Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường EU trong 11 tháng năm 2021 đạt 53.910 tấn, trị giá 38,07 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020 chỉ tăng 0,8% về lượng nhưng trị giá thu về tăng tới 21,6%.
Trị giá xuất khẩu gạo sang EU tăng mạnh như trên là nhờ giá gạo xuất khẩu sang EU tăng rất mạnh so với 11 tháng năm 2020. Cụ thể: Gạo thơm tăng 17,5%, đạt bình quân 665 USD/tấn; gạo trắng tăng 41,8%; gạo giống Nhật tăng 7,5%, nhóm gạo lứt, gạo hữu cơ, gạo huyết rồng... tăng 38,5%.
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu gạo của EU trong 9 tháng đầu năm 2021 đã giảm 10,9% về lượng và giảm 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 2,63 triệu tấn, trị giá 2,1 tỷ USD.
Trong số 10 nguồn cung gạo ngoại khối lớn cho EU trong 9 tháng đầu năm 2021, giá gạo Việt Nam nhập khẩu vào EU có mức tăng mạnh nhất, tăng 20,3%, đạt trung bình 781 USD/tấn.
Do đó, dù lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU giảm trong 9 tháng nhưng kim ngạch xuất khẩu thu về vẫn tăng 13,2%, đạt 34,03 triệu USD.
Gạo thơm là chủng loại xuất khẩu chủ lực sang EU. Trong 11 tháng năm 2021, lượng gạo thơm Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 37.390 tấn, trị giá 26,82 triệu USD, tăng 9,3% về lượng và tăng 28,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, một số giống gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 lần đầu tiên được xuất khẩu vào các thị trường trong khối EU.
Tỉ trọng gạo thơm trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU cũng đã tăng lên 70% trong 11 tháng năm 2021 so với 64% của cùng kỳ năm 2020.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU còn tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.
Việc tận dụng lợi thế EVFTA để xuất khẩu gạo thơm với thuế 0% nằm trong tay các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu lớn, được canh tác theo tiêu chuẩn cao như Lộc Trời, Tân Long, Trung An …