| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ của lương y người Dao

Thứ Hai 21/03/2022 , 08:34 (GMT+7)

Coi rừng là nhà, muốn đưa nghề hái và chế biến dược liệu thành một ngành kinh tế, nhưng hành trình của chị Lý Thị Bích Huệ còn lắm gian nan.

Chị Lý Thị Bích Huệ tìm các phương thuốc nam trong rừng. Ảnh: Bảo Thắng.

Chị Lý Thị Bích Huệ tìm các phương thuốc nam trong rừng. Ảnh: Bảo Thắng.

Rừng là nhà

Lưng đeo gùi, mồ hôi lấm tấm trán, chị Lý Thị Bích Huệ ở Hợp tác xã Thảo dược Phượng Huệ, thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội vẫn cẩn thận vạch từng bụi cây để tìm những cây thuốc nam giữa đại ngàn hùng vĩ.

Từ bao đời nay, những người dân tộc Dao như chị Huệ gắn chặt cuộc sống với rừng. Họ chuyển từ trên núi cao xuống sinh sống làm ăn, trả lại rừng cho Nhà nước từ khi có quyết định thành lập Vườn quốc gia Ba Vì. Xã Ba Vì hay được gọi là "xã người Dao" vì được hình thành từ ba bản người Dao, nay gồm ba thôn Hợp Nhất, Yên Sơn và Hợp Sơn. Nơi đây không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn, mà còn là sinh kế, tạo nguồn thu nhập cho bà con từ nghề hái dược liệu, bốc thuốc. Có một điểm đặc biệt là những bài thuốc bí truyền của dân tộc Dao chỉ truyền cho con gái và không phải ai cũng đủ khả năng lĩnh hội hết vốn kiến thức bản địa khổng lồ này.

Ngày còn đi học, chị Huệ đã một buổi tới lớp, một buổi đắm mình trong rừng Ba Vì, nơi có cơ man nào là bạch thược, đương quy, bồ công anh, dạ cẩm, nghệ đen... Lớn hơn một chút, chị được học những bài thuốc đơn giản chữa cảm cúm, ho, sốt, và học cách chọn tạo và ươm trồng thảo dược quanh khu vườn nhà. Lớn hơn nữa, chị đi đây đó, tham khảo cách pha trộn thuốc, và đúc kết rằng: "Thảo dược phải trồng ở vùng đất của bản này mới có tác dụng, chứ nơi khác thì khó phát huy hết tinh túy".

"Khi đến vùng Ba Vì lập nghiệp, người Dao phải ở trên lưng chừng núi, dựa vào rừng Ba Vì để kiếm sống. Vì thế, cây rừng là phương thuốc duy nhất để chúng tôi tự chạy chữa. Trong số hơn 1.200 loài thực vật có trong rừng Quốc gia Ba Vì, người Dao đã biết cách sử dụng hơn 500 loại cây cỏ để chữa bệnh", chị Huệ chia sẻ. 

Tay hái thuốc, chị kể vanh vách những tác dụng dược lý của từng loại cây. Chẳng hạn, cây địa ùi chữa ốm yếu; cây B1 dùng làm tăng lực, đổi sữa cho người mới sinh; cây máu người dùng làm thuốc bổ máu; cây kim giao để chữa ho... Đặc biệt, chị Huệ nhấn mạnh tới củ dòm như một vị thuốc quan trọng có thể chữa được nhiều bệnh như dạ dày, rối loạn tiền đình, thấp khớp, gout, ung thư, giảm đau.

Đây là một loại cây dây leo nhỏ nhưng sống lâu năm. Rễ củ to, thân leo cuốn, dài khoảng 3m, thân non màu tím hồng nhạt. Toàn cây không lông. Lá đơn nguyên, mọc so le, có cuống dài 4,5 - 8,5cm. Hoa nhỏ, 1 lá đài màu tím hồng, 2 cánh hoa hình quạt tròn màu vàng cam và có các vân tím. Tuy nhiên, củ này trong tự nhiên hiện rất hiếm. Chị cùng nhiều hộ người Dao khác tại Ba Vì phải tự ươm trồng trong vườn nhà.

