 25 cơ sở nghiền tinh bột và chế biến miến dong (trong đó có 16 cơ sở vừa nghiền tinh bột vừa sản xuất miến, 8 cơ sở chuyên sản xuất miến, 1 cơ sở chuyên sản xuất tinh bột). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng trăm hộ làm miến dong thủ công sử dụng nguồn tinh bột là củ dong riềng.

Hiện nay, sản phẩm miến dong là mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Kạn, trong đó đã có 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao, ngoài ra còn nhiều sản phẩm OCOP 4 sao và 3 sao. Để phát triển mặt hàng này, giữ ổn định vùng nguyên liệu là rất quan trọng. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, khi người dân trồng ít thì giá cao, nhưng lại thiếu nguyên liệu để chế biến, vụ sau trồng nhiều giá lại giảm khá sâu khiến người dân lao đao, bỏ sang trồng cây khác.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.