Ngày 22/2, ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Bình, TP Cam Ranh - “thủ phủ” nuôi tôm hùm xanh ở Khánh Hòa, cho biết, hiện giá tôm hùm xanh trên địa bàn được thương lái thu mua khoảng 620 ngàn đ/kg (loại 3 con/kg), tăng hơn 120 ngàn đ/kg, so với vài ngày trước.
Nguyên nhân giá tôm nhích lên là nhu cầu tiêu thụ nội địa hiện tăng cao. Bên cạnh đó, người nuôi cũng bắt đầu hạn chế bán. Bởi dù giá tôm 620 ngàn đồng/kg, người nuôi xuất bán cũng không có lãi mấy.
“Những ngày qua, người nuôi chủ yếu bán tôm cung ứng cho thị trường nội địa. Ngoài bán tôm tại bè cho một số người mua với số lượng ít, người nuôi còn nhờ người thân, bạn bè bán tôm qua mạng”, ông Tuấn nói.
Tương tự, tại vùng nuôi ở huyện Vạn Ninh hiện giá tôm hùm xanh cũng nhích lên khoảng 600 ngàn đ/kg.
Giá trên được ông Trần Minh Hiền, trưởng thôn Khải Lương, cũng là người nuôi tôm hùm ở xã Vạn Thạnh xác nhận và cho biết thêm, giá tôm đã nhích lên khoảng 100 ngàn đ/kg so với vài ngày trước. Tuy nhiên loại tôm này cũng được thu mua số lượng có hạn và chỉ cung cấp nội địa. Trong khi đó, giá tôm hùm bông (tôm sao) vẫn giữ ở mức thấp từ 1,1 - 1,2 triệu đ/kg (loại 1 từ 1 - 1,2 kg/con). Nhưng trước tết, loại tôm này lên đến trên dưới 2 triệu đ/kg.
Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, toàn tỉnh có hơn 66.000 lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu tập trung 2 huyện TP Cam Ranh và huyện Vạn Ninh.
Ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, tôm hùm cũng như ốc hương ở Khánh Hòa chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc xuất tôm hùm sang thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ, khiến lượng tôm thịt tồn, chưa xuất bán còn tương đối nhiều.
Trước tình hình này, ngành thủy sản Khánh Hòa, khuyến cáo người nuôi cần bình tĩnh, thực hiện các biện pháp chăm sóc, nuôi lưu giữ, tránh bán ồ ạt với giá thấp để thua lỗ.
Về lâu dài, theo ông Én để phát triển tôm hùm bền vững, đơn vị tiếp tục hướng dẫn người nuôi theo đúng quy hoạch của tỉnh và có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý. Đồng thời áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Song song đó, hướng dẫn người nuôi thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để hình thành chuỗi liên kết với doanh nghiệp từ cung cấp đầu vào cho đến đầu ra tiêu thụ.