Một cô gái người dân tộc Dao đóng gói thuốc trị bệnh dạ dày. Ảnh: Bảo Thắng.

Một cô gái người dân tộc Dao đóng gói thuốc trị bệnh dạ dày. Ảnh: Bảo Thắng.

Với nhiều người, nhớ được 500 loại cây cỏ đã là một kỳ tích. Với những lương y lấy chữa bệnh cứu người làm lẽ sống, họ còn phải học hàng trăm bài thuốc và tự kiểm nghiệm trong thực tế. Không còn cách nào khác, người Dao phải coi "rừng là nhà" để tự đào sâu vốn kiến thức cho bản thân.

"Ngày đầu vào rừng tôi cũng hơi sợ, nhưng cảm giác ấy qua nhanh lắm. Bây giờ, ngày nào không vào rừng là tôi lại thấy nhớ. Hôm gặp được thuốc thì về sớm, còn hôm nào mà khó tìm thì về nhà muộn lắm. Có khi mặt trời xuống núi, tôi vẫn vòng vo trên rừng để chờ đúng thời điểm hái tốt nhất", chị Huệ cười kể.

Để có một bài thuốc đặc trị, chị Huệ phải dày công bảo quản sau thu hái, tránh ẩm mốc. Khi có người cắt thuốc, chị mới lấy ra để phân chia từng vị, tạo thành thang. Ngày thường, chị không tùy ý tháo ra xem vì thuốc mất dược tính. Ngoài thuốc lá sắc thành nước uống thông thường, chị Huệ còn sáng tạo ra một dạng nữa cho thuốc là cô đặc lại thành cao, thuận tiện cho những bệnh nhân hay đi công tác xa.

Ông Chu Ngọc Quân, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì cho biết, đảm bảo sinh kế cho người dân ở vùng đệm luôn là ưu tiên của Vườn. Đây là cơ sở để giảm áp lực khai thác của người dân, cũng như đảm bảo truyền thống văn hóa, kiến thức bản địa của bà con đồng bào.

"Trước đây, người Dao thường ở độ cao trên 400m. Nhờ kiên trì vận động, tuyên truyền, Vườn Quốc gia Ba Vì đa dạng hóa nguồn thu cho bà con từ du lịch, chế biến dược liệu, góp phần giúp Vườn đạt tỷ lệ che phủ rừng 81%", ông Quân nói.

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, Vườn Quốc gia Ba Vì phối hợp chặt chẽ với UBND và Phòng NN-PTNT huyện hướng dẫn người dân phát triển vườn ươm giống, chế biến phụ phẩm nông nghiệp, tăng cường liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, phân phối sản phẩm.

Sắp tới, Vườn Quốc gia Ba Vì tiếp tục giới thiệu những công nghệ mới để tối đa hóa lợi thế phát triển dược liệu trên đất dốc, trong đó có chuyển đổi số. Đây là tiền đề để người dân chuẩn hóa quy chuẩn đầu vào.

Ông Phùng Đắc Tâm giới thiệu về các loại dược liệu được ươm trong vườn. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Phùng Đắc Tâm giới thiệu về các loại dược liệu được ươm trong vườn. Ảnh: Bảo Thắng.

Khai thác bền vững

Khu vực núi Tản Viên nổi tiếng là vùng dược liệu quý của cả nước, do khí hậu núi cao, mát quanh năm. Khu vực này trước đây có khoảng trên 500 cây thuốc quý các loại, nhưng giờ chỉ còn khoảng 300. Theo chị Huệ, nhiều loại hiện rất khó kiếm, phải lên tận núi rất cao hoặc sang vùng núi khác như Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang để tìm. 

Nhờ sự ủng hộ, hỗ trợ của Vườn Quốc gia Ba Vì và UBND, xã Ba Vì đã quy hoạch 5ha đất để chuyên trồng và chế biến thuốc Nam. Thôn Yên Sơn của chị Lý Thị Bích Huệ được công nhận là Làng nghề Thuốc nam. Bên cạnh việc thu hái tự nhiên, người dân đã ươm trồng nhiều cây thuốc về vườn nhà nhằm khai thác bền vững nguồn dược liệu quý.

