| Hotline: 0983.970.780

Hungary cấm xuất khẩu ngũ cốc, nông dân Ukraine không dám ra đồng

Thứ Ba 08/03/2022 , 16:00 (GMT+7)

Chính phủ Hungary hôm nay ban hành lệnh cấm tất cả các hoạt động xuất khẩu ngũ cốc do giá cả leo thang tăng lên, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng Ukraine.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hungary István Nagy cho biết, chính phủ phải thực hiện ngay biện pháp này để đối phó với tình trạng tăng giá ngũ cốc và lạm phát do chiến tranh gây ra.

Ukraine là một trong những quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, và cuộc chiến nhắm vào nước này của Nga đã đẩy giá lúa mì lên mức cao chưa từng thấy trong 14 năm.

Theo báo cáo của Index, giá ngũ cốc tăng cũng có thể làm thay đổi kế hoạch gieo hạt vụ xuân. Ngoài ra tình hình hiện nay cũng có nguy cơ lớn đối với ngành chăn nuôi, sẽ có thể tồi tệ hơn nữa khi giá lương thực toàn cầu tiếp tục tăng cao. Một báo cáo nhanh mạng rtl.hu cho biết, giá dầu ăn cũng sẽ tăng mạnh do tình hình chiến sự chưa có hồi kết ở Ukraine, vì đây là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất thế giới.

Hiện mệnh giá đồng forint của Hungary đã giảm gần 10% so với đồng euro, mức mất giá thấp kỷ lục trong lịch sử so với các đồng tiền chính trên thị trường liên ngân hàng. Đó là một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất thế giới trong vòng gần hai tuần qua, kể từ khi chiến sự Nga- Ukraine nổ ra. Trong khi đó sự can thiệp của Ngân hàng Quốc gia Hungary bằng việc tăng lãi suất tiền gửi lớn nhất kể từ năm 2008 - đã tỏ ra không hiệu quả.

Sự suy yếu nhanh chóng của đồng forint cũng làm tăng thêm áp lực lạm phát, vốn đã ở mức đáng kinh ngạc trong nước. Tốc độ tăng giá hàng năm đã tăng lên mức cao nhất trong gần 15 năm là 7,9% vào tháng Giêng và có thể lên tới 8,5% vào tháng Hai.

Trong diễn biến liên quan, hôm nay chính phủ Ukraine cũng cấp phép cho các doanh nghiệp được xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực (bằng đường sắt), trong bối cảnh quốc gia này vẫn đang bị bao vây bởi cuộc tấn công từ nhiều phía của quân đội Nga.

Hãng thông tấn Interfax của Ukraine dẫn một nghị quyết của chính phủ cho biết, bắt đầu từ hôm qua chính phủ nước này yêu cầu các thương nhân phải có giấy phép xuất khẩu đối với lúa mì, ngô và dầu hướng dương, cùng các mặt hàng nông sản quan trọng khác.

Trước đó vào hôm Chủ nhật, chính phủ Ukraine đã đình chỉ xuất khẩu đối với bốn mặt hàng lúa mạch đen, yến mạch, kê và kiều mạch.

Nhà xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất thế giới cho biết, có thể xuất khẩu hơn 60 triệu tấn ngũ cốc, bao gồm 33 triệu tấn ngô và 23 triệu tấn lúa mì trong niên vụ 2021-22.

Ukraine thường xuất khẩu ngũ cốc, dầu thực vật và các loại nông sản- thực phẩm bằng tàu thủy, nhưng hiện các cảng ở khu vực Biển Đen của nước này đều đã bị đóng cửa do chiến tranh.

Hôm Chủ nhật, ngành đường sắt Ukraine cho biết họ đã sẵn sàng tổ chức “giao hàng nông sản khẩn cấp bằng đường sắt” và có thể vận chuyển ngũ cốc đến biên giới với Romania, Hungary, Slovakia và Ba Lan. Theo đó, từ đây có thể chuyển tiếp hàng hóa đến các cảng và trung tâm hậu cần của các quốc gia châu Âu.

Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết, nước này đã xuất khẩu 43 triệu tấn ngũ cốc các loại trong niên vụ 2021-22 tính đến ngày 23 tháng 2.

Giới phân tích thị trường cho biết, giá lúa mì giao tương lai đã tăng vọt lên 12 USD/giạ vào thời điểm đóng cửa hôm thứ Sáu tuần trước, cao hơn gấp đôi so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 và dự báo sẽ tiếp tục tăng. “Giá lúa mì vốn đã tăng khá lâu trước cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng đây lại là một bước ngoặt mới khác, và có vẻ hợp lý khi nghĩ rằng chúng sẽ còn tăng nữa”, giới chuyên gia nhận định.

Theo ông Oleg Ustenko, một cố vấn của Tổng thống Ukraine hôm nay viết trên tờ Financial Times cho biết: Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm thế giới, nhưng nông dân hiện không thể bắt tay vào sản xuất, gieo sạ vụ xuân của họ. Theo lịch thời vụ thì hoạt động sản xuất thường bắt đầu trong 10 ngày đầu tiên của tháng 3 và việc gieo trồng cần được hoàn thành vào tuần cuối cùng của tháng 4.

“Chúng tôi có đất sản xuất cây trồng năng suất cao và lịch thời vụ phù hợp với thời tiết, khí hậu theo quy tắc nhưng người nông dân Ukraine không thể gieo sạ trong năm nay theo lịch trình bình thường. Đặc biệt là những khu vực vốn có năng suất cao nhất về sản xuất nông nghiệp hiện luôn bị các cuộc tấn công từ trên không và pháo kích. Do đó nông dân ra đồng ở các vùng như Chernihiv, Poltava, Kharkiv, Sumy và Zhitomir trên thực tế đã trở nên bất khả thi…”, ông Oleg nói.

Tờ Financial Times cho biết, nếu cuộc chiến hiện nay không được dừng lại ngay lập tức, thế giới sẽ bị sụt giảm nguồn cung toàn cầu từ 10% đến 50% các sản phẩm nông nghiệp chính bao gồm lúa mì, lúa mạch, ngô, hạt cải dầu và dầu hướng dương. Trong những thập kỷ gần đây, nhờ các khoản đầu tư thông minh, tăng năng suất và hiệu quả tổng thể, nông nghiệp Ukraine đã tạo ra một bước đệm chính cho an ninh lương thực của hàng tỷ người trên thế giới.

(Financial Times; Reuters)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.