| Hotline: 0983.970.780

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan lên cao nhất trong vòng 7 năm

Thứ Ba 07/04/2020 , 08:59 (GMT+7)

Nguồn cung hạn chế, trong khi một số nước xuất khẩu lớn đang tạm dừng xuất khẩu do dịch bệnh Covid-19, đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng lên chóng mặt.

Sản xuất lúa ở Thái Lan. Ảnh: GIZ Thailand.

Sản xuất lúa ở Thái Lan. Ảnh: GIZ Thailand.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đang tăng liên tục trong những ngày qua.

Ngày 3/4, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã ở mức 558-562 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 517-521 USD/tấn… Như vậy, so với ngày cuối cùng của tháng 3, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng tới 40 USD/tấn. Bình quân trong 3 ngày đầu tháng 4, mỗi ngày tăng tới hơn 13 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), với mức giá hiện tại, giá gạo trắng xuất khẩu của Thái Lan hiện đang ở cao nhất trong vòng 7 năm qua. Và nếu tiếp tục tăng trong những ngày tới, giá gạo 5% tấm của Thái Lan hoàn toàn có thể vượt qua mức 570 USD/tấn hồi cuối tháng 4/2013.

Hạn hán và dịch Covid-19 là những nguyên nhân chính đẩy giá gạo Thái Lan tăng cao. Do hạn hán, sản lượng gạo vụ hai của Thái Lan dự kiến sụt giảm tới 40-50%.

Trong khi đó, dịch Covid-19 đang góp phần quan trọng đẩy giá lúa gạo trên thị trường nội địa ở Thái Lan tăng cao, do người dân nước này tăng tích trữ lương thực.

Chính vì vậy, vừa qua, khi Malaysia chào mua 20.000 tấn gạo trắng 5% tấm (một lượng gạo không lớn so với năng lực sản xuất và xuất khẩu của Thái Lan), nhưng các nhà xuất khẩu Thái Lan chỉ chào bán số lượng nhỏ giọt do giá nội địa tăng cao và hạn chế về nguồn cung.

Việc Việt Nam đang tạm ngừng xuất khẩu với các hợp đồng mới sau 0 giờ ngày 24/3, xuất khẩu gạo của Ấn Độ bị gián đoạn do đang thực hiện phong tỏa toàn quốc 21 ngày để ứng phó với dịch Covid-19, Campuchia tạm ngừng xuất khẩu gạo trắng và lúa từ 5/4 nhằm đảm bảo an ninh lương thực, cũng đang tạo cơ hội để các nhà xuất khẩu Thái Lan chào bán gạo với giá cao hơn, nhất là khi một số nước nhập khẩu lớn đang muốn mua thêm gạo.

Chẳng hạn, vào ngày 31/3, Philippines đã thông báo cần mua thêm 300 ngàn tấn gạo từ các nước Đông Nam Á nhằm tăng thêm lượng gạo dự trữ.

Theo TREA, do bị giảm mạnh về sản lượng bởi hạn hán, nước này có thể mất vị trí nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai trong năm 2020. Mục tiêu của Thái Lan trong năm nay là xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo, mức thấp trong 7 năm qua.

Ông Chookiat Ophaswongse, chủ tịch danh dự TREA, cho rằng, với lượng xuất khẩu dự kiến như trên, Thái Lan có thể tụt xuống vị trí thứ ba, trong khi Việt Nam sẽ vào vị trí thứ hai trong số những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Không chỉ Thái Lan, giá gạo ở các nước xuất khẩu khác trong khu vực Đông Nam Á cũng tăng mạnh. Giá gạo Myanmar, vốn từng ở mức cạnh tranh nhất tại một số thời điểm, nay cũng đã tăng lên khá nhiều, do giá gạo trên thị trường nội địa của nước này tăng lên từng ngày. Giá gạo nội địa tăng liên tục đang khiến cho các nhà xuất khẩu Myanmar gặp khó khăn lớn trong việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.