Ông Phùng Đắc Tâm, Giám đốc Công ty Bảo tồn và phát triển dược liệu Tản Viên là một trong số những người sưu tầm và phát triển nguồn dược liệu với số lượng lớn. Sau hơn 5 năm, khu vườn của ông đã có gần 200 loài cây, trong đó nhiều loại được di thực từ độ cao 400 - 800m xuống cao độ 100m.

"Trong quá trình bảo tồn, nhân giống, công ty chúng tôi đã liên kết với bà con và cung cấp miễn phí một số loại cho đồng bào người Dao tại đây, để chế biến thành các bài thuốc dân gian", ông Tâm bày tỏ.

Trong quá trình nhân giống, công ty gắn xây dựng khu bảo tồn cây thuốc với phát triển du lịch sinh thái. Hàng năm, cơ sở đón hàng trăm đoàn sinh viên ngành y, dược đến tìm hiểu các bài thuốc, cách chăm sóc, thu hoạch cây thuốc; đồng thời tạo điều kiện cho du khách thập phương tham quan, tìm hiểu sản phẩm.

Gắn xây dựng nông thôn mới với bảo tồn thiên nhiên cũng là chủ trương được bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì hồi tháng 2/2022. Theo bà Tuyến, bảo vệ rừng kết hợp xây dựng các trung tâm văn hóa và trưng bày sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc hữu là cách nhanh nhất để phát triển du lịch trên địa bàn.

Trước mắt, những người như ông Tâm, chị Huệ đang rà soát, kiểm tra loại thuốc nào đang thiếu hoặc cần dùng nhiều nhất. Nếu trên rừng quốc gia Ba Vì có, họ sẽ làm việc với Vườn để xin mẫu gen về trồng, nhân giống. Với những loại sinh trưởng ở độ cao trên 600m, Vườn Quốc gia Ba Vì sẽ phối hợp bảo tồn nguồn gen này.

"Thời gian trung bình để đưa một cây thuốc vào khai thác lên đến cả chục năm. Nhiều khi nấu cao kết hợp hơn 100 loại thuốc, tôi phải chia nhỏ. Hôm nay kiếm được loại nào thì cho vào nấu trước. Ngày mai vớt ra, bỏ loại khác vào. Cứ như thế, nấu đến đủ vị thì thôi", chị Huệ nói.

Mong muốn của chị Huệ cũng như bà con dân tộc Dao tại Ba Vì là giải quyết được vấn đề về quỹ đất và giống, để bảo tồn cây dược liệu. Hành trình ấy còn dài, nhưng khi nghĩ đến mỗi thành viên trong cơ sở đã đạt thu nhập 10 triệu đồng/tháng, không còn cảnh chạy ăn từng bữa, lang thang khắp nơi giới thiệu thuốc, chị lại thêm quyết tâm đưa "nghề truyền thống" thành một ngành kinh tế.

Ngày 21/3 hàng năm được FAO chọn là ngày Quốc tế về rừng. Đây là dịp để mọi người nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tất cả các loại rừng. Trong ngày này, các quốc gia được khuyến khích thực hiện các hoạt động liên quan đến rừng và cây xanh.

Chủ đề của cả năm 2022 là "Rừng và sản xuất, tiêu dùng bền vững". Chủ đề của ngày 21/3 năm nay là “Gỗ bền vững cho con người và hành tinh”. Tại Việt Nam, rừng đóng góp vào an ninh lương thực và sinh kế bền vững của hàng triệu người trên khắp đất nước.

Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, ngành lâm nghiệp xác định 3 điểm cần chú trọng: Xây dựng chuỗi sản xuất lâm nghiệp; Chuyển dịch lâm nghiệp thành một ngành kinh tế; Nâng cao chất lượng rừng.

Cả nước hiện có 167 khu rừng đặc dụng gồm: 34 vườn quốc gia; 56 khu dự trữ thiên nhiên; 14 Khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 54 khu bảo vệ cảnh quan; 9 khu nghiên cứu thực nghiệm khoa học. Cùng với đó, là 216 ban quản lý rừng phòng hộ. 360 trong 383 đơn vị này đã hoàn thành và đang xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…