Trên địa bàn huyện Sa Thầy có công trình thủy điện Ia Ly với diện tích mặt nước hơn 64.500ha, được xem là lớn nhất khu vực Bắc Tây Nguyên, rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế mặt nước lòng hồ thủy điện Ia Ly, UBND huyện Sa Thầy đã hỗ trợ người dân xây dựng một số mô hình nuôi cá lồng bè, qua đó giúp phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Sống khỏe từ nuôi cá lồng bè
Thông qua các mô hình hỗ trợ của huyện Sa Thầy, những năm gần đây, phong trào nuôi cá lồng bè đã được rất nhiều hộ dân quan tâm đầu tư. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Ia Ly (huyện Sa Thầy) đã có hàng chục hộ dân nuôi cá lồng bè với các loại như: Cá diêu hồng, rô phi, lóc, trắm, thát lát… Đặc biệt hơn, người dân nơi đây đang ngày càng chú trọng phát triển các loại cá đặc sản như: Cá lăng, cá chình, chạch lấu… bước đầu mang lại thu thập khá, cải thiệt sinh kế cho bà con.
Bỏ lại sau lưng chuyện buồn về hàng chục tấn cá chết bất thường trước đó không lâu, chúng tôi có dịp trở lại vùng sông nước lòng hồ thủy điện Ia Ly thuộc làng Chờ (xã Ia Ly, huyện Sa Thầy). Hiện giờ, sự lạc quan đã thể hiện rõ trên khuôn mặt người dân làng chài nơi đây.
Chị Lê Hồng Thanh (làng chờ, xã Ia Ly) cho biết, cá chết bất thường vừa qua chỉ là sự cố. Nhìn tổng quan, nghề nuôi cá lồng bè nơi đây vẫn rất triển vọng, cho thu nhập ổn định.
Chị Thanh quê miền Tây, đến vùng đất xã Ia Ly lập nghiệp từ rất lâu. Nhưng phải đến năm 2019, gia đình chị mới chính thức bước vào nghề nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện. Khi đó, được sự gợi ý từ cán bộ địa phương, gia đình chị bắt đầu nuôi thí điểm khoảng 10.000 con cá lóc. Thời gian đầu, dù chưa có kinh nghiệm về nuôi cá lồng bè nhưng gia đình vẫn thu được 14 tấn, lợi nhuận đạt gần 300 triệu đồng.
Các năm tiếp theo, gia đình chị Thanh tiếp tục được UBND huyện Sa Thầy hỗ trợ con giống, vật tư theo dự án nuôi cá lồng bè trên địa bàn. Đến nay, gia đình người phụ nữ quê miền Tây này đã mở rộng quy mô nuôi cá lồng bè với 10.000 con cá lăng, hơn 6.000 con cá lóc, 8.000 con cá chình và 300 con cá chạch lấu.
Theo chị Thanh, nuôi cá lồng bè không lo thị trường đầu ra, vì lúc nào cũng có thương lái ở khắp các tỉnh tìm đến thu mua. Rủi ro nhất của nghề nuôi cá lồng bè là vấn đề dịch bệnh. Nguyên nhân do thời tiết thất thường, mưa nhiều cùng với nắng gắt khiến cá dễ bị các bệnh về nấm. Trong khoảng thời gian này, nếu không điều trị kịp thời sẽ bị lây lan, dẫn đến cá chết hàng loạt.
Để giảm thiểu rui ro, gia đình chị Thanh luôn đề cao công tác phòng ngừa bằng việc hằng tuần cho đàn cá ăn các loại men tiêu hóa, các chất vitamin và các loại thuốc phòng bệnh khác.
Bỏ qua những rủi ro, chị Thanh tin tưởng: “Nghề nuôi cá lồng bè vẫn cho thu nhập ổn định nếu thực sự chú tâm vào đầu tư, chăm sóc. Năm nay, nhà tôi nuôi cá với số lượng nhiều. Nếu giá giữ vững như ở thời điểm hiện tại thì đến khi thu hoạch, trừ các khoảng chi phí, lợi nhuận thu về khoảng gần 300 triệu đồng”.
Cần thêm trợ lực để phát triển
Nhận thấy tiềm năng rất lớn từ nghề nuôi cá lồng bè, UBND huyện Sa Thầy đã xây dựng đề án nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Ia Ly và Plei Krông giai đoạn 2021-2025.
Theo mục tiêu của đề án, đến năm 2025, trên địa bàn huyện sẽ có khoảng 60 lồng bè với sản lượng trên 100 tấn cá/năm.
Để đạt được điều này, ngoài việc hỗ trợ theo hình thức đối ứng, huyện còn thường xuyên tổ chức tập huấn, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân về công tác chăm sóc, phòng trị bệnh.
Bà Lê Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sa Thầy, cho biết, để hiện thực hóa đề án nuôi trồng thủy sản, năm 2023, đơn vị đã phối hợp với UBND xã Ya Ly đưa vào trình diễn mô hình nuôi cá lồng bè với quy mô thực hiện là 6 lồng của 3 hộ dân tham gia.
Theo đánh giá ban đầu, mô hình nuôi cá lồng mang lại kết quả khả quan, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn thúc đẩy các hộ dân trên địa bàn xã Ya Ly nói riêng và huyện Sa Thầy nói chung cùng tham gia phát triển nuôi trồng thủy sản.
Cũng theo bà Dung, mô hình nuôi cá lồng bè rất tiềm năng và được UBND huyện rất quan tâm. Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng bè trên địa bàn vẫn còn mang tính nhỏ lẻ. Thời gian qua, xã Ya Ly cũng đã thành lập HTX để liên kết các hộ dân cùng nhau phát triển.
Mặc dù vậy, để HTX hoạt động hiệu quả thì quan trọng nhất là phải có nguồn vốn. Bên cạnh đó, cần phải có nhiều hộ dân mạnh dạn tham gia đầu tư để phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn.
“Mục tiêu của huyện muốn đưa khu vực xã Ya Ly thành làng nghề nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch sinh thái trên lòng hồ. Hiện tại, địa phương đang triển khai thực hiện, thành công hay không còn cả chặng đường dài, cần sự chung tay của cả chính quyền và người dân”, bà Dung chia sẻ.