Trung Quốc ít phụ thuộc vào nhập khẩu gạo, do vậy việc giá loại lương thực này tăng cao trên thế giới sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nước này, theo ông Zhang Huizhuo, phó giám đốc tập đoàn Yihai Kerry Arawana Holdings về kinh doanh chế biến ngũ cốc và dầu ăn Trung Quốc.
Trung Quốc hiện có nguồn cung gạo trong nước dồi dào và đủ sức đáp ứng nhu cầu gạo trong nước. Quốc gia này sản xuất khoảng 200 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm, chiếm khoảng 28% tổng sản lượng ngũ cốc toàn cầu.
Vấn đề giá gạo quốc tế tăng vọt trong năm nay đang làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực. Chỉ số giá gạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) trong tháng 7 vừa qua đã tăng 2,8% so với tháng trước, đạt 129,7 điểm, mức cao nhất trong gần 12 năm qua, theo dữ liệu do FAO công bố gần đây.
Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với 22 triệu tấn gạo được xuất đi trong năm 2022, chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Để kiềm chế giá gạo tăng cao và đảm bảo nguồn cung trong nước, Ấn Độ đã áp lệnh cấm xuất khẩu gạo hôm 20/7. Sau đó, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Nga cũng đã có động thái tương tự, điều này đã gây ra tình trạng mua hàng tích trữ ở một số quốc gia và khiến giá gạo tiếp tục leo thang. Tuy nhiên, ông Zhang cho rằng lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ không ảnh hưởng lớn đến Trung Quốc.
Trung Quốc nhập khẩu gạo để sử dụng làm thức ăn cho gia súc và để điều chỉnh nguồn cung, theo ông Peng Chao, nhà nghiên cứu tại Viện Điều hành và Quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng đang đa dạng hóa nguồn hàng của họ để tránh những rủi ro liên quan đến nguồn gốc và chủng loại.
Phần lớn gạo nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Việt Nam, tiếp theo là Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Ấn Độ từng là nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Trung Quốc, song kể từ khi Trung Quốc bắt đầu giảm nhập khẩu gạo tấm từ Ấn Độ vào tháng 10 năm ngoái, nước này hiện tụt xuống vị trí thứ 4.
Nhằm giảm nhập khẩu gạo, Trung Quốc hiện sử dụng nhiều lúa mì hơn để làm thức ăn cho gia súc. Trong nửa đầu năm nay, Bắc Kinh đã nhập 7,9 triệu tấn lúa mì, tăng 62,1